Thêm tiền, chất lượng giáo dục có tăng?

Việc phân ban thất bại

* Kiến nghị ban hành nghị quyết về giáo dục phổ thông

Chiều 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông. Một lần nữa, bức tranh giáo dục phổ thông (GDPT) lại được “vẽ” lại một cách toàn diện, với rất nhiều khiếm khuyết mà bấy lâu nay xã hội và các nhà giáo dục đã chỉ ra.

Việc phân ban thất bại

Trình bày báo cáo giám sát, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, GDPT hiện còn quá nhiều bất cập. Đơn cử như hệ thống trường THPT chuyên được hình thành nhằm phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu về một số môn học để phát triển năng lực sáng tạo, trở thành nhân tài của đất nước trong tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường THPT chuyên chỉ chú trọng luyện thi đại học hơn nhiệm vụ bồi dưỡng, phát triển tài năng. Đồng thời, do quá chú trọng mở rộng quy mô của một số trường chuyên khiến mục tiêu đào tạo nhân tài trở nên mờ nhạt.

Trong thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình GDPT, báo cáo giám sát cho thấy, quy trình biên soạn chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) ở một số khâu còn thiếu tính khoa học, chưa bảo đảm tính liên thông, thống nhất giữa các cấp học, môn học. Việc chuẩn bị các điều kiện để triển khai CT-SGK mới còn thiếu đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu dạy học. Trong đó, CT-SGK giáo dục phổ thông còn thiên về trang bị kiến thức, chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học cũng như giáo dục kỹ năng, nhất là kỹ năng sống và đạo đức học sinh.

Đặc biệt, việc thực hiện phân ban ở cấp THPT không đạt được mục tiêu đề ra, không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của học sinh.

“Sau 3 năm triển khai thực hiện phân ban đại trà, năm học 2008 - 2009, cả nước có gần 84% học sinh lớp 10 học ban cơ bản, chỉ hơn 14% học sinh học ban khoa học tự nhiên, xấp xỉ 2% học sinh học ban khoa học xã hội - nhân văn. Kết quả giám sát tại các địa phương cho thấy, hầu hết các trường THPT kể cả nhiều trường THPT chuyên chỉ tổ chức dạy học theo ban cơ bản kết hợp với dạy nâng cao một số môn thi đại học theo lựa chọn của học sinh. Như vậy, việc thực hiện phân ban ở cấp THPT đã không thành công”, ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh và tiết lộ: Báo cáo không dám nói là phân ban thất bại, cho đỡ... nặng nề.

“Chất lượng GDPT nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục cũng như yêu cầu phát triển của đất nước và còn thấp so với các nước tiên tiến”, báo cáo giám sát đánh giá. Từ thực tế trên, UBTVQH kiến nghị QH ban hành Nghị quyết về GDPT; Nghị quyết đổi mới CT-SGK thực hiện sau 2015 để Chính phủ có cơ sở thực hiện.

Chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu?

Với một báo cáo giám sát đầy màu xám về GDPT mà UBTVQH đưa ra, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận dường như cũng không cần thiết giải trình gì nhiều. Ngoài việc ngắn gọn tóm tắt một số cố gắng của ngành giáo dục trong những năm qua nhằm nâng cao chất lượng GDPT, Bộ trưởng chỉ duy nhất nói về vấn đề đầu tư cho giáo dục. “20% ngân sách dành cho giáo dục tuy là một ưu tiên nhưng không đáp ứng được nhu cầu. Chưa bảo đảm được điều kiện để nâng cao chất lượng GDPT ở mức tối thiểu. 80% chi ngân sách là dành cho con người, chỉ 20% cho các hoạt động khác của nhà trường. Mức chi này đã từ 20 năm trước và giờ vẫn vậy, từ thời nhà trường chỉ là phấn trắng bảng đen đến nay khi mà nhà trường có quá nhiều thiết bị hiện đại. Báo cáo giám sát nói một số thiết bị không được sử dụng, một phần là do không có kinh phí để trang bị những kỹ thuật cần thiết”, ông Phạm Vũ Luận nói.

Ông Đào Trọng Thi cũng thừa nhận, để đỡ nặng nề, báo cáo giám sát đã đánh giá “đầu tư cho GD hiện nay không đủ đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng GDPT. Nhưng thực tế đúng như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói là chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu”.

Đây cũng chính là vấn đề xuyên suốt trong các ý kiến của UBTVQH về bản báo cáo giám sát này. Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH sau khi yêu cầu phải trả lời được 3 câu hỏi về GDPT: chất lượng tốt hay dở; chương trình nặng hay nhẹ; SGK hiện đại hay lạc hậu đã mổ xẻ về nguồn lực dành cho GDPT. “Như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói, thời đại hiện nay cần cách giáo dục khác và nguồn lực đầu tư phải khác. Cần chỉ ra phương thức để huy động nguồn lực của nhân dân đối với giáo dục. Tại sao chúng ta toàn để người có điều kiện cho con em đi học nước ngoài? Cần tìm ra được cơ chế để huy động những người có điều kiện tin tưởng để con em học trong nước; còn với người nghèo thì nhà nước hỗ trợ”, ông Dũng đề xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cũng thẳng thắn, đúng là có vấn đề về tài chính cho giáo dục. Nhà nước chỉ dành 20% ngân sách. Nhưng gia đình, xã hội dành nguồn lực cho giáo dục rất lớn, không hề nhỏ. Vấn đề là nếu nâng ngân sách lên thì chất lượng giáo dục có được nâng lên tỷ lệ thuận không hay vẫn ì ạch? Chính ngành giáo dục phải chiến thắng lợi ích của ngành để đặt lợi ích của đất nước, cộng đồng lên trên hết.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai viện dẫn: Câu chuyện em Nguyễn Hữu Tiến đỗ thủ khoa ĐH Y Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn và hiện nay được xã hội dang tay giúp đỡ là minh chứng sinh động của việc xã hội sẵn sàng đóng góp nguồn lực cho giáo dục. Vấn đề là cơ chế huy động. Bà Mai yêu cầu, báo cáo giám sát cần chỉ rõ lộ trình về cơ chế tài chính cho giáo dục: Nhà nước bỏ ra bao nhiêu, người dân bỏ ra bao nhiêu để bảo đảm nguồn lực cho giáo dục.

Ngoài vấn đề về nguồn lực đầu tư cho giáo dục, UBTVQH cũng đặt vấn đề, đến thời điểm này, Việt Nam đã đủ điều kiện để thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK chưa? Bên cạnh đó, cần định hướng rõ có bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không?

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục