HoREA lại “chạy ngược chiều”

Hiếm có sự việc nào trong quản lý đô thị lại có sự “cù cưa” qua lại giữa TPHCM và Bộ Xây dựng như câu chuyện cho phép hay không cho phép xây căn hộ diện tích nhỏ? 
Cho đến nay, các văn bản pháp quy bắt buộc diện tích căn hộ thương mại nhỏ nhất là 45m². Đó là quy định của Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4451:2012; Luật Nhà ở 2014 cũng quy định diện tích nhà ở thương mại bảo đảm “với tiêu chuẩn, quy chuẩn”.
Thế nhưng, trong các văn bản gần đây, Bộ Xây dựng đã “gợi ý”: đề nghị TPHCM nghiên cứu theo hướng không bắt buộc tất cả các dự án phải áp dụng tiêu chuẩn diện tích căn hộ thương mại tối thiểu 45m², mà có thể cho phép xây dựng một tỷ lệ nhất định (20% - 25%, hoặc cao hơn) số căn hộ chung cư diện tích nhỏ 25m² - 45m². Tuy nhiên, văn bản phúc đáp Bộ Xây dựng (lần thứ 2) do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến ký ngày 11-1-2018 đã dẫn chứng từ thực tế và không đồng ý về vấn đề trên! Bởi vì, việc cho phép đầu tư xây dựng nhà ở thương mại với diện tích nhỏ (dưới 45m²) sẽ thu hút người dân từ các địa phương khác đến TPHCM mua căn hộ giá rẻ để ở, làm tăng quy mô dân số, phá vỡ quy hoạch được duyệt, tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đang bị quá tải. Trước đó, trong văn bản phúc đáp lần 1 (ngày 11-9-2017), UBND TPHCM cũng nêu quan điểm như trên và lo ngại về nguy cơ xuất hiện “nhà ổ chuột” trên cao trong lòng đô thị.
HoREA lại “chạy ngược chiều” ảnh 1 Một căn hộ diện tích nhỏ tại chung cư Thái An 4 (TPHCM)
Quan điểm nhất quán của UBND TPHCM dựa trên tình hình thực tế. Hiện nay, tình trạng người nhập cư, tạm cư vào TP ngày càng gia tăng, dân số TP đã xấp xỉ đạt 13 triệu người, vượt xa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt là 10 triệu người. Sự bùng nổ dân số đã làm gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân, gây quá tải và tạo áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện hữu. Vấn đề cốt tử của TPHCM là hạ tầng thì chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức và tương xứng, để phù hợp với nhu cầu phát triển theo quy hoạch giao thông đã được Thủ tướng phê duyệt.
Cụ thể, TPHCM cần xây dựng khép kín được tuyến đường Vành đai 2 (khoảng 64km) và Vành đai 3 (khoảng 89km); xây dựng 5 tuyến đường trên cao với chiều dài 70,7km, có 4 làn xe; xây dựng hệ thống đường sắt đô thị có tổng chiều dài 229,1km, bao gồm 8 tuyến tàu điện ngầm xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính... Việc phát triển đồng bộ hệ thống đường sắt đô thị sẽ là mạch máu giao thông chính của đô thị hiện đại, góp phần giãn dân ra khu vực ngoại vi, thúc đẩy đô thị hóa nhanh chóng khu vực ngoại thành. Giao thông công cộng hoàn chỉnh sẽ giảm triệt để ùn tắc giao thông, khi đó TP mới thực hiện được kế hoạch cấm phương tiện giao thông cá nhân, di dời các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các bệnh viện ra ngoài phạm vi nội thành như chủ trương đã thống nhất.
Như vậy quan điểm của TPHCM rất rõ ràng, chưa thể xây dựng căn hộ nhỏ vì hạ tầng chưa có đầy đủ; nếu không có lộ trình thì việc cấp phép bừa bãi sẽ đẩy đô thị TP vào tình cảnh quá tải nghiêm trọng. Điều kỳ lạ, 2 lần UBND TPHCM có văn bản trả lời không đồng ý thì Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) lại có văn bản kiến nghị ngược lại.
Mới đây nhất, ngày 15-1-2018, HoREA lại có ý kiến “tha thiết đề nghị UBND TPHCM cho phép xây dựng căn hộ nhỏ tại chung cư thương mại”. HoREA do UBND TPHCM phê duyệt điều lệ hoạt động, chịu sự quản lý của Sở Xây dựng, nhưng tại sao lại nói ngược chủ trương của TP, đi ngược với tôn chỉ là “góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP và cả nước”? Phải chăng, HoREA đã quên đi thực tại hàng ngày TP đối mặt với sự quá tải gay gắt, ùn tắc giao thông nghiêm trọng, mà cổ súy cho việc xây dựng “nhà ổ chuột trên cao”?

Tin cùng chuyên mục