Trung - Nhật không nhượng bộ chủ quyền hải đảo

Ngày 11-1, hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin từ Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, sẽ thành lập một đội gồm vài trăm binh sĩ nhằm bảo vệ vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông trong bối cảnh tàu Trung Quốc thường xuyên xâm nhập và qua lại khu vực này. Hai nước Đông Bắc Á quyết không nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo trên biển Hoa Đông.
Trung - Nhật không nhượng bộ chủ quyền hải đảo

Ngày 11-1, hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin từ Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết, sẽ thành lập một đội gồm vài trăm binh sĩ nhằm bảo vệ vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông trong bối cảnh tàu Trung Quốc thường xuyên xâm nhập và qua lại khu vực này. Hai nước Đông Bắc Á quyết không nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo trên biển Hoa Đông.

  • Củng cố lực lượng

Các nguồn tin thân cận với JCG cho hay, đội quân trên đóng tại Sở chỉ huy Lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực 11 ở Naha (tỉnh Okinawa), sẽ được trang bị hơn 10 tàu tuần tra nhằm tăng cường an ninh xung quanh Senkaku. Được biết, JCG có kế hoạch đề nghị cấp ngân sách để đóng 6 tàu tuần tra phục vụ hoạt động của đơn vị mới này. Trước đó vài ngày, Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông báo kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng thêm khoảng 120 tỷ yên (1,37 tỷ USD) trong tài khóa 2013. Theo JCG, trong 4 tháng qua, tàu Trung Quốc đã 21 lần xâm nhập vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Tân Thủ tướng Shinzo Abe mới đây đã chỉ trích Trung Quốc “sai lầm” khi cố ý nhắm vào các doanh nghiệp Nhật Bản, như một phần trong chiến dịch của Bắc Kinh liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Ông Abe tuyên bố: “Xét về mặt chính trị, làm tổn hại lợi ích của các công ty và cá nhân Nhật Bản đang sống và làm việc tại Trung Quốc không chỉ phương hại quan hệ song phương mà còn gây hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế và xã hội Trung Quốc”.

Củng cố lực lượng JCG là nhiệm vụ trọng tâm mới của Nhật Bản nhằm bảo vệ chủ quyền hải đảo.

Củng cố lực lượng JCG là nhiệm vụ trọng tâm mới của Nhật Bản nhằm bảo vệ chủ quyền hải đảo.

Trong khi đó, tại Hội nghị công tác hải dương toàn quốc ngày 10-1, Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc Lưu Tứ Quý cũng nhấn mạnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục tuần tra thường xuyên để bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tại biển Hoa Đông; đồng thời triển khai sửa chữa các công trình bị hư hại, hoàn thiện việc đặt tên các vùng biển, nghiên cứu hoạch định đường biên giới 200 hải lý ngoài thềm lục địa và thăm dò, khảo sát đáy biển… tại khu vực này.

  • Tranh thủ láng giềng

Trước đó, nguồn tin từ Yomiuri cho biết Chính phủ Nhật Bản đã quyết định không đơn phương đưa vấn đề chủ quyền đối với đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo) ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) trong tương lai gần và Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ thăm chính thức Hàn Quốc vào đúng thời điểm chính phủ mới nhậm chức ngày 25-2. Ông Abe cho rằng để cải thiện quan hệ với chính phủ kế nhiệm của tân Tổng thống Hàn Quốc, việc đơn phương đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ ra ICJ không phải là một ý tưởng hay. Theo giới quan sát, động thái chủ động cải thiện quan hệ Nhật - Hàn nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng có những bước đi tương tự. Ngày 10-1, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân đang ở thăm Hàn Quốc đã kêu gọi Trung - Hàn tiến tới thành lập một “mặt trận đoàn kết” nhằm phản đối điều mà họ coi là Nhật Bản phủ nhận và bóp méo lịch sử. Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời ông Trương Chí Quân nói rằng Trung Quốc và Hàn Quốc - hai nước từng bị quân đội Nhật Bản xâm lược trước và trong Thế chiến II, phải tỏ thái độ rõ ràng đối với cách Nhật Bản giải quyết những vấn đề lịch sử. Phát biểu trong cuộc gặp đại diện của các cơ quan truyền thông Hàn Quốc, ông Trương Chí Quân cho rằng: “Nếu tiếp tục phủ nhận lịch sử, Nhật Bản sẽ không thể hành xử có đạo đức cho dù nền kinh tế này có phát triển tới đâu”. Ông nhấn mạnh những lựa chọn mà Nhật Bản đưa ra liên quan tới các vấn đề lịch sử sẽ ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh của khu vực. 

Hạnh Chi (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục