Giảm chênh lệch giá vàng - Đưa vàng tồn vào lưu thông

Tăng cung, xóa chênh lệch
Giảm chênh lệch giá vàng - Đưa vàng tồn vào lưu thông

Với mục tiêu đấu thầu vàng nhằm tăng cung, bình ổn thị trường, từ cuối tháng 3 đến nay, qua 30 phiên đấu thầu bán vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ra thị trường 502.600 lượng vàng, tương đương với hơn 19,3 tấn vàng. Thế nhưng, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không những không thu hẹp mà còn chênh nhau hơn 5 triệu đồng/lượng.

Người dân mong muốn giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới (trong ảnh: Người dân mua bán vàng nữ trang tại TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Người dân mong muốn giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới (trong ảnh: Người dân mua bán vàng nữ trang tại TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Tăng cung, xóa chênh lệch

Quan điểm của Chính phủ là không khuyến khích người dân tích trữ và đầu tư vào vàng. Tuy nhiên, thực tế người dân có thói quen trữ vàng vì coi vàng là nơi trú ẩn an toàn. Việc mua và tích trữ vàng là nhu cầu và quyền lợi chính đáng, do đó người dân có quyền đòi hỏi một thị trường công bằng, không quá chênh lệch so với thế giới. Thế nhưng hiện nay, người dân phải mua vàng mắc hơn giá thế giới hơn 5 triệu đồng/lượng là rất thiệt thòi.

Hơn nữa, giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế còn chênh lệch lớn như vậy sẽ khó tránh khỏi tình trạng buôn lậu vàng. Rõ ràng, mức chênh lệch này chủ yếu là do nguồn cung không đủ cầu, chính sự độc quyền vàng miếng của NHNN đã làm cho sự chênh lệch ngày càng cao, mặc cho NHNN đã bán ra thị trường hơn 19 tấn vàng để bình ổn.

TS Phạm Đỗ Chí, nguyên chuyên viên cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, NHNN nên ngưng bán độc quyền vàng SJC và lập sàn vàng quốc gia để tăng mức cung cho thị trường, xóa bỏ chênh lệch giá vàng. NHNN sẽ đóng vai trò điều tiết sàn vàng thay vì giữ vai trò độc quyền như hiện nay và Chính phủ có thể thu thuế.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cũng cho rằng, nhu cầu tích trữ vàng của người dân Việt Nam rất khó thay đổi, cơ quan quản lý nhà nước không thể dùng biện pháp hành chính để giải quyết vấn đề vì điều đó càng làm thị trường thêm phức tạp. Đấu thầu bán vàng chỉ là giải pháp ngắn hạn vì việc NHNN bán vàng ra thị trường sẽ làm tăng vàng hóa trong nền kinh tế và mâu thuẫn với chủ trương chống vàng hóa của chính NHNN.

Ông Hải cũng cho rằng, thời gian qua phần lớn các ngân hàng tham gia đấu thầu để tất toán trạng thái vàng, do đó lượng vàng NHNN bán ra chưa vào thị trường, nguồn cung vẫn còn khan hiếm nên giá vàng trong nước vẫn cao.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, phải có nhiều DN tham gia đấu thầu mua vàng thì nguồn vàng mới có thể ra thị trường, giúp giảm nhiệt giá vàng trong nước. Về trung và dài hạn, cơ quan quản lý nhà nước cần phát triển kinh doanh vàng nữ trang và tiến đến mở sàn giao dịch vàng quốc gia.

Giải quyết điểm nghẽn

Việc kéo giá vàng trong nước về sát với thế giới nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân là điều cần thiết. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, NHNN bán một lượng vàng dự trữ ngoại hối ra thị trường chỉ để kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới liệu có hợp lý hay không vì dự trữ vàng cho quốc gia quan trọng hơn là bán vàng dự trữ quốc gia để cung ứng nhu cầu cất trữ của người dân. Hơn nữa, sự chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới thực chất người dân lao động cũng không bị thiệt thòi vì đối tượng đầu cơ, mua bán vàng không phải là những người dân nghèo có mức thu nhập 20 - 30 triệu đồng/năm.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn bày tỏ sự băn khoăn về việc NHNN chi một lượng lớn USD nhập vàng để bán ra thị trường để cân bằng giá vàng và cho rằng điều này nhằm tránh thiệt thòi cho người dân lao động liệu có hợp lý? “Những người nông dân nghèo tích cóp mua vàng để dành hoặc mua vàng cưới vợ cho con cũng chỉ khoảng vài chỉ đến vài lượng vàng. Còn lại những đối tượng mua vàng là những người giàu muốn chọn vàng làm nơi trú ẩn và những đối tượng có tiềm lực kinh tế mua vàng cất trữ, đầu cơ. Tâm lý giữ vàng của người dân về cá nhân là phù hợp nhưng việc này không có lợi cho nền kinh tế”- ông Sơn nhận định.

TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) cho rằng, trước khi nói đến việc liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới, cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm sao cho lượng vàng tự lưu thông vì điểm nghẽn của thị trường vàng hiện nay là số lượng vàng tồn quá lớn. Hơn nữa, với việc cấm huy động vàng như hiện nay thì người dân mua vàng lại mang về nhà cất giữ làm cho thị trường chỉ có một phía mua vào, trong khi đó nguồn cung lại hạn chế thì tất yếu giá vàng trong nước sẽ bị đẩy lên.

Một số chuyên gia cho rằng, hiện tại không nên đặt mục tiêu kéo giá vàng trong nước ngang bằng với thế giới mà cơ quan quản lý nhà nước nên đặt mục tiêu quản lý thị trường làm sao để lượng vàng trong nền kinh tế phải lưu thông vì hiện nay thị trường đang bị ách tắc do lượng vàng tồn rất nhiều. Cần phải giải quyết vấn đề này, nếu không, với lượng vàng tồn rất lớn cộng với việc người dân tiếp tục mua vàng cất trữ nhưng lại không bán ra thì cầu càng lớn trong khi NHNN không thể dùng ngoại tệ mua vàng về để bán vàng ra đáp ứng nguồn cung mãi được.

“Khi số lượng tồn kho này được lưu thông trên thị trường, tức có mua, có bán thì cung cầu tự cân đối, giá vàng trong nước sẽ sát với giá thế giới” - TS Lê Đạt Chí khẳng định.

  • Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam

"Để kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống thì phải liên thông thị trường vàng. Giải pháp này hạn chế được cơn sốt vàng vật chất, từ đó khi lực cầu giảm, giá vàng trong nước và thế giới sẽ gần nhau"

NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục