“Lực lượng an ninh biên giới” - nước cờ bất ngờ của Mỹ

Liên quân do Mỹ đứng đầu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho biết đang phối hợp với các đồng minh trong Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và các nhóm vũ trang Syria thành lập một lực lượng an ninh biên giới tại miền Bắc Syria. 
Các tay súng sẽ được đào tạo lại để gia nhập SDF
Các tay súng sẽ được đào tạo lại để gia nhập SDF

Ngày 15-1, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Shamanov tuyên bố: Nga và các đối tác của nước này sẽ đáp trả quyết định của liên minh do Mỹ dẫn đầu về việc thành lập cái gọi là “Lực lượng an ninh biên giới” trên vùng lãnh thổ Syria do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) kiểm soát.

Mỹ chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 14-1, liên quân do Mỹ đứng đầu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho biết đang phối hợp với các đồng minh trong Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và các nhóm vũ trang Syria thành lập một lực lượng an ninh biên giới tại miền Bắc Syria. Trong bối cảnh cuộc chiến chống IS đang dần đi đến hồi kết, liên quân này bắt đầu chuyển hướng trọng tâm sang vấn đề an ninh biên giới, theo đó, sẽ thành lập lực lượng, gồm 30.000 thành viên, với một nửa trong số này là các tay súng trong SDF được huấn luyện lại.

Theo Defense Post, dự kiến các đơn vị mới này sẽ được triển khai dọc khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và giáp với vùng lãnh thổ binh sĩ Syria đang đồn trú. Hiện các lực lượng người Kurd và Arab của SDF đang kiểm soát vùng lãnh thổ giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ về phía Bắc, giáp Iraq về phía Đông và giáp khu vực do các lực lượng Chính phủ Syria kiểm soát về phía Tây.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng trước thông báo trên của liên quân do Mỹ đứng đầu, Chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc thay vì chấm dứt sự hỗ trợ đối với đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) và Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), bước đi này hợp pháp hóa một tổ chức khủng bố và “không thể chấp nhận được”.

YPG và PYD là những lực lượng chủ chốt trong SDF được Mỹ hậu thuẫn tại Syria. Mỹ coi YPG là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất chống lại IS, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng này là một tổ chức khủng bố vì có liên hệ với các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên án kế hoạch này của Mỹ và gọi đây là bước đi đơn phương, sai lầm nghiêm trọng, đồng thời nhấn mạnh, liên quân không hề tham vấn gì với Ankara về bước đi này.

Đe dọa biện pháp đáp trả đũa

Động thái bất ngờ này của Mỹ và liên quân chắc chắn sẽ khiến chính quyền Syria, Nga và đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ đều “giật mình” lo ngại.

Sputniknews ngày 15-1 dẫn phát biểu trước báo giới của Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Shamanov tuyên bố: “Hành vi như vậy của liên quân (do Mỹ dẫn đầu) thể hiện sự đối đầu trực tiếp với những lợi ích của Nga và chúng tôi cũng như những đối tác của chúng tôi chắc chắn sẽ thực hiện những biện pháp nhất định nhằm ổn định tình hình tại Syria”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo việc thành lập một lực lượng an ninh ở khu vực do phiến quân được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát có thể dẫn tới tình trạng chia rẽ ở Syria.

Thực tế, Mỹ đang dẫn đầu một liên minh có hơn 70 quốc gia tham gia vào cuộc chiến nhằm đánh bại tổ chức khủng bố IS ở Iraq và Syria kể từ năm 2014. Các hoạt động của liên quân ở Syria không được cả Damascus và Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cho phép. Chính quyền của Tổng thống Assad từ lâu đã luôn coi sự hiện diện của liên quân do Mỹ dẫn đầu ở lãnh thổ Syria là hành động “xâm lược”.

Ngày 15-1, Bộ Ngoại giao Syria chỉ trích việc Mỹ thành lập một lực lượng an ninh biên giới tại miền Bắc Syria và coi đây là sự vi phạm chủ quyền của Syria; đồng thời cáo buộc chính sách này của Washington nhằm gây trở ngại đối với nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng trong khu vực. Kênh truyền hình nhà nước Syria đưa tin quân đội Syria kiên quyết chấm dứt sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở nước này.

Trước đó, ngày 7-1, tờ Asharq al-Awsat dẫn nguồn tin từ quan chức cấp cao phương Tây cho hay, Washington đang lên kế hoạch tiến hành “bước đi cứng rắn”, trong đó có việc công nhận một vùng rộng lớn do người Kurd kiểm soát ở vùng phía Bắc Syria, khu vực bờ Đông sông Euphrates, có diện tích gấp 3 lần so với quốc gia láng giềng Lebanon.

Tin cùng chuyên mục