Đồng chí Dương Quang Đông - Người cộng sản suốt đời vì dân, vì Đảng

Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Đồng chí Dương Quang Đông - Người cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt vì dân, vì Đảng
Các đồng chí lãnh đạo TPHCM trao đổi tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Dương Quang Đông - Người cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt đời vì dân, vì Đảng”. Ảnh: Việt Dũng
Các đồng chí lãnh đạo TPHCM trao đổi tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Dương Quang Đông - Người cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt đời vì dân, vì Đảng”. Ảnh: Việt Dũng
Ngày 28-4, trong khuôn khổ kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Dương Quang Đông, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trang trọng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Đồng chí Dương Quang Đông - Người cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt vì dân, vì Đảng. Hội thảo nhằm khẳng định công lao và tôn vinh những cống hiến xuất sắc của đồng chí Dương Quang Đông đối với cách mạng miền Nam, với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM, tôn vinh những phẩm chất cách mạng cao đẹp mà đồng chí đã suốt đời rèn luyện và gìn giữ. 

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; các đồng chí trong Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TPHCM, các đồng chí lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TPHCM và đại diện lãnh đạo các sở ngành, quận huyện, gia đình đồng chí Dương Quang Đông.

Người cộng sản kiên trung, tận tụy

Trong phát biểu đề dẫn, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nêu rõ: Lịch sử cách mạng hào hùng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ trong những năm tháng kháng chiến chống xâm lược giành độc lập tự do cho đất nước mãi mãi khắc ghi tên tuổi của những chiến sĩ cộng sản tận tâm, tận lực với Đảng, tận hiếu với dân. Một trong những người lãnh đạo như vậy là đồng chí Dương Quang Đông, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ…

Được mời lên phát biểu đầu tiên, ông Nguyễn Thọ Chân, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, dù năm nay đã bước sang tuổi 97 nhưng ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Dương Quang Đông. Ông nói: “Trong những năm kháng chiến chống Pháp, tôi nhiều lần nghe tên anh Phúc - Dương Quang Đông, nhưng mãi sau này mới được gặp anh, và biết anh là những người đầu tiên đã thiết lập đường dây mua bán, vận chuyển vũ khí từ nước ngoài về trang bị cho lực lượng vũ trang ta. Những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, nhiều đơn vị của ta trang bị vũ khí rất thô sơ, sau mỗi trận đánh, tôi rất đau lòng khi thấy những chiến sĩ rất trẻ hy sinh. Vì thế, tôi rất mến phục anh Phúc, vì anh đã đưa vũ khí tăng cường cho sức chiến đấu của quân ta, để giảm đi sự hy sinh xương máu của bao lớp thanh niên”.

Tiếp lời ông Nguyễn Thọ Chân, ông Võ Anh Tuấn, nguyên Đại sứ nước ta tại Liên hiệp quốc, năm nay cũng hơn 90 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và biết khá rõ về quãng đời hoạt động của bác Dương Quang Đông. Ông kể về giai đoạn suốt hai phần ba thế kỷ hoạt động cách mạng liên tục tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Nam bộ với 7 lần bị địch bắt, 6 năm ngồi tù của Pháp, Mỹ và ở Thái Lan nhưng bác Dương Quang Đông luôn tỏ ra là người cộng sản kiên trung, sáng tạo, tâm huyết và khiêm nhường, suốt đời vì dân, vì nước, vì Đảng, là tấm gương sáng về phẩm chất và đạo đức cách mạng. “Tôi nhớ, sau thất bại của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, hệ thống tổ chức Đảng bị tan nát, Đảng ủy nhà tù Tà Lài quyết định phải tổ chức vượt ngục để góp phần xây dựng lại tổ chức. Bàn mãi, cuối cùng chọn được 8 người, trong đó có Trần Văn Giàu và Dương Quang Đông. Cuộc vượt ngục diễn ra đêm 27-3-1941 và thành công, đưa Dương Quang Đông trở về Sài Gòn - Chợ Lớn với đủ nghề kiếm sống từ làm thuê đến kéo xe đẩy để tiếp tục hoạt động cách mạng” - ông Võ Anh Tuấn kể lại.

Người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc     

Với Thiếu tướng, PGS-TS Nguyễn Bình Ban, một nhà nghiên cứu lịch sử, đã khái quát về đồng chí Dương Quang Đông như một người lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, góp phần xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ông nói: “Đầu tháng 11-1961, đồng chí Phạm Thái Bường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam giao nhiệm vụ cho đồng chí Dương Quang Đông, một cán bộ đã từng phụ trách vận chuyển tiếp tế bằng đường biển cho chiến trường Nam bộ, Lào và Campuchia trong kháng chiến chống Pháp nghiên cứu, tổ chức cho một số cán bộ ra Hải Phòng báo cáo tình hình và đề nghị đưa tàu chở vũ khí chi viện cho chiến trường bằng đường biển. Đoàn 555 được ra đời dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Dương Quang Đông, đã tổ chức thành công nhiều chuyến tàu chở vũ khí cập các bến bãi dọc bờ biển từ Hàm Tân về Hồ Cốc, Hồ Tràm, góp phần làm nên những chiến thắng vang dội của quân và dân miền Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ ác liệt”.

Với những người thuộc thế hệ con cháu của bác Dương Quang Đông, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà trong bài tham luận của mình đã nói về nhân cách đồng chí Dương Quang Đông, một người sống không màng đến danh lợi, không nghĩ và mưu cầu tiến thân để “làm quan cách mạng”. “Tại Hội nghị trù bị thành lập Xứ ủy họp tại chùa Dơi, xã Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh ngày 10-9-1943, bác Dương Quang Đông được đại biểu bầu làm Bí thư Xứ ủy với sự tín nhiệm cao. Bác Dương Quang Đông chấp nhận sự tín nhiệm này nhưng ra điều kiện chỉ làm tạm thời và sẽ giao lại trọng trách này khi liên lạc được với đồng chí Trần Văn Giàu. Bác Dương Quang Đông đã giữ đúng lời hứa và giao lại cương vị này sau 18 tháng đảm nhận. Tính cách Nam bộ đó ở ông còn là một tình thương bao la với những người dân nghèo khốn khó mà cả cuộc đời ông luôn đau đáu tìm cách giúp đỡ, tạo chốn cho họ nương nhờ, che chở không chỉ trong kháng chiến mà ngay cả trong những năm khó khăn đất nước vừa ra khỏi chiến tranh. Trước khi mất, ông đã bán căn nhà của mình, một phần chia cho con cháu, một phần gửi tặng người dân vùng lũ miền Trung, miền Tây Nam bộ. Năm 2003, ông mất ở tuổi 101, con cháu ông đã làm một việc theo ý nguyện cuối cùng của ông: tặng toàn bộ số tiền 103.550.000 đồng phúng điếu giúp người nghèo…”, bài tham luận của PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà nêu rõ.

Đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, phát biểu tổng kết hội thảo đánh giá cao nội dung của 76 bài tham luận đã đem đến những cứ liệu lịch sử rất quan trọng về cuộc đời hoạt động cách mạng tận tụy, sôi nổi, kiên trung và hết lòng, hết sức với dân, với Đảng của đồng chí Dương Quang Đông. “Trong đợt kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Dương Quang Đông, Ban Thường vụ Thành ủy đã đến thăm, dâng hương tại gia đình đồng chí. Nhiều đồng chí đã xúc động được đọc những dòng chữ viết tay trong 2 quyển sách “80 năm cuộc đời” và “100 năm cuộc đời của tôi”. Ở trang đầu của một quyển sách, đồng chí Dương Quang Đông viết: “Nay đã 80 năm cuộc đời, nhìn lại tôi mới nhớ mẹ tôi dặn, tôi sanh vào lúc 4 giờ sáng năm Kỷ Sửu 1900, nhưng do xấu tháng nên 2 năm sau mới đăng ký khai sanh”. Thưa các đồng chí, như bút tích cụ viết ra, đến nay cụ tròn 117 tuổi, và  tính ở năm 2000 khi cụ thôi chức Chủ tịch CLB Hưu trí TP là tròn 100 tuổi theo Đảng, cống hiến cho Đảng, cho dân. Chúng tôi còn đọc được trong 2 quyển sách đó của cụ rất nhiều tư liệu lịch sử được viết ra từ trái tim, khối óc của một người đã từng hoạt động cách mạng suốt cả cuộc đời 100 năm…”, đồng chí Tất Thành Cang phát biểu.

Tin cùng chuyên mục