Tránh lạm dụng công nghệ trình chiếu

Kho tài nguyên vô giá
Tránh lạm dụng công nghệ trình chiếu

Ứng dụng CNTT vào giảng dạy

Sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin hỗ trợ quá trình dạy học đang là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, đối với riêng bậc tiểu học, nếu lạm dụng công nghệ trình chiếu sẽ có tác hại về mặt phát triển nhận thức lẫn tình cảm của các em.

Giáo án điện tử được nhiều trường tiểu học ở thành phố đầu tư trang bị phục vụ công tác giảng dạy. Ảnh: Mai Hải

Giáo án điện tử được nhiều trường tiểu học ở thành phố đầu tư trang bị phục vụ công tác giảng dạy. Ảnh: Mai Hải

Kho tài nguyên vô giá

Hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM hiện đều có từ 1 - 2 phòng học trang bị bảng tương tác, một thiết bị điện tử thông minh được cài đặt sẵn phần mềm, giáo viên điều khiển màn hình thông qua bút cảm ứng thay cho bảng đen phấn trắng của phương pháp giảng dạy truyền thống. Bài giảng ngoài những định nghĩa, khái niệm bằng chữ viết còn được minh họa bằng vô số hình ảnh, biểu đồ, sơ đồ nguyên lý hoặc video clip sinh động. Cô Lưu Thị Lan Hương, giáo viên Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (quận 5), cho biết: “Phần lớn học sinh đều tỏ ra thích thú khi học với bảng tương tác. Trong đó, các thanh công cụ cài đặt sẵn trong phần mềm giúp giáo viên có thêm nhiều lựa chọn, dễ dàng chỉnh sửa giáo án phù hợp với từng đối tượng học sinh”. Đồng quan điểm, cô Lê Thị Mai Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1) bày tỏ, việc sử dụng công nghệ trình chiếu giúp giáo viên tiết kiệm nhiều thời gian tìm kiếm tư liệu hoặc chuẩn bị học cụ cho việc soạn giảng và minh họa bài giảng. Tùy phần mềm giáo án, kho học liệu được lập trình khác nhau nhưng nhìn chung đều ưu tiên tính trực quan sinh động, phát huy tối đa tinh thần chủ động và sáng tạo của giáo viên.

Năm học 2012 - 2013, giải pháp “Lớp học tương tác” đã được Sở GD-ĐT triển khai thí điểm tại 5 trường tiểu học trên địa bàn TPHCM, gồm Lê Ngọc Hân (quận 1), Nguyễn Thanh Tuyền (quận 3), Trần Bình Trọng (quận 5), Dương Minh Châu (quận 10) và Bành Văn Trân (quận Tân Bình). Qua hơn một năm triển khai phương pháp, bước đầu đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía phụ huynh. Anh Nguyễn Minh Nhật, phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Dương Minh Châu (quận 10) đánh giá: “Tuy chỉ được học với bảng tương tác 4 môn toán, tiếng Anh, tự nhiên xã hội và tập viết nhưng ngày nào đi học về, con tôi cũng hào hứng kể lại những hình ảnh, đoạn video clip minh họa trong bài giảng. Ở độ tuổi các cháu, khái niệm, định nghĩa bằng câu, chữ nhiều khi không nhớ nhưng qua hình ảnh, biểu đồ xem một lần là thuộc lòng”. Dự kiến năm học 2013-2014, phương pháp này sẽ tiếp tục được mở rộng tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP, trong đó mỗi quận được chọn thí điểm tối đa 2 trường. 

Tránh lạm dụng

Không thể phủ nhận những tiện ích mà phương pháp dạy học với bảng tương tác mang lại. Song, bên cạnh đó cũng còn không ít nỗi lo. Cô Đặng Thị Minh Xuân, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận 3), chia sẻ: “Dạy học với bảng tương tác, đặc biệt là phân môn tập viết ở bậc tiểu học, học sinh có thiệt thòi là không nhìn thấy nét chữ thật của giáo viên. Ngày xưa dạy học với bảng đen phấn trắng, sau mỗi lần nắn nót viết chữ trên bảng, chúng tôi luôn nhận được những tràng vỗ tay khen ngợi của các em. Nay dạy học với bảng tương tác, niềm vui và sự khích lệ đó không còn nữa, khiến bản thân người dạy có phần hụt hẫng”. Ở khía cạnh khác, cô Lưu Thị Lan Hương, giáo viên Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (quận 5), bày tỏ: “Số lượng bút thông minh có hạn, trong khi phương pháp dạy học chính ở bậc tiểu học là chú trọng tổ chức hoạt động, triển khai giáo án theo hình thức vừa học, vừa chơi nhằm giảm bớt áp lực cho các em. Nếu chỉ một, hai học sinh được phát bút điện tử lên bảng làm bài, ba mươi mấy em còn lại ngồi bên dưới sẽ không biết làm gì vì không thể lên bảng đồng loạt như trước kia”. Đó là chưa kể theo nhận xét của nhiều giáo viên, dạy học với bảng tương tác chỉ thích hợp với những lớp học sĩ số dưới 30 học sinh. Trong khi thực tế hiện nay ở TP, trường nào cũng áp lực khá cao về mặt sĩ số. Nhiều quận nội thành sĩ số lên đến 45 - 50 học sinh/lớp. Ngay cả những trường đạt danh hiệu chuẩn quốc gia cũng có nguy cơ “vỡ chuẩn” do áp lực sĩ số “heo vàng” quá lớn trên địa bàn. Qua đó cho thấy, nếu được áp dụng đại trà, phương pháp dạy học này sẽ gây khó cho giáo viên trong quá trình tổ chức lớp học, hiệu quả vì thế không đảm bảo sẽ như mong đợi.

Băn khoăn về chi phí đào tạo, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình), bày tỏ: “Chi phí phụ huynh phải đóng cho việc học với bảng tương tác gần 1 triệu đồng/học sinh/năm học. Tính ra mỗi tháng khoảng 100.000 đồng/em, số tiền không nhỏ đối với nhiều gia đình khó khăn, học sinh ở những quận, huyện vùng ven của TP”.

Song, sử dụng thế nào để đạt hiệu quả, vừa giúp học sinh tiếp thu tốt kiến thức vừa giảm áp lực công việc cho giáo viên không phải là điều ai cũng làm được.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hoài Chương: “Triển khai bất kỳ một phương pháp giảng dạy nào cần chú ý 2 yếu tố: chất lượng sư phạm và hiệu quả đào tạo. Nếu quá lạm dụng công nghệ trình chiếu sẽ biến tiết dạy thành giờ truyền tải ngôn ngữ kỹ thuật một cách máy móc, khô khan. Công cụ dù hiện đại đến mấy cũng không thể thay thế vai trò của giáo viên trong lớp học”.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục