Phân cực thị trường lao động

Trong bản báo cáo công bố ngày 18-4, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhận xét, tình trạng thất nghiệp ở từng bang có xu hướng giảm xuống, cho thấy những bước tiến của Mỹ trong nỗ lực đưa người dân quay trở lại làm việc. Số người được tuyển dụng trong tháng 3 của 34 bang ở Mỹ tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm tại 21 bang.

Trong bản báo cáo công bố ngày 18-4, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhận xét, tình trạng thất nghiệp ở từng bang có xu hướng giảm xuống, cho thấy những bước tiến của Mỹ trong nỗ lực đưa người dân quay trở lại làm việc. Số người được tuyển dụng trong tháng 3 của 34 bang ở Mỹ tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm tại 21 bang.

Ngày 24-4, Bộ Lao động Mỹ cũng đưa ra dự đoán trong tháng 4 này, tỷ lệ thất nghiệp chung ở Mỹ có thể giảm so với mức 6,7% trong tháng 3.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế của Mỹ đã xóa sổ thị trường việc làm lương trung bình và lương cao khi mà tăng trưởng việc làm tăng mạnh nhất trong thời gian qua diễn ra chủ yếu tại các thị trường cung cấp việc làm lương thấp.

Theo các chuyên gia của Dự án Luật pháp việc làm quốc gia (NELP), chuyên đảm nhận việc phân tích xu hướng tuyển dụng trong 4 năm phục hồi kinh tế, thị trường việc làm của các nhà hàng thức ăn nhanh đang dẫn dắt sự tăng trưởng việc làm, chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế khi tổng số việc làm đã vượt mức so với thời điểm trước khi kinh tế suy thoái. Mất việc làm và có được việc làm đang bị mất cân đối.

Các ngành có mức lương cao như kế toán, pháp lý… giảm 3,6 triệu việc làm trong giai đoạn suy thoái nhưng chỉ tạo thêm lại 2,6 triệu vị trí trong thời gian phục hồi. Trong khi đó, nếu như những ngành có mức lương thấp trước đây sa thải chỉ 2 triệu việc làm thì nay đã nhận đến 3,8 triệu người.

Vì thất nghiệp cao và việc làm tập trung trong những ngành công nghiệp lương thấp nên hàng trăm ngàn người Mỹ chấp nhận những vị trí mà mức lương được trả lương thấp hơn trước đây rất nhiều. Trong một số trường hợp, họ trượt ra khỏi tầng lớp trung lưu và bước vào hàng ngũ những người lao động nghèo. Như Connie Ogletree, người từng là trợ lý hành chính và điều hành một công ty lớn, nhưng giờ chỉ kiếm được 7,25 USD/giờ tại nhà hàng McDonald ở Atlanta.

Người phụ nữ 55 tuổi này cho biết mức lương này bà đã từng lãnh cách đây 40 năm cho việc làm đầu tiên tại một nhà hàng thức ăn nhanh ở Dairy Queen. Theo NELP, thị trường việc làm có mức lương trung bình, như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ cho vay và bất động sản, đã  thu hẹp lại khoảng 1 triệu việc làm so với khi suy thoái kinh tế.  

Với 10,5 triệu người Mỹ vẫn còn đang tìm kiếm việc làm – tỷ lệ thất nghiệp khoảng 6,7%, các nhà tuyển dụng cảm thấy không có áp lực tăng lương cho người lao động. Kết quả là, thu nhập của một hộ gia đình khi kinh tế phục hồi lại thấp hơn trong giai đoạn suy thoái, tức từ 55.672 USD trong năm 2007 xuống còn 51.017 USD trong năm 2012.

Kết quả một khảo sát do tờ New York Times thực hiện, cho thấy Mỹ đã không còn là nơi tốt nhất thế giới cho những người thuộc tầng lớp trung lưu. Trên thực tế, thu nhập của nhóm cư dân này tại Mỹ đang sụt giảm so với các đối thủ cạnh tranh quốc tế, cho dù kinh tế đang tăng trưởng tương đối mạnh.

Các nhà kinh tế lo ngại rằng thậm chí khi nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ, cũng chưa hẳn mang lại những vị trí truyền thống của tầng lớp trung lưu trước đây. Lực lượng lao động Mỹ có thể bị phân thành hai cực rõ ràng, hoặc nhận được mức lương cực cao hoặc rất thấp. Nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ nhà hàng cũng chưa thể lạc quan sớm được.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục