Xúc phạm tới danh nhân văn hóa là có tội

LTS:

LTS: Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa thế giới, người có công lớn trong cuộc chiến chống xâm lăng, khai quốc công thần của nhà Hậu Lê, đã có một kết cục bi thảm và nhuốm màu huyền bí. Cái chết của ông trở thành đề tài cho rất nhiều tác phẩm từ nghiên cứu khoa học đến văn học nghệ thuật.

Thế nhưng, vừa qua bạn đọc đã đi từ ngỡ ngàng đến bất bình, thậm chí phẫn nộ khi đọc truyện ngắn “Trở về Lệ Chi viên” của tác giả Nguyễn Thúy Ái (in trong tập truyện ngắn “Tột đỉnh tình yêu” - NXB Trẻ xuất bản), một truyện ngắn dung tục, tầm thường, xóa nhòa hình ảnh Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, người đã được cả thế giới công nhận. Báo SGGP xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Trí Nhân về truyện ngắn “Trở về Lệ Chi viên”.

Ở tập truyện Tột đỉnh tình yêu (Nguyễn Thúy Ái - NXB Trẻ – 6-2008), 12 truyện đầu coi như xem được. Nhưng truyện cuối thứ 13 Trở lại Lệ Chi viên thì không được. Tiếc rằng nó như truyện đinh của cuốn truyện này. Chưa bàn tới giá trị văn chương, chỉ nói về tính lịch sử và đạo lý đã thấy không thể nào chấp nhận.

Hơn 600 năm qua, Nguyễn Trãi, một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa, được cả dân tộc tôn vinh như vì Sao Khuê của đất nước về tài năng, đức độ và công lao sự nghiệp, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam. Cái chết của ông với người vợ trẻ là nỗi đau lịch sử làm day dứt nhiều đời sau, là bản án về tội ác ghê tởm của những mưu toan quyền lực, là nỗi xúc động về một mối tình tài-sắc bi thương.

Chính triều đình nhà Hậu Lê đã giải oan cho Nguyễn Trãi và tấm gương trung trinh nghĩa liệt của ông vẫn sáng như gương trong mọi biến cố xã hội thăng trầm. Ông đã hóa thành hồn thiêng sông núi. Thế nhưng dưới ngòi bút của Thúy Ái thì Nguyễn Trãi dù gì cũng chỉ là một lão già háo sắc, đa dâm mà bất lực, nhỏ nhen, hèn hạ, cúi mình xin cho vợ cái chức danh vô nghĩa Lễ nghi học sỹ để dễ hiến thân cho ông vua trẻ, cầu danh cho chồng... Thật không khác gì kẻ tiểu nhân!

Người vợ trẻ của ông - Nguyễn Thị Lộ, là người đức hạnh, giỏi giang, người đời cảm thương số phận người đàn bà tài sắc đa đoan ấy. Vậy mà ở đây tác giả tạo ra một Nguyễn Thị Lộ không khác gì những cô cave mạt hạng thời nay: vô học, trốn chúa lộn chồng, già giặn ngón chơi, biết khai thác triệt để cái vốn tự có để đổi đời cấp kỳ cho mình và cho cả gia đình, dòng họ.

Thực tế, vào thời ấy, triều chính nhiều biến động bất an. Vua Lê Thái Tổ ở ngôi được 5 năm. Vua Lê Thái Tông nối ngôi lúc còn quá trẻ. Lúc này tuy Nguyễn Trãi đã được phục chức, vời vào triều nhưng trong bối cảnh rối ren phe phái, ông sống khó yên. Cái chết bất ngờ của ông vua trẻ dù là ngẫu nhiên nhưng là tang chứng tày trời để vị trung thần nguyên lão bị trừ khử vội đi. Giả dụ nhà vua không chết bất đắc kỳ tử thì liệu Nguyễn Trãi có thoát được cái chết tức tưởi như bao vị danh thần khác không?

Nhà nghiên cứu Hoàng Hữu Đản viết vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi đưa ra nghi án về cái chết của vị vua trẻ là vụ mưu sát trong một âm mưu đảo chính ở cung đình. Dù là giả thuyết nhưng tấm gương của Nguyễn Trãi vẫn sáng, con người Nguyễn Thị Lộ vẫn trong và tác giả chinh phục được lòng người.

Cũng là sáng tạo nhưng có lý, có tâm, có tình, không bôi đen lịch sử, không ngoa điều ác cho ai, cùng với tài năng và lòng ngưỡng mộ danh nhân của dàn đạo diễn, diễn viên, vở kịch được dư luận trân trọng.

Có một bà giáo dạy văn đã về hưu đọc xong cuốn truyện, thở dài chép miệng: Giá như tác giả này không phải là cô giáo đã từng đứng lớp dạy văn thì coi như loại truyện dung tục, tầm thường, nói tếu không đúng chỗ. Nhưng nghề nghiệp nó bắt mình phải chuẩn! Cùng là bạn quần thoa với nhau sao nỡ đặt điều bêu riếu cho người phải chịu cảnh oan trái thảm sầu như thế?

Hay là người ta muốn được nổi danh? Tôi đọc lại trang đầu truyện, tác giả viết: Mọi đau khổ bất hạnh của con người cũng do việc sống trái với đạo mà ra? Bôi xấu danh nhân, xuyên tạc lịch sử, đặt điều ác cho người lương thiện, chẳng lẽ đó là hợp đạo? Không thể nhân danh văn chương nghệ thuật để làm trái với tình người, với đạo trời như thế. Xúc phạm tới tiền nhân, nhất là đối với danh nhân văn hóa, là có tội!

Trí Nhân

Ông Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hội nhà văn TPHCM:
Nhà văn Nguyễn Thúy Ái đã lập lờ với hội

Trước hết, tôi cần phải giải thích rằng đã có sự hiểu nhầm của bạn đọc trong việc xuất bản tập truyện ngắn “Tột đỉnh tình yêu”. Việc đưa tên Hội Nhà văn TPHCM vào bìa tác phẩm xuất bản khiến cho bạn đọc tưởng đây là sản phẩm liên kết giữa hội và NXB, thực chất là do bà Nguyễn Thúy Ái tự ý thêm vào mà không được sự cho phép của hội. Có thể đây là ý tốt của tác giả muốn ghi nhận sự tài trợ của hội nhưng hành động này đã vi phạm Luật Xuất bản.

Nhân sự kiện này, hội đã gửi thông báo tới các hội viên không được phép đưa tên hội vào bìa tác phẩm của mình và hội cũng đã gửi thông báo đến tất cả NXB đề nghị không đề tên hội ngoài bìa các tác phẩm, nếu có, để tránh sự hiểu lầm. Nếu hội viên có tấm lòng với hội thì chỉ cần một vài dòng cảm ơn trong sách là đủ.

Về nội dung, đúng là tập truyện ngắn này hội đã đọc qua nhưng chỉ đọc để thẩm định mức tài trợ chứ không phải thẩm định giá trị nội dung. Sau đó, hội đã có kết luận tác phẩm ở mức trung bình nên tài trợ 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, ở đây nhà văn Nguyễn Thúy Ái đã có hành động lập lờ khi bản thảo đưa hội không hề có truyện ngắn “Trở về Lệ Chi viên”, trong khi bản thảo đưa qua NXB Trẻ, bà Ái lại luồn tác phẩm này vào.

Do đó việc truyện ngắn “Trở về Lệ Chi viên” có trong tập truyện được xuất bản, hội hoàn toàn không hề hay biết. Sau sự cố này, chúng tôi dự kiến sẽ có một cuộc họp riêng với nhà văn Nguyễn Thúy Ái nhằm nhắc nhở nhà văn về tính nghiêm túc trong việc đưa bản thảo.

Bà Quách Thu Nguyệt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ:
Một góc nhìn khác về lịch sử (?!)

Khi biết đây là một tác phẩm nhận được sự tài trợ của Hội Nhà văn TPHCM, chúng tôi đã dành cho tác phẩm một số ưu tiên như quản lý phí ưu đãi… Ngoài ra, các khâu đọc duyệt, biên tập đều được thực hiện đúng như luật định nên về xuất bản, theo tôi NXB Trẻ đã làm đúng nhiệm vụ của mình khi cấp phép xuất bản tác phẩm trên.

Vấn đề nội dung của tác phẩm, theo tôi đây không phải là một tác phẩm lịch sử mà thuần túy là một tác phẩm văn học. Trong truyện ngắn này, nhà văn đã thử nhìn nhận một nhân vật lịch sử (Nguyễn Trãi) dưới một cái nhìn khác, đời thường hơn, thực tế hơn.

Cái nhìn về Nguyễn Thị Lộ cũng vậy, là một nhà văn nữ, Nguyễn Thúy Ái đã thử nhìn nhân vật này dưới góc độ một người phụ nữ với những vấn đề thuộc về bản năng, cuộc sống, con người…

Dĩ nhiên, cái nhìn khác lạ luôn gặp phải sự phản ứng nhưng như đã nói, đây là tác phẩm văn học, nếu sự tưởng tượng của nhà văn không vượt hơn giới hạn đạo đức, pháp luật thì theo tôi cũng không nên quá nghiêm khắc với nhà văn.

Giá trị của tác phẩm sẽ được bạn đọc đánh giá và nếu không được chấp nhận, tác phẩm sẽ mau chóng bị quên lãng.

T.Vy ghi

Tin cùng chuyên mục