Vẫn chuyện Jerusalem

Với 187 phiếu thuận, 15 phiếu chống và 9 phiếu trắng, Quốc hội Iran ngày 24-12 đã phê chuẩn một dự luật khẩn cấp, theo đó công nhận Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của nhà nước Palestine.

Theo hãng thông tấn Fars của Iran, quyết định này sẽ được bổ sung vào Điều 1 của một đạo luật quy định sự hỗ trợ của Iran đối với nhà nước Palestine và sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của cơ quan lập pháp này trong vòng 48 giờ. 

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) diễn ra ở Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh đạo hơn 50 quốc gia thành viên đã ra Tuyên bố chung yêu cầu tất cả các nước công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine. Các nhà lãnh đạo Hồi giáo xem quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là “không có hiệu lực pháp lý” và là “một sự hủy hoại các nỗ lực hòa bình”, tạo cơ hội thúc đẩy “chủ nghĩa cực đoan và khủng bố”. Tuyên bố cũng cho biết hội nghị OIC xem động thái của Tổng thống Donald Trump như “lời thông báo về sự rút lui của Mỹ khỏi vai trò là một nhà bảo trợ của tiến trình hòa bình” ở Trung Đông. Hàng loạt các phản ứng quyết liệt trên diễn ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đã không thông qua nghị quyết kêu gọi Washington rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel do bị Mỹ phủ quyết dù nhận được sự ủng hộ từ 14 thành viên khác của HĐBA LHQ. 

Tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã đảo ngược chính sách được chính quyền Mỹ thực thi trong hàng thập kỷ qua, theo đó quy chế đối với thành phố này phải được quyết định thông qua đàm phán với người Palestine. Động thái này của ông Donald Trump đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại khắp các vùng lãnh thổ Palestine và các nước Arab cũng như sự chỉ trích gay gắt của nhiều nước trên thế giới coi đây là một bước đi nguy hiểm đối với tiến trình hòa bình Trung Đông và dập tắt hy vọng của người Palestine về một nhà nước độc lập với Đông Jerusalem là thủ đô. Đến nay, có Guatemala, đồng minh thân cận của Mỹ, là nước đầu tiên tuyên bố di dời đại sứ quán về Jerusalem, sau Mỹ. 

Giới phân tích cho rằng động thái của ông Donald Trump về Jerusalem sẽ thay đổi bàn cờ chính trị tại Trung Đông. Iran sẽ cố gắng gây ảnh hưởng tới độ uy tín của các chính phủ Arab và Hồi giáo trung hòa đang hợp tác với Israel, trong đó có Saudi Arabia, đối thủ chính của Iran. Hiệu ứng domino theo Iran công nhận Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của nhà nước Palestine là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Kết quả là Tehran sẽ có thể tự khẳng định mình là người bảo vệ hàng đầu cho người Palestine và quyền tiếp cận của họ với Jerusalem.

Trong khi dư luận Arab chỉ trích Tuyên bố về Jerusalem của Washington có thể là “mồi lửa” làm thổi bùng lên căng thẳng ở khu vực, thì cũng có một luồng dư luận khác nhận định tình hình này có thể không dẫn tới một cuộc nội chiến mới hoặc một cuộc nổi dậy chống Mỹ và Israel rộng lớn ở Trung Đông. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan an ninh nội địa Shin Bet của Israel Nadav Argaman, ngày 24-12, cho biết số vụ tấn công chống Israel đã giảm vào năm 2017, song quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã khiến tình hình trở nên bất ổn hơn tại dải Gaza và khu Bờ Tây bị chiếm đóng. Ông Argaman lo ngại: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đối mặt với nhiều thách thức”.

Tin cùng chuyên mục