Thất nghiệp vì thích oai

Đòi hỏi đầu quân cho công ty lớn, văn phòng to, đồng phục đẹp, lương cao, việc nhẹ nhưng kiến thức chỉ gói gọn trong sách vở, thiếu thực tế, yếu kỹ năng mềm… là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh thất nghiệp. 
Bạn trẻ tham gia Ngày hội Phỏng vấn - tuyển dụng tại Nhà văn hóa Thanh niên
Bạn trẻ tham gia Ngày hội Phỏng vấn - tuyển dụng tại Nhà văn hóa Thanh niên
Kén việc
Mới đây, Bộ LĐTB-XH công bố, quý 3 năm 2017, cả nước có 237.000 cử nhân tốt nghiệp đại học (ĐH) và sau ĐH, gần 85.000 người có trình độ cao đẳng (CĐ) thất nghiệp, cho thấy tỷ lệ lao động có trình độ không tìm được việc làm ngày càng cao. Nói có vẻ khó tin, nhưng bên cạnh nguyên nhân mà các chuyên gia cảnh báo về việc đào tạo ồ ạt, chọn ngành học theo trào lưu, chất lượng đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thiếu kỹ năng mềm… thì còn rất nhiều lý do ở chính tư tưởng và tính kén việc của người trẻ. 
Nếu theo dõi các cuộc phỏng vấn trực tiếp tại các sàn giao dịch việc làm ở TPHCM hoặc khảo sát thực tế mong muốn về việc làm của người trẻ, sẽ thấy một bộ phận không nhỏ người trẻ chưa nhìn nhận vào thực tế nhu cầu của thị trường lao động và hành trang của bản thân, mà đặt ra mục tiêu quá cao.
Tại Ngày hội Phỏng vấn - tuyển dụng ở Nhà văn hóa Thanh niên hồi tháng 10-2017 do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM tổ chức dành cho cử nhân và sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, sẽ thấy 1.001 câu chuyện cười ra nước mắt với tâm sự rất thật của cử nhân. P.Y.T (cử nhân kế toán, ĐH Kinh tế TPHCM) cho biết, đã tốt nghiệp từ giữa năm 2016 nhưng chưa tìm được công việc ưng ý. Khi đội phỏng vấn giả định đề nghị chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình tìm việc để được tư vấn, T. thẳng thắn nói: “Thực ra cũng có nhiều nơi gọi đi phỏng vấn, chủ yếu là vị trí kế toán ở mấy công ty nhỏ hoặc nhà hàng ẩm thực, nhưng em thấy những vị trí ấy chưa phù hợp với mình. Hồi mới ra trường em đã đặt mục tiêu phải làm việc trong công ty có tầm một chút sau này mới phát triển được. Em nghĩ sẽ đợi thêm thời gian nữa, nếu vẫn không tìm được việc phù hợp mới tính hạ mục tiêu, còn hiện tại em vẫn bán hàng online cũng đủ trang trải cuộc sống”.
Dù đi phỏng vấn nhưng nhóm cử nhân mới tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM lại không hề để tâm đến nhà tuyển dụng mình ứng tuyển. “Phỏng vấn kỳ này chỉ để cọ xát thôi chứ mục tiêu của tui là phấn đấu xin vào mấy công ty ở các cao ốc văn phòng, làm ở đó mới đẳng cấp. Nghĩ thôi đã thấy oai ha?”, một bạn vừa tuyên bố, cả đám liền hưởng ứng và sôi nổi bàn luận về mục tiêu sẽ đầu quân cho những công ty tầm cỡ trong các tòa nhà văn phòng lớn giữa trung tâm thành phố, hàng ngày mặc đồng phục đi làm… Thế nhưng khi đơn vị tuyển dụng đưa ra những tình huống khá thông thường trong đời sống hàng ngày và một số vấn đề chuyên môn, hầu hết các bạn chỉ biết cười trừ.
Tại sàn giao dịch việc làm lưu động do Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM tổ chức hồi tháng 12-2017 ở quận 4, T.K.H (cử nhân ngành Quan hệ công chúng, ĐH Văn Lang) tỏ ra vô cùng lúng túng khi trực tiếp trả lời phỏng vấn của nhà tuyển dụng. Dù hồ sơ khá đẹp với khả năng ngoại ngữ lưu loát và tấm bằng loại ưu, nhưng sự thiếu tự tin cũng như khả năng giao tiếp kém khiến Hiền vuột mất cơ hội có việc làm trong một công ty chuyên tổ chức sự kiện.
Nhiều bạn còn từ chối công việc văn phòng tại các công ty trong khu công nghiệp, khu chế xuất vì cho rằng làm ở đó sẽ bị đánh đồng là công nhân, bị mang tiếng và sẽ mất mặt với bạn bè. Chính những lý do ấy mà dù mỗi sàn giao dịch có hàng ngàn đầu việc, gồm cả việc làm bán thời gian và việc làm toàn thời gian nhưng phần lớn chỉ có sinh viên còn đang đi học chịu làm, còn nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp hoặc cử nhân đã tốt nghiệp 1-2 năm, đành về tay không vì điều kiện công việc không như mong muốn. 
Hãy thôi ảo tưởng
Ông Phạm Minh Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch thuật TL, cho biết đặc thù công việc của công ty thường phải đào tạo lại nhân sự nên hay tuyển cử nhân mới tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong hơn 10 năm làm công tác tuyển dụng, ông Phương nhận thấy, người trẻ hiện nay vẫn đang “ảo tưởng sức mạnh” khi nghĩ rằng mình tốt nghiệp ĐH, biết một chút ngoại ngữ đã là cao siêu nên luôn đặt mục tiêu phải làm ở những vị trí quan trọng, ở công ty lớn và mức lương cao.
“Ở công ty tôi, chủ yếu làm việc với đối tác nước ngoài, giao dịch qua internet nên trụ sở công ty không cần đồ sộ, cũng vì vậy mà nhiều bạn vừa tới phỏng vấn đã tỏ ý chê công ty nhỏ, hoặc một mực từ chối vị trí biên dịch và yêu cầu phải được làm việc ở vị trí phiên dịch để có cơ hội đi công tác nước ngoài, mà không tìm hiểu đặc thù chuyên môn và phân khúc khách hàng của công ty. Những trường hợp như vậy, chúng tôi thường loại ngay từ vòng phỏng vấn”, ông Phương thẳng thắn.
Theo đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, mỗi năm TP cần khoảng 300.000 lao động nên nhu cầu tuyển dụng luôn cao. Thế nhưng, ngoài sự “lệch pha” giữa đào tạo ĐH ồ ạt, không phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, thì chính tính hình thức và tính sĩ diện của bản thân người trẻ cũng khiến họ khó có cơ hội việc làm. “Khi các bạn chưa bị áp lực về kinh tế, các bạn vẫn được gia đình bao cấp hoặc tự xoay xở được chi phí sinh hoạt bằng một số công việc như bán hàng online, chạy Uber, Grab thì các bạn còn đang nuôi dưỡng ước mơ công việc ở công ty lớn với nhiều đãi ngộ tốt. Tôi không phê phán ước mơ của các bạn, bởi nó chính đáng. Tuy nhiên thay bằng chỉ ngồi một chỗ, mơ về chỗ làm giúp bạn hãnh diện hơn với người thân và bạn bè thì hãy cứ làm đi, cứ lăn xả đi, cái gì cũng có sự khởi đầu.
Nếu 1-2 năm bạn vẫn chưa tìm được việc làm, kiến thức ngày càng mai một và khi ấy, chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ chọn những cử nhân vừa tốt nghiệp, kiến thức còn nóng hổi, lúc ấy cơ hội việc làm của bạn sẽ càng xa tầm tay”, vị này khuyên.

Tin cùng chuyên mục