Nhà biên kịch Hồng Ngát: Làm phim đã khó, chiều lòng người còn khó hơn

- PV:
Nhà biên kịch Hồng Ngát: Làm phim đã khó, chiều lòng người còn khó hơn

Nguyễn Thị Hồng Ngát là một giọng thơ nữ đặc biệt trong làng thơ và cũng là một biên kịch được đào tạo bài bản tại Đại học Điện ảnh Mátxcơva (VGIK). Bà là tác giả của nhiều kịch bản điện ảnh, là thành viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam nhiều nhiệm kỳ. Là nhà sản xuất phim Những đứa con của làng tham dự LHP Quốc tế Hà Nội, bà đã trao đổi với PV Báo SGGP về những trăn trở của điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát (thứ hai, trái sang) và đồng nghiệp tại LHP Quốc tế Hà Nội.

- PV: Là một trong những biên kịch thành công ngay từ đầu những năm 1990 với giải bạc cho phim Canh bạc - một phim đi vào những vấn đề gai góc trong cuộc sống. Tại sao ở thời điểm này, xã hội cũng đang rất “nóng” với những vấn đề xuống cấp về đạo đức, nhưng dòng phim hiện thực này lại không nhiều?

>> Bà NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT: Để trả lời được đầy đủ, tìm ra được nguyên nhân tại sao, không chỉ thuộc trách nhiệm của nghệ sĩ điện ảnh, mà còn đó là những người quản lý, các cấp lãnh đạo. Vì là lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, biết rõ đường đi nước bước sẽ chỉ cho chúng ta biết tại sao bây giờ nó lại ra như thế? Tại sao các nghệ sĩ lại né tránh đề tài nóng bỏng để trốn vào những đề tài hài, hành động và cả phim ma chỉ để câu khách. Cho dù lời giải thích đó là phim tư nhân đầu tư, chỉ nặng yếu tố giải trí. Còn phim nhà nước lại chỉ đi vào truyền thống, giáo dục, khán giả chưa xem phim mà chỉ cần thấy tên phim là không muốn mua vé. Tại sao lại thiếu vắng rất nhiều những bộ phim phản ánh cuộc sống, góp phần cải tạo đạo đức xã hội? Ngày xưa khó khăn thế mà còn ra được Canh bạc dữ dội, nay có vẻ thông thoáng hơn, vậy mà phim Bước khẽ đến hạnh phúc lại có vẻ ít được ủng hộ. Làm nghệ thuật thật khó, kiếm được tiền (không phải ngân sách) để làm phim là một bài toán  khó, được lòng mọi người càng khó hơn.

- Có nhiều phim mọi người xem đều thấy cảm động và chân thực, nhưng khi ra rạp vẫn không thể bán nổi vé. Người ta thường gán tội “lãng phí tiền đầu tư” với những bộ phim này, ý kiến của bà ra sao?

Đổ lỗi cho nhau bao giờ cũng dễ. Một vấn đề xảy ra có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thế nào là lãng phí tiền đầu tư và tại sao ai xem cũng xúc động nhưng ra rạp lại không bán được vé… Trớ trêu ở chỗ đó và buồn nản cũng ở chỗ đó. Mỗi bộ phận của ngành: sản xuất -  phát hành - tuyên truyền - nên tự vấn mình tại sao lại như vậy thì sẽ rõ thôi. Hãy luôn tự hỏi mình trước khi hỏi khán giả và hỏi xã hội.

- Thực tế, phim nhà nước sản xuất ra không còn chỗ đứng ở rạp, bởi nhiều rạp của tư nhân, chính chủ rạp cũng không chuộng dòng phim mang tính tuyên truyền. Phim Việt đứng chỏng chơ giữa những tấm biển quảng cáo hấp dẫn của phim nước ngoài thì đương nhiên khán giả mua vé phải có chọn lựa. “Cái chết” của phim Việt Nam đôi khi cũng do tự mình, bà thấy sao về điều này?

Tại sao lại gọi là phim tuyên truyền? Chẳng có dòng phim tuyên truyền hay không tuyên truyền, chỉ có mỗi một dòng phim hay hoặc không hay mà thôi. Làm về vấn đề gì cũng cần hay, cần mang đậm ngôn ngữ của điện ảnh. Phim nhà nước mà khâu phát hành do tư nhân quyết định hoàn toàn thì quả là khó có đường ra. Cho dù phim nhà nước đầu tư có tăng quảng cáo thì cũng như anh có gạo mà phải mượn nồi và củi lửa nhà khác, vậy làm sao nấu?

- Là một nhà sản xuất, giám đốc Hãng phim Hồng Ngát, khi chuẩn bị cho một kịch bản đưa vào sản xuất, yếu tố nào bà nghĩ đến đầu tiên? Vì sao bà chọn Những đứa con của làng?

Tôi quan tâm đến ý tưởng. Nghe thì rất cũ, rất kinh điển nhưng đó là sự thật. Nếu kịch bản không có ý gì thì viết làm gì? Sau đó tôi quan tâm đến câu chuyện. Và cuối cùng là ngôn ngữ chuyển tải. Kịch bản Những đứa con của làng của tác giả Phạm Dũng là một kịch bản được nhà nước duyệt và đầu tư. Tôi thấy đây là một kịch bản mang tính nhân văn cao. Kinh phí chỉ bằng 1/3 ngân sách cho một phim của nhà nước. Trong vai trò nhà sản xuất, tôi đã phải theo sát đoàn làm phim để bảo đảm quyền lợi và chế độ cho anh em nghệ sĩ và tiền nhà nước được rót đúng chỗ, đúng nơi.

Sau phim này tôi được biết Hãng phim Thiên Ngân đang có một kịch bản được nhà nước chỉ định thầu. Đây là một “cửa mở” cho những kịch bản hay được đầu tư  từ khâu sản xuất đến phát hành cũng là cách để các hãng phim tư nhân có kịch bản hay và có cơ hội tiếp cận tiền đầu tư của nhà nước. Cách chỉ định đấu thầu kịch bản là một phương thức hoạt động mới của ngành điện ảnh, rất khả quan. 

- LHP Quốc tế Hà Nội lần này, bà thấy có điều gì hấp dẫn, xu hướng phim của các nước thế nào?

Theo tôi, công tác tổ chức lần này khá tốt, các hoạt động khá phong phú,  nhiều hội thảo có nội dung thiết thực. 130 phim của 30 nước cho thấy phim ảnh bây giờ đi về vấn đề muôn mặt của đời sống, nhiều vấn đề mưu sinh của con người được đề cập như phim Người đóng quan tài, Đường về nhà… là những phim gây xúc động. Phim Đập cánh giữa không trung của Việt Nam gây được “bão” trong giới trẻ. Mỗi phim đều có những hiệu ứng khán giả riêng của mình. Vấn đề khán giả đến với các phim không phải là đông hay ít mà là sự để lại tình cảm, nhận thức cho con người trong mỗi thước phim.

Việt Nga (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục