Giá cả làm thay đổi cơ cấu tiêu dùng

Giá cả làm thay đổi cơ cấu tiêu dùng

Biến động từ giá cả đã tác động rất lớn đến hành vi mua sắm của người dân. Theo đó, cơ cấu tiêu dùng các nhóm hàng hóa đã có sự chuyển dịch nhất định.

Ăn uống chiếm 34,3% tổng thu nhập

Người dân ngày càng tính toán chi tiêu kỹ lưỡng hơn trong bữa ăn hàng ngày. Ảnh: T.Tâm
Người dân ngày càng tính toán chi tiêu kỹ lưỡng hơn trong bữa ăn hàng ngày. Ảnh: T.Tâm

Báo cáo kết quả nghiên cứu tâm lý - hành vi người tiêu dùng của người dân TPHCM mới nhất do Báo Sài Gòn Tiếp Thị thực hiện cho thấy, chi phí trung bình hộ gia đình tại TPHCM cho thực phẩm cao nhất, chiếm 34,3% tổng thu nhập. So với các nước giàu, tỷ lệ chi cho thực phẩm chỉ từ 15%-20%, trong khi tại Việt Nam là rất cao, gần như gấp đôi.

Theo nhóm chuyên gia nghiên cứu, chi phí cho ăn uống chiếm tỷ lệ cao, tương đương như tỷ lệ của quốc gia nghèo có chất lượng cuộc sống thấp, chế độ dinh dưỡng đang thiếu trầm trọng nên người tiêu dùng (NTD) tập trung cho chi phí ăn uống. Với mức chi này, thu nhập không còn dự trữ cho các hoạt động khác để nâng cao chất lượng cuộc sống. Tiếp đến là mục để dành, đầu tư chiếm tới 30% tổng thu nhập. Con số này phản ánh rõ thực trạng hiện nay NTD phải sống trong tâm thế phải đối phó với khó khăn, chật vật nhưng luôn có ước muốn vươn lên.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, chỉ còn lại hơn 30% thu nhập để chi phí các khoản khác: chi phí học tập hơn 15%, chi phí cho giải trí (xem phim, kịch, ca nhạc…) chỉ chiếm 3% tổng thu nhập hộ gia đình, cho thấy NTD hiện nay chủ yếu lựa chọn các phương tiện giải trí tại nhà là chính, chủ yếu qua tivi, các hình thức giải trí khác bên ngoài họ chưa có nhiều điều kiện để hưởng thụ. Các chi phí còn lại chiếm dưới 10%.

Đó là báo cáo từ thống kê, còn thực tế tỷ lệ chi tiêu cho ăn uống cao hơn rất nhiều. Theo tính toán của chị Phạm Thị K.A (số 7 lô 7 khu dân cư Tân Quy Đông quận 7), tổng thu nhập của gia đình chị (gồm lao động chính là chị, cộng với lương hưu của bố và mẹ) vào khoảng 13 triệu đồng/tháng, nhưng riêng khoản tiền chợ cho 5 miệng ăn đã hết 10 triệu đồng/tháng, chiếm tới 70% tổng thu nhập (trong khi trước năm 2008 chi cho ăn uống chiếm khoảng 40%). Số tiền còn lại dành cho các chi phí khác. Chị K.A nói, từ năm 2008 biến động về giá quá lớn nên chị đã cắt giảm tất cả các khoản chi tiêu khác, mới có thể dành dụm được chút ít.

Cơ cấu các nhóm hàng thay đổi

Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương, những năm trước sức tiêu dùng xã hội tăng đều khoảng 30%/năm, nhưng trong 3 năm gần đây, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ chỉ xoay quanh mức 20%/năm. Điều đáng lưu ý, trong cơ cấu các nhóm hàng, sức mua đã và đang có sự thay đổi rất lớn, trong đó tập trung chủ yếu vào các nhóm hàng thiết yếu là lương thực và thực phẩm. Biểu hiện rõ nhất là tại hệ thống các siêu thị, nơi có thế mạnh trong việc kinh doanh các mặt hàng phi thực phẩm và thực phẩm công nghệ cũng đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc chuyển dịch sức mua.

Số liệu thống kê của Saigon Co.op cho thấy, trước năm 2008 doanh thu giữa các nhóm hàng phi thực phẩm và thực phẩm chiếm tỷ lệ 56% và 44%, năm 2009 tỷ lệ này đã bị đảo ngược là 44% - 56%. Đến thời điểm tháng 3-2011, mức chênh lệch ngày càng lớn 43% - 57%. Cụ thể, những mặt hàng tiêu dùng thường xuyên như gạo, đường, thực phẩm tươi sống… ngày càng tăng, trong khi nhóm các mặt hàng may mặc, mỹ phẩm đã giảm đáng kể. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại và quan hệ công chúng của Big C cũng cho rằng, cơ cấu các nhóm hàng đang có sự chuyển dịch từ hàng phi thực phẩm sang thực phẩm.

Phó tổng giám đốc một siêu thị lớn tại TPHCM cho biết, ngoài việc cơ cấu các nhóm hàng thay đổi thì hóa đơn thanh toán bình quân trong mỗi lần khách hàng đến mua sắm tại siêu thị cũng đã giảm tới 20% so với thời điểm trước năm 2008.

Chuyển từ hàng ngoại sang hàng nội

Biến động từ giá cả trên thế giới trong giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế phần nào chi phối tâm lý của NTD, tạo nên sự thận trọng trong kế hoạch chi tiêu. Trong đó, ưu tiên chi tiêu cho những nhu cầu cơ bản, hoặc ưu tiên để dành đầu tư, với quan điểm đầu tư cho tương lai hơn tiêu dùng cho hiện tại, những chi phí mang tính xa xỉ đang bị hạn chế ở mức tối đa.

Trở lại với Báo cáo kết quả nghiên cứu tâm lý - hành vi người tiêu dùng của người dân TPHCM, đối với sản phẩm lâu bền mức độ ưu tiên trong chi tiêu cũng tương tự như chi tiêu các sản phẩm thường xuyên. Trong đó, chi phí sửa chữa nhà cửa với mức chi tiêu bình quân (43,8 triệu đồng/năm) là ưu tiên chi tiêu đầu tiên, tiếp đến là chi phí mua xe, điện thoại, laptop (14,8 triệu đồng/năm). Các chi phí này được NTD cho là cần thiết vì là phương tiện hỗ trợ cho công việc hàng ngày để kiếm thêm thu nhập. Các mục chi còn lại có mức chi bình quân (dưới 7,5 triệu đồng/năm). Vấn đề được đặt ra là dù chi mua sản phẩm thường xuyên hay sản phẩm lâu bền thì NTD vẫn ưu tiên chi tiêu vào các hạng mục mang tính cơ bản rồi mới tới các sản phẩm mang tính xa xỉ, dù đã xuất hiện xu hướng thể hiện bản thân, khẳng định bản thân.

Nhằm tiết kiệm chi tiêu, đại đa số người tiêu dùng đã thay đổi thói quen mua sắm, chuyển từ mua hàng nhập khẩu sang hàng nội địa. Nhờ vậy, tỷ trọng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất tại các siêu thị đã tăng từ 60%-70% lên mức 80%-90%. Hiện nhiều mặt hàng sản xuất trong nước đã đáp ứng được nhiều chỉ tiêu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng giá bán lại rẻ hơn nhiều so với hàng ngoại nhập. Điển hình nhất là mặt hàng sữa bột. Đến nay, chưa có cuộc điều tra cụ thể về chất lượng sữa ngoại và sữa nội nhưng giá bán có mức chênh lệch rất lớn, khoảng 1/3. Đây chính là cơ hội vàng để các DN trong nước phát triển. Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại của Vinamilk cho biết, sản lượng sữa bột của Vinamilk đã tăng hơn 30% trong năm 2010.

Qua những điều đã nói ở trên, trong bối cảnh giá cả ngày càng đắt đỏ, thực thi tiết kiệm của các hộ gia đình ngày càng cao. Do vậy, nếu DN nào phân tích và nắm bắt tốt xu hướng tiêu dùng, sẽ có nhiều cơ hội để chinh phục người tiêu dùng. 

Kể từ tháng 7-2010, chỉ số giá hàng hóa thế giới liên tục tăng. Theo IMF, chỉ số giá các nhóm hàng thiết yếu tháng 1-2011 tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2010 và tăng 4% so với tháng trước; Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực tháng 2-2011 đã tăng 34% so với cùng kỳ 2010, tăng 2,2% so với tháng 1-2011 và tăng 6% so với tháng 12-2010. Giá thế giới tăng đã tạo áp lực lớn lên giá hàng hóa trong nước. Giá tăng nhưng mức thu nhập bình quân của người dân tăng không kịp, buộc họ phải tính toán chi tiêu ngày càng kỹ lưỡng hơn.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục