Cô học sinh “hóa thân thành Thủy Tinh” đoạt giải nhất UPU toàn quốc: Tư duy trẻ con và lời cảnh báo người lớn

Ngày 18-4, chúng tôi đến Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tìm gặp cô học sinh “hóa thân thành Thủy Tinh” nói về sự quý giá của nước. Đó là em Đào Thụy Thùy Dương, học sinh lớp 6/10 Trường THCS Tây Sơn, người đoạt giải nhất quốc gia về cuộc thi viết thư UPU lần thứ 42.
Cô học sinh “hóa thân thành Thủy Tinh” đoạt giải nhất UPU toàn quốc: Tư duy trẻ con và lời cảnh báo người lớn

Ngày 18-4, chúng tôi đến Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tìm gặp cô học sinh “hóa thân thành Thủy Tinh” nói về sự quý giá của nước. Đó là em Đào Thụy Thùy Dương, học sinh lớp 6/10 Trường THCS Tây Sơn, người đoạt giải nhất quốc gia về cuộc thi viết thư UPU lần thứ 42.

Cuộc thi viết thư quốc tế lần thứ 42 năm 2013 có chủ đề “Em hãy viết một bức thư để nói: Tại sao nước là quý?”. Thùy Dương đã hóa thân thành Thủy Tinh trong câu chuyện cổ tích “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, viết thư gửi Sơn Tinh để “đàm phán” và cũng là để giãi bày những bức xúc của mình về sự tàn phá thiên nhiên của loài người, trong đó có nguồn nước quý giá. Mở đầu bức thư, bằng một giọng văn hóm hỉnh, Thùy Dương viết: “Chào Sơn Tinh, kẻ tình địch không đội trời chung của ta! Chắc mi bất ngờ lắm khi nhận được lá thư này, bởi vì, xưa nay ta chỉ đối đầu chứ có bao giờ chịu đối thoại với mi đâu. Nhưng hôm nay ta muốn nói chuyện với mi vì ta có một chuyện cực kỳ quan trọng”.

Đào Thụy Thùy Dương cùng cô giáo Phạm Thị Phong đọc lại bản photo bức thư đoạt giải.

Đào Thụy Thùy Dương cùng cô giáo Phạm Thị Phong đọc lại bản photo bức thư đoạt giải.

Rồi Thủy Tinh tự sự kèm theo những lời oán trách: “Chả là, ta thấy xưa nay con người bao giờ cũng yêu mến, quý trọng mi hơn ta. Ngay cả vua Hùng anh minh là thế cũng muốn chọn mi làm rể nên đã yêu cầu sính lễ toàn những thứ chỉ có ở giang sơn của mi. Chuyện ấy là ta cay cú vì thực ra, trong cuộc thi tài ngày ấy, mi với ta có ai thắng ai đâu… Song, bây giờ ngồi ngẫm lại, ta thấy con người bị liên lụy cũng không oan vì họ chỉ ủng hộ mi, chỉ thấy mi là quý mà không biết rằng Thủy Tinh ta cũng đáng quý biết bao!

Ta hận loài người vì họ được tiếng là thông minh mà sao lại không nhận ra được giá trị to lớn của ta? Chính ta đã làm nên mọi sự sống cho hành tinh này, điều hòa nhiệt độ làm cho khí hậu mát lành. Nếu không có ta, muôn vật cùng cỏ cây sẽ chết khô chết héo và con người không sống quá năm ngày. Tất nhiên, khi ấy mi cũng trở thành nghĩa địa”.

Sau khi ca ngợi sự quý giá của nước đối với sự sống con người, sự tồn tại của xã hội, thậm chí với cả đời sống văn hóa nghệ thuật trên hành tinh này, Thùy Dương đã phê phán hành động phá hoại môi trường sống, hủy hoại và đầu độc nguồn nước của con người hiện nay như: lãng phí nguồn nước, xả rác rưởi, nước thải làm ô nhiễm nguồn nước... Và qua đó đưa ra lời cảnh báo đối với loài người:” Tới năm 2035, gần nửa dân số Trái đất sẽ phải đối mặt với các khó khăn vì thiếu nước. Trong tương lai không xa, Thủy Tinh ta sẽ là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến đời sống của toàn nhân loại như gây mất ổn định chính trị, xung đột vũ trang, đói nghèo, bệnh tật…”.

Chính việc Thùy Dương dùng thuật “kể chuyện sáng tạo” nhập vai vào nhân vật cổ tích để nói lên suy nghĩ của mình về sự quý giá của nước đối với sự tồn vong của loài người bằng lối hành văn mạch lạc, lập luận chặt chẽ, với những luận cứ khoa học về nguyên nhân gây thiếu hụt nước trong tự nhiên, đã tạo nên hấp lực cho câu chuyện và thuyết phục người đọc.

Thùy Dương cho biết: “Hồi học cấp 1, em thích học Toán hơn học Văn. Nhưng khi vào cấp 2, em thích học Văn hơn Toán vì cô giáo đã cho chúng em vừa học vừa sáng tạo, nhất là những tiết học như: kể chuyện sáng tạo, nhập vai và sắm vai các nhân vật trong cổ tích. Em viết bức thư này để cảnh báo loài người sẽ trả giá về những hành vi phá hoại môi trường sống, lãng phí và gây ô nhiễm nguồn nước mà mình đang gây ra. Chúng ta phải biết quý trọng nước, dù chỉ một giọt!”.

Cô Phạm Thị Phong, Tổ trưởng Tổ văn Trường THCS Tây Sơn, đồng thời là giáo viên dạy Văn lớp 6/10, nhận xét: “Trong lớp, Thùy Dương là một học sinh khá năng động, lanh lẹ, có cá tính mạnh và hơi… lãng tử. Thùy Dương rất thông minh”.

Cô Phong cho biết thêm, kể chuyện sáng tạo hay sắm vai, nhập vai nhân vật cổ tích trong truyện nằm trong chương trình giảng dạy nhưng Thùy Dương đã nhạy bén, sáng tạo và vận dụng đúng chỗ, đúng lúc nên đã thuyết phục được người đọc. Chính vì vậy, việc dạy Văn trong nhà trường hiện nay cần thiết để các em sáng tạo hơn là cứ dạy và học theo “ba rem”. 

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục