Mở rộng làn sóng Hallyu

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hàn Quốc vừa công bố chiến lược quảng bá văn hóa Hàn Quốc trên toàn cầu. 
Đề ra 3 chiến lược lớn và 10 bài toán thực hiện cụ thể. Trong đó, chiến lược gồm mở rộng sự bao phủ của Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) thành toàn bộ nền văn hóa Hàn Quốc, bồi dưỡng các trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại nước ngoài thành nơi để mở rộng làn sóng Hallyu. 
Mở rộng làn sóng Hallyu ảnh 1 Các nhóm nhạc của Hàn Quốc góp phần mở rộng làn sóng Hallyu
Cơ quan Văn hóa và Thông tin Hàn Quốc (KOCIS) thuộc Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc sẽ xây dựng hệ thống thông tin tổng hợp dữ liệu lớn về Hallyu cho tới năm 2022 với nguồn ngân sách đầu tư 10,4 tỷ won (9,74 triệu USD). Hệ thống này sẽ phân tích phản ứng của 10 nước đối với các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch để nắm rõ nhu cầu theo từng khu vực đối với văn hóa Hàn Quốc, lập chiến lược xúc tiến phù hợp. Ngoài ra, chiến lược trên còn lập phương án nhằm tăng cường giao lưu, hợp tác văn hóa với các đối tác mới như các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).
Đối với khu vực ASEAN, Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc sẽ chỉ định năm giao lưu văn hóa với các nước, cụ thể là với Philippines vào năm 2019 nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; với Malaysia vào năm 2020 nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; và với Việt Nam vào năm 2022 nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tập trung xúc tiến các sự kiện giao lưu văn hóa với các quốc gia này.
Tại khu vực Nga và CIS, bộ sẽ xúc tiến dự án giới thiệu về văn hóa Hàn Quốc nhằm biến các trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại khu vực này trở thành nơi đóng vai trò thiết thực trong giao lưu văn hóa, xúc tiến xây dựng Ngôi nhà văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc cho những người gốc Hàn Quốc tại thủ đô Tashkent của Uzbekistan. Ngoài ra, Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc sẽ xúc tiến tổ chức sự kiện Cảm nhận Hàn Quốc, giới thiệu một cách tổng hợp về văn hóa Hàn Quốc tại Nga nhân giải Vô địch bóng đá thế giới World Cup 2018.
Chiến lược trên cũng đề ra mục tiêu nâng số học sinh theo học tại Trung tâm Hàn ngữ Sejong, nơi phổ cập về tiếng và văn hóa Hàn Quốc tại nước ngoài, nâng từ 60.000 người lên 90.000 người vào năm 2022. Nâng số lượng Học viện Văn hóa Sejong - một chương trình giảng dạy, trải nghiệm về văn hóa Hàn Quốc thuộc Trung tâm Hàn ngữ Sejong - từ 15 lên 50 địa điểm. Để tăng cường chất lượng đào tạo tiếng Hàn Quốc, Bộ VH-TT-DL sẽ mở rộng quy mô cử các giáo viên có chứng chỉ đào tạo chuyên môn sang nước ngoài giảng dạy. Không chỉ dừng lại ở văn hóa đại chúng, bộ cũng sẽ xúc tiến phương án tăng cường dự án hợp tác ở các lĩnh vực nghệ thuật cơ bản do nhận thấy người dân các nước đang ngày một quan tâm tới làn sóng Hallyu ở lĩnh vực nghệ thuật, như văn học, mỹ thuật, biểu diễn.
Chiến lược được công bố trong bối cảnh năm 2017, một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cho biết, cán cân dịch vụ ngành giải trí và văn hóa của Hàn Quốc còn được gọi là “cán cân làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu”, đạt thặng dư hơn 240 triệu USD, giảm 40,3% so với quy mô thặng dư cùng kỳ năm 2016. Điều này là do quy mô xuất khẩu các nội dung văn hóa giải trí giảm mạnh.
Sau khi Chính phủ Trung Quốc ban lệnh hạn chế các nội dung văn hóa Hallyu để trả đũa việc Chính phủ Hàn Quốc công bố triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm cao (THAAD) vào tháng 7-2016, quy mô thặng dư cán cân này bắt đầu giảm. Trung Quốc đã cấm toàn bộ việc nhập khẩu các nội dung văn hóa từ Hàn Quốc, cấm các hoạt động của nghệ sĩ Hallyu tại nước này. Nhiều diễn viên Hàn Quốc tham gia phim truyền hình của Trung Quốc phải xin rút lui, nhiều sự kiện văn hóa Hallyu bị hủy bỏ... 

Tin cùng chuyên mục