Nga - Mỹ đàm phán bất chấp căng thẳng

Đàm phán 2+2
Nga - Mỹ đàm phán bất chấp căng thẳng

Bất chấp Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mátxcơva vào đầu tháng 9 tới dù vẫn đến Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, cuộc gặp giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nga-Mỹ (còn gọi là cuộc gặp 2+2) tại Washington ngày 9-8 (giờ Washington) đã mang lại kết quả tích cực.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp tại Washington ngày 9-8.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp tại Washington ngày 9-8.

Đàm phán 2+2

Các quan chức cấp cao của Nga và Mỹ đã tìm cách duy trì một mối quan hệ làm việc bất chấp những căng thẳng khi họ gặp nhau tại Washington vào ngày 9-8. Cuộc đàm phán 2+2 giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel với hai người đồng cấp Nga là Sergei Lavrov và Sergei Shoigu kết thúc với nhiều kết quả tích cực. Hai nước đã nhất trí về sự cần thiết phải triệu tập một hội nghị hòa bình Syria tại Geneva càng sớm càng tốt và thống nhất sẽ gặp lại nhau vào cuối tháng 8 để thảo luận chi tiết về hội nghị hòa bình này.

Cuộc đàm phán 2+2 còn tập trung vào các vấn đề phòng thủ tên lửa, cắt giảm vũ khí, hợp tác chính trị và quân sự, an ninh khu vực, bao gồm cả Syria, Afghanistan, Iran và CHDCND Triều Tiên. Phát biểu sau cuộc đàm phán, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: “Chúng tôi không hề có chiến tranh lạnh. Thay vào đó, chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết “Edward Snowden không làm lu mờ các cuộc thảo luận của chúng tôi”. Giải thích về việc Nga cho Snowden tị nạn, ông Lavrov nói Nga đã thực thi đúng theo pháp luật của Nga và pháp luật của quốc tế. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết đã mời Mỹ tham gia một cuộc thi trình diễn xe tăng ở Nga vào năm tới.

Tại Nga, theo Ria-Novosti, phát biểu tại Mátxcơva ngày 9-8, trợ lý Tổng thống Nga Putin phụ trách chính sách đối ngoại, ông Yury Ushakov, cho biết lời mời Tổng thống Mỹ Obama gặp Tổng thống Nga Putin tại Mátxcơva vẫn để ngỏ và điện Kremlin hy vọng Tổng thống Mỹ sẽ chấp nhận lời đề nghị. Theo ông Ushakov, cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước rất quan trọng không chỉ cho cả hai nước mà còn đảm bảo sự ổn định và an ninh toàn cầu.

Đánh giá lại quan hệ Mỹ - Nga

Theo Reuters, tại cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 9-8, ông Obama nhấn mạnh rằng quan hệ cá nhân của ông với ông Putin không xấu đi và đưa ra bằng chứng là hầu hết những cuộc đàm phán giữa hai người đều rất xây dựng. Mặc dù vậy, giải thích cho quyết định hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga, Tổng thống Obama nói rằng Mỹ “tạm dừng mối quan hệ” để đánh giá lại mục tiêu của Nga và hiệu chỉnh mối quan hệ có tính đến những lĩnh vực hai bên có thể tiếp tục hợp tác và thừa nhận những khác biệt. Ông Obama nói: “Thành thật mà nói, với hàng loạt các vấn đề, chúng tôi nghĩ rằng hai nước có thể đạt một số tiến triển nhưng phía Nga vẫn không thay đổi”.

Ông Obama thừa nhận rằng quan hệ Nga - Mỹ luôn “có vấn đề” kể từ khi Liên Xô tan rã, nhất là từ khi Tổng thống Nga Putin trở lại điện Kremlin vào tháng 11-2012 với nhiều quan điểm từ Nga được xem là chống Mỹ, theo kiểu chiến tranh lạnh. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama đã hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga không chỉ vì quyết định của Nga cho Snowden tị nạn mà còn nhiều vấn đề bất đồng khác như Syria, nhân quyền.

Nhưng ông Obama cho rằng Mỹ không có ý định tẩy chay Olympic mùa Đông 2014 tổ chức tại Sochi, Nga. Kỳ thế vận hội này đang gây tranh cãi giữa hai nước sau khi Nga thông qua dự luật cấm các vận động viên đồng tính tham dự. Ông Obama cho rằng ông mong đợi các vận động viên đồng tính có thể mang huy chương về cho nước Mỹ và cho rằng đấu tranh chống lại định kiến với người đồng tính là “con đường dài” và còn cho rằng “nếu Nga không có vận động viên đồng tính, đội tuyển của họ sẽ yếu hơn”.

Liên quan đến việc ông Obama hủy cuộc gặp với ông Putin, phía Nga đã đón nhận một cách bình tĩnh. Trợ lý các chính sách đối ngoại của ông Putin, ông Yury Ushakov khẳng định: “Khi xem xét cấp quy chế tị nạn cho Snowden chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho việc có cuộc gặp hoặc không có cuộc gặp” và tin tưởng tuyên bố: “Chúng tôi biết chắc rằng không sớm thì muộn, cuộc gặp thượng đỉnh hai nước sẽ được nối lại”.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục