Trách nhiệm pháp lý liên quan đến bảng quảng cáo sập

Ngày 10-8 vừa qua, bảng quảng cáo có diện tích khoảng 80m2 ở phường Bình Trị Đông A (quận Bình Tân, TPHCM) bất ngờ đổ sập, gây hư hại 1 nhà dân, làm 1 người thiệt mạng và 1 người bị thương. Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về dựng bảng quảng cáo ngoài trời và chủ thể nào phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi bảng quảng cáo sập?

Thông tư 19/2013 của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời, bảng quảng cáo có diện tích từ 40m2 trở lên được xem là bảng quảng cáo tấm lớn, nên phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương.

Như vậy, khi xây dựng các bảng quảng cáo, các bên liên quan phải có trách nhiệm đảm bảo thực hiện đúng theo các quy định mà pháp luật đã đưa ra.

Trường hợp người cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo lắp dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng hoặc chưa được cấp giấy phép xây dựng thì phải liên đới chịu trách nhiệm (Điều 15 Luật Quảng cáo 2012).

Trách nhiệm pháp lý liên quan đến bảng quảng cáo sập ảnh 1 Hiện trường bảng quảng cáo đổ sập đè nhà dân, 1 người chết, 1 người bị thương, ngày 10-8-2018.
Cụ thể, sẽ bị xử phạt hành chính cho các hành vi trên như sau: Đối với hành vi xây dựng bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40m2 trở lên mà không có giấy phép xây dựng thì bị phạt tiền 30 - 40 triệu đồng; buộc tháo dỡ công trình.

Đối với hành vi lắp dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng, có thể bị xử phạt 1 - 5 triệu đồng và buộc tháo dỡ quảng cáo.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Quảng cáo 2012, người cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo phải có trách nhiệm về độ an toàn của phương tiện quảng cáo.

Do đó, nếu người cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo không thực hiện đúng các quy định đảm bảo an toàn gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015).

Việc bồi thường sẽ thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015: Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.

Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi, hoặc có lỗi vô ý, và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Tin cùng chuyên mục