Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu

Trong 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt xấp xỉ 50% kế hoạch. Để đạt được con số 126,1 tỷ USD cho kế hoạch cả năm, ngành công thương cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực và vận dụng triệt để những lợi thế, cơ hội; đặc biệt, chủ động liên kết, mở rộng thị trường...
Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu

Trong 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt xấp xỉ 50% kế hoạch. Để đạt được con số 126,1 tỷ USD cho kế hoạch cả năm, ngành công thương cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực và vận dụng triệt để những lợi thế, cơ hội; đặc biệt, chủ động liên kết, mở rộng thị trường...

Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu ảnh 1

Sản xuất xe đạp thiếu nhi xuất khẩu tại Công ty nhựa Chợ Lớn. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Doanh nghiệp FDI đạt mức xuất khẩu áp đảo

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 62,05 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 20,9 tỷ USD, tăng 2,2%. khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 41,14 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2012. So với kế hoạch đầu năm đề ra ở mức 126,1 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu mới hoàn thành 49% kế hoạch năm; bình quân mỗi tháng đạt 10,3 tỷ USD.

Đáng chú ý, tính chung trong 6 tháng qua, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục áp đảo, tăng cao hơn xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 5,41 tỷ USD, còn khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập siêu 6,82 tỷ USD. Trong đó, nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến của khối doanh nghiệp FDI giữ vai trò chủ yếu, gồm các mặt hàng điện thoại di động và linh kiện các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử. Trong đó, chỉ tính riêng điện thoại di động có kim ngạch xuất khẩu cao nhất với 9,91 tỷ USD, tăng 97% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ở nhóm hàng xuất khẩu nhiên liệu khoáng sản lại gặp bất lợi do giá xuất khẩu tất cả các mặt hàng trong nhóm đều giảm so với cùng kỳ. Tính chung cả 2 nhóm hàng nông sản, thủy sản và nhiên liệu, khoáng sản, mức giảm kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ 2012 do giá giảm ước khoảng 776 triệu USD, mức giảm do lượng giảm ước khoảng 684 triệu USD.

Dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2013 các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu thêm được khoảng 68 - 69 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013 lên gần 130 tỷ USD, tăng khoảng 12,5% - 14% so với năm 2012. Tuy nhiên, để đạt được kế hoạch này, cần nhiều giải pháp đồng bộ cũng như những chính sách linh hoạt để kích thích cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm 2013, kinh tế toàn cầu tiếp tục có những diễn biến khó lường nhưng sẽ có sự hồi phục rõ nét hơn kể vào cuối quý 3 và đầu quý 4-2013. Những yếu tố khó lường này sẽ gây khó khăn không nhỏ về đầu ra cho các mặt hàng xuất khẩu trong nước, trong đó khó khăn lớn nhất về thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản có khả năng tiếp tục xu hướng giảm trong một vài tháng tới và sẽ chỉ hồi phục trở lại kể từ đầu quý 4-2013 do nguồn cung vẫn đang ở mức rất cao trong khi mức tiêu thụ giảm hoặc chỉ tăng không đáng kể. Bên cạnh đó, những khó khăn tiếp diễn tại thị trường trong nước cũng sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. “Kinh tế trong nước vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt những rủi ro tiếp tục hiện hữu và chưa được giải quyết triệt để về hàng tồn kho, nợ xấu, tín dụng, hiệu quả đầu tư, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hải, Đại học Quốc gia TPHCM phân tích.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu nhằm đạt được kế hoạch đề ra, Bộ Công thương đã triển khai hàng loạt biện pháp cùng hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến thương mại ngoài nước với ưu tiên chú trọng những thị trường tiềm năng, các hàng hóa có nhu cầu lớn về tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nhưng đang gặp khó khăn. Mặt khác, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường, kịp thời thông báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, xuất khẩu về các loại rào cản của các nước nhập khẩu nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cải thiện chất lượng hàng hóa tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hải, ngoài những giải pháp vĩ mô của Bộ Công thương, muốn xuất khẩu đạt hiệu quả cao các bộ ngành cần nắm rõ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm tạo được sức bật trong phát triển thị trường xuất khẩu. Trong đó, cần khai thác hiệu quả mối quan hệ hợp tác kinh tế với các quốc gia đã ký kết quan hệ hữu nghị. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương cần xây dựng tốt chương trình phối hợp nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong 6 tháng cuối năm.

BÁCH VIỆT

Tin cùng chuyên mục