ACMECS cần hướng đến ba mục tiêu chính

Ngày 13-3, tại thủ đô Viêng Chăn của Lào đã diễn ra Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawadi - Chao Phraya - Mekong lần thứ 5 (ACMECS 5) do Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Thoongsing Thammavong chủ trì.
ACMECS cần hướng đến ba mục tiêu chính

Ngày 13-3, tại thủ đô Viêng Chăn của Lào đã diễn ra Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawadi - Chao Phraya - Mekong lần thứ 5 (ACMECS 5) do Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Thoongsing Thammavong chủ trì.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Thúc đẩy kết nối Hội nghị đã nhìn lại chặng đường 10 năm của hợp tác ACMECS và rà soát tình hình triển khai việc thực hiện Tuyên bố Phnôm Pênh và Chương trình hành động 2010 - 2012 trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên như tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế, an sinh xã hội và môi trường. Định hướng cho các hoạt động hợp tác tương lai, các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra tại Tuyên bố Bagan vì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các nước thành viên, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực.

Các nhà lãnh đạo cũng đã thông qua Tuyên bố Viêng Chăn và Chương trình hành động ACMECS giai đoạn 2013 - 2015, theo đó gắn kết hơn nữa hợp tác ACMECS với quá trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 và thực hiện kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, nâng cao tính cạnh tranh, vai trò và vị trí của các nước ACMECS trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawadi - Chao Phraya - Mekong lần thứ 5 (ACMECS 5).

Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawadi - Chao Phraya - Mekong lần thứ 5 (ACMECS 5).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hợp tác ACMECS trong giai đoạn tới cần hướng đến 3 mục tiêu chính: tăng tính cạnh tranh của các quốc gia thành viên trên cơ sở gắn kết thị trường, hình thành chuỗi cung ứng và sản xuất khu vực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ tiến trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015; bảo đảm phát triển bền vững của khu vực, quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có 3 dòng sông Ayeyawadi, Chao Phraya và Mekong. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng với các mục tiêu nêu trên, các chương trình hợp tác không nên quá dàn trải mà cần tập trung vào một số nội dung chính như: thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch thông qua các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh hơn nữa kết nối khu vực với trọng tâm là phát triển các tuyến hành lang kinh tế như Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), Hành lang kinh tế Bắc - Nam (NSEC) và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC) và các tuyến giao thông xuyên quốc gia khác…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đó có ba dòng sông Ayeyawadi, Chao Phraya và Mekong; khuyến khích hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các viện nghiên cứu; tăng cường phối hợp thực hiện đánh giá chung về tác động môi trường xuyên biên giới và giải quyết những thách thức chung về môi trường; cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia thông qua các chương trình học bổng, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giữa các trung tâm đào tạo nghề trong nước với quốc tế, gắn kết chương trình giảng dạy của các cơ sở đào tạo nghề với nhu cầu của doanh nghiệp hoạt động tại địa phương, đồng thời khuyến khích tham gia của khu vực doanh nghiệp vào các dự án hợp tác ACMECS và tranh thủ nguồn lực bên ngoài.
Cần khối doanh nghiệp tham gia tích cực

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo đã có buổi đối thoại với khu vực doanh nghiệp ACMECS nhằm chia sẻ thông tin về những quan tâm chung và thảo luận hướng tăng cường hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo ACMECS đều cho rằng, nỗ lực của chính phủ 5 nước trong tăng cường hợp tác khu vực sẽ khó có thể đạt được kết quả thực tiễn nếu như không có sự ủng hộ và tham gia tích cực của khối doanh nghiệp. Do đó, các chính sách về tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, du lịch, phát triển công nghiệp, năng lượng, xây dựng nguồn nhân lực đều hướng đến việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp có thể làm ăn sinh lời và phát triển, để từ đó đóng góp vào nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Phó Tổng thống Myanmar Sai Mauk Kham. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, mở rộng hợp tác giữa các địa phương và giao lưu nhân dân; tích cực triển khai các thỏa thuận đã đạt được, trong đó tập trung vào 12 lĩnh vực ưu tiên và phát huy hiệu quả của các cơ chế hợp tác sẵn có nhằm mục tiêu tăng kim ngạch thương mại và dòng đầu tư hai chiều, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại đạt ít nhất 500 triệu USD vào năm 2015. Trước đó, vào tối 12-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. 

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục