Diễn biến mới xung quanh đề cử các giải thưởng: Liệu có thuyết phục?

Tuần qua nổi lên nhiều tranh luận xung quanh việc đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Điều đó cho thấy giới văn nghệ sĩ và công chúng rất quan tâm đến giải thưởng này.
Diễn biến mới xung quanh đề cử các giải thưởng: Liệu có thuyết phục?

Tuần qua nổi lên nhiều tranh luận xung quanh việc đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Điều đó cho thấy giới văn nghệ sĩ và công chúng rất quan tâm đến giải thưởng này.

1. Sau những khiếu nại, kiến nghị ở lĩnh vực âm nhạc thì ngày 15-7 đã có thêm 6 nhạc sĩ có tên trong danh sách được đề cử Giải thưởng Nhà nước do Bộ VH-TT-DL công bố, trong đó có 5 nhạc sĩ đứng đơn: Thế Song, Đinh Quang Hợp, Đoàn Bổng, Lê Việt Hòa, Việt Khuê. Đây là kết quả từ cuộc họp lại của Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam gửi lên bộ ngày 5-7. Như vậy, ngoài 28 người đã được đề cử có 6 người được bổ sung thêm đã nâng danh sách đề cử của Hội Nhạc sĩ Việt Nam lên 34 tác giả.

Một cảnh trong phim “Chất xám”, đạo diễn Nguyễn Thước, kịch bản Phan Huyền Thư. Ảnh: THU HÀ

Một cảnh trong phim “Chất xám”, đạo diễn Nguyễn Thước, kịch bản Phan Huyền Thư. Ảnh: THU HÀ

Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiếp thu ý kiến của những người góp ý. Tuy nhiên, nhạc sĩ Đinh Quang Hợp còn có ý kiến thêm: “Trước đây, Hội đồng cơ sở gạt chúng tôi ra, nay lại đưa vào danh sách, tức là họ đã thừa nhận sai lần một. Nhưng nếu họ vẫn để những người không xứng đáng tiếp tục có cơ hội được Giải thưởng Nhà nước là sai lần hai”. Và nhiều người vẫn còn thắc mắc khi biết nhạc sĩ Hoàng Hà, một tên tuổi lớn của làng nhạc Việt Nam với các tác phẩm “Đất nước trọn niềm vui”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”… chưa có tên trong danh sách này.

Mặc dù danh sách mới do hội đồng mới xem xét (theo thông báo là ngày 27-6 hội đồng đã được bổ sung NSND Trọng Bằng và NSND Trung Kiên), nhưng xem ra việc này vẫn khá… nhạy cảm. NSND Trọng Bằng cho biết ông không nhận lời tham gia hội đồng. Còn nhạc sĩ Trần Long Ẩn thì nói ngắn gọn: Điều này, nên hỏi thẳng Bộ VH-TT-DL. Số máy của một thành viên hội đồng là GS-TS Tô Ngọc Thanh thì tắt, không thể gọi được. Chúng tôi liên lạc tiếp với một số nhạc sĩ có danh vị ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam, họ đều bộc lộ tâm sự nhưng cùng có đề nghị: không đưa lên báo những ý kiến của họ.

2. Về lĩnh vực điện ảnh, là vụ ồn ào của 2 biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú, khi họ gửi đơn phản đối đạo diễn Nguyễn Thước vì ông được xem xét đề cử với cụm tác phẩm “Sự nhọc nhằn của cát”, “Những công dân @” và “Chất xám” mà họ là biên kịch. Ngày 13-7, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Khánh Hải ký công văn trả lời kiến nghị trên với nội dung “Đề nghị Hội đồng cơ sở Hội Điện ảnh Việt Nam thông báo với đạo diễn Nguyễn Thước, đề nghị đạo diễn Nguyễn Thước bổ sung ý kiến đồng thuận, nhất trí của các đồng tác giả của cụm tác phẩm nêu trên”.

NSƯT Đặng Xuân Hải cho rằng đạo diễn Nguyễn Thước không vi phạm quyền tác giả, bởi chỉ khi qua tay đạo diễn, tác phẩm mới trở thành tác phẩm điện ảnh, còn kịch bản không thể gọi là tác phẩm điện ảnh được. Vì thế, đầu tuần này, ông sẽ ký công văn phúc đáp, bảo lưu ý kiến Hội đồng cơ sở chuyên ngành đã đúng khi xem xét trường hợp đạo diễn Nguyễn Thước.

Vẫn theo NSƯT Đặng Xuân Hải, đạo diễn Nguyễn Thước không đồng đạo diễn với ai, nên không thể gọi là tranh chấp quyền tác giả. Việc kiến nghị của một số biên kịch với đạo diễn Nguyễn Thước là chưa chuẩn. Còn biên kịch, nếu làm thủ tục xem xét đề cử tác phẩm thì Hội Điện ảnh sẽ chuyển sang Hội đồng cơ sở lĩnh vực văn học, như vừa làm với 3 biên kịch: Nguyễn Thị Hồng Ngát, Hoàng Tích Chỉ và Lê Ngọc Minh, chứ hoàn toàn không bị ảnh hưởng về quyền lợi.

Tuy nhiên, nếu theo văn bản trả lời của Bộ VH-TT-DL thì sẽ tạo ra tiền lệ: khi làm hồ sơ xét giải thưởng, tất cả các thành phần sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh (đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo...) đều phải có sự đồng ý của các thành phần khác. Một số ý kiến cho rằng, nội dung trong văn bản này cũng mâu thuẫn với chính Thông tư 03/2010/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT-DL khi các điều đầu tiên của Thông tư đều nhấn mạnh Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật là dành tặng cho tác giả: “Tác giả là người Việt Nam có tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình văn học, nghệ thuật”.

Như vậy, chiếu theo quy định của luật cũng như văn bản quy phạm của Bộ VH-TT-DL đương nhiên Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật phải dành cho tác giả (cụm tác giả) chứ không thể dành cho tác phẩm (cụm tác phẩm) như công văn ông Lê Khánh Hải đã ký.

MAI HOÀNG

>> Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc - Phải công tâm, xứng tầm

Tin cùng chuyên mục