Cuộc chiến ở Libya - Bảo vệ dân thường hay tiêu diệt Gaddafi?

45 ngày, 2.400 cuộc không kích
Cuộc chiến ở Libya - Bảo vệ dân thường hay tiêu diệt Gaddafi?

Ngày 18-3, với sự cho phép của HĐBA LHQ, Mỹ và NATO đã mở màn cho cuộc chiến với danh nghĩa “bảo vệ dân thường Libya trước sự tấn công của quân đội chính phủ”. Thế nhưng, sau 2 tháng, cuộc chiến này vẫn vô vọng, buộc NATO phải tính đến một biện pháp khác là tìm kiếm một lệnh bắt Tổng thống Gaddafi từ Tòa án Hình sự quốc tế.

Dòng người từ Libya liên tục đổ về châu Âu khi xung đột nổ ra.

Dòng người từ Libya liên tục đổ về châu Âu khi xung đột nổ ra.

45 ngày, 2.400 cuộc không kích

Hãng Reuters đưa tin, dự kiến, trong ngày 16-5, công tố viên Luis Moreno Ocampo của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) sẽ xin lệnh bắt giữ Tổng thống Gaddafi cùng con trai và ông Abdullah al-Senussi, Giám đốc Cơ quan Tình báo Libya, vì các tội ác chống lại loài người.

ICC sẽ công bố quyết định trong thời gian khoảng 10 ngày. Nếu lệnh bắt giữ ông Gaddafi được phê chuẩn, NATO sẽ thở phào nhẹ nhõm vì đây là cơ hội hạ bệ ông Gaddafi để nhanh chóng kết thúc chiến dịch không kích tại Libya.

Trong một động thái được cho là khá bất ngờ, Mỹ đã không công nhận Hội đồng Quốc gia lâm thời Libya (NTC) do phe đối lập lãnh đạo. Mỹ chỉ tuyên bố xem Hội đồng Quốc gia lâm thời như “một người đối thoại hợp pháp và đáng tin cậy đại diện cho nhân dân Libya” nhưng chưa thể công nhận quan hệ ngoại giao đầy đủ với tổ chức này. Điều này sẽ gây bất lợi cho NTC trong cuộc chiến chống lại quân đội chính phủ, do hiện tại, lực lượng này thiếu kỹ năng chiến đấu, vũ khí, lương thực và đang cần sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây.

Trong khi đó, máy bay của lực lượng liên quân vẫn tăng cường nã pháo vào các mục tiêu chủ chốt ở khu vực Tripoli. Trước đó vài ngày, sau khi ông Gaddafi xuất hiện trên đài phát thanh để tuyên bố mình vẫn an toàn, NATO đã mở những cuộc không kích ồ ạt vào dinh thự của ông ở Tripoli. Những cuộc không kích này đang làm dư luận đặt câu hỏi về cái gọi là “cuộc chiến bảo vệ dân thường”, nhiều nghi ngờ cho rằng NATO chỉ mượn danh nghĩa để thực hiện mục tiêu tiêu diệt ông Gaddafi.

Trong Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ cũng nêu rõ chỉ cho phép sử dụng các phương tiện cần thiết để bảo vệ dân thường và các khu vực dân sự, dân cư chứ không hề đặt mục tiêu tiêu diệt ông Gaddafi. Theo thống kê của NATO, kể từ ngày 31-3 cho tới nay, NATO đã thực hiện 2.400 cuộc không kích tại những địa điểm quân đội chính phủ chiếm giữ.

Phát hiện thêm đường hầm bí mật

Sự xuất hiện của ông Gaddafi sau nhiều tin đồn bị thương, trốn chạy hoặc đã chết bất chấp các cuộc không kích dữ dội của NATO cũng làm dư luận không khỏi thắc mắc. Tuy nhiên, một bí mật đã được hé lộ sau khi nhân viên của khách sạn Rixos cho hay có một đường hầm dưới lòng đất từ khách sạn này tới dinh thự Bab al-Aziziya của ông Gaddafi, cách đó 800m, trên một lô đất liền kề. Một cánh cửa đối diện với phòng họp dẫn đến cầu thang tới tầng hầm để từ đó có thể thoát ra ngoài. Phía sau khách sạn có một đoạn đường hầm cho nhiều phương tiện lớn có thể đi xuống lòng đất. Các đường hầm tương tự cũng được phát hiện vào tháng trước, ở bên dưới cung điện mùa hè của Gaddafi tại thành phố al-Bayda với nhiều phòng ngủ, phòng tắm, nhà bếp và thậm chí cả một phòng xông hơi sâu 9m dưới lòng đất. Nhiều khả năng, ông Gaddafi đã may mắn sống sót nhờ những đường hầm này.

Theo thống kê của LHQ, cuộc giao tranh nổ ra ở Libya khiến hơn 750.000 người buộc phải tháo chạy khỏi đất nước. Báo cáo của Cơ quan tị nạn LHQ (UNHCR) cho biết khoảng 1.200 người tị nạn từ Libya đã mất tích và được cho là đã chết trên đường qua Địa Trung Hải vượt biên sang châu Âu.

Theo điều tra của tờ Guardian, các tàu NATO, đặc biệt là máy bay vận chuyển Charles de Gaulle của Pháp, đã cố tình bỏ qua tín hiệu kêu cứu phát ra từ các thuyền tị nạn gặp khó khăn. Tuy nhiên, NATO và các cơ quan hải quân Pháp đều bác bỏ lời buộc tội trên.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục