Đi tìm bản sắc mỹ thuật Việt

Mỹ thuật là kênh dễ nhất giúp người ta khám phá bản sắc văn hóa của một cộng đồng, một đất nước. Thế nhưng, các họa sĩ, nhà quản lý ở Việt Nam lại bỏ ngỏ.
Đi tìm bản sắc mỹ thuật Việt

Mỹ thuật là kênh dễ nhất giúp người ta khám phá bản sắc văn hóa của một cộng đồng, một đất nước. Thế nhưng, các họa sĩ, nhà quản lý ở Việt Nam lại bỏ ngỏ.

Đi tìm bản sắc mỹ thuật Việt ảnh 1

Chiếc độc bình gốm xanh trắng được Công ty Thành Lễ sản xuất vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX. Những tuồng tích được thể hiện đẹp và sinh động thế này ít tìm được ở các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH

Mỹ thuật ngày càng... nhạt nhòa!

Ông Mars Guiness, một người Mỹ, chuyên buôn tranh, chủ yếu là tranh châu Á, có phòng tranh ở Hồng Công (Trung Quốc) nhiều năm và khá nổi tiếng. Ông Mars Guiness sang Việt Nam vào những năm 1991 - 1992 và rất thú vị khi tiếp xúc với hội họa Việt Nam. Theo ông Mars Guiness, nhờ Trường Mỹ thuật Đông Dương, rồi mỹ thuật kháng chiến, mỹ thuật đổi mới, mà tranh Việt Nam có thể được xếp hàng đầu ở Đông Nam Á. Ông Mars Guiness đã đưa tranh cùng một số tác giả của Việt Nam sang triển lãm và bán tại phòng tranh của ông ở Hồng Công và khá thành công.

Trở lại Việt Nam vào năm 1995, ông Mars Guiness buồn bã: “Khi mới đến Việt Nam, tôi thấy thích gì thì mua nấy, còn các họa sĩ Việt Nam thích gì thì vẽ nấy. Bây giờ, tôi thấy các họa sĩ chỉ vẽ những gì tôi thích! Chính các họa sĩ đã tự phá hỏng thị trường tranh (hiện đại, vừa mới hình thành) của chính mình!”.

Hóa ra, ông Mars Guiness với hội họa đương đại Việt Nam nói riêng, người nước ngoài với văn hóa - nghệ thuật Việt Nam nói chung, mong được xem, được tiêu thụ, những thứ thật Việt Nam, chứ không phải là những thứ Việt “nhái” Tây, “nhái” Trung Quốc để chiều theo thị hiếu người mua, chiều theo xu hướng thị trường tầm thường chỉ để nhằm kiếm tiền. Tư duy như thế nên cứ cái gì có người mua thì nhiều họa sĩ Việt đua nhau vẽ. Cứ một ít núi non trùng điệp, một chút đình chùa thâm nghiêm, một xíu e lệ thiếu nữ... là ra chất Việt Nam, là ăn tiền...

Việt Nam có 54 dân tộc với bao nhiêu nét đẹp văn hóa nhưng nhiều họa sĩ Việt ít chịu đầu tư chiều sâu để vẽ ra chất văn hóa. Họ mới chỉ dừng lại ở việc vẽ đẹp để chiều những con mắt dễ dãi của người mua tranh. Lý ra phải chú tâm nhiều hơn trong cách thể hiển sự khác biệt giữa những con người và tính cách đặc thù của mỗi cá nhân, thì nhiều họa sĩ Việt Nam lại tận tụy thể hiện sự tương tự và đồng nhất của chúng.

Chị Ando Saeko, họa sĩ tranh sơn mài Nhật Bản, từng có 20 năm sinh sống và sáng tác ở Việt Nam, ưu tư: “Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng theo những tác động từ bên ngoài. Từ cảnh quan, đời sống đến suy nghĩ đều biến đổi. Một số họa sĩ Việt Nam đang tự đánh mất bản sắc ngay chính tại đất nước mình. Tôi mong muốn gửi đến những đồng nghiệp Việt Nam một thông điệp rằng: “Đừng để cho xu hướng thống trị bạn. Hãy nhìn vào gương và tìm ra bản sắc của mình, một thứ mà một quốc gia không nên đánh mất”.

Phải thay đổi tư duy

 

* Ông Uyên Huy, họa sĩ - nhà giáo nhân dân - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, cho rằng: Để cải thiện tình trạng này, nhà nước cần đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp dạy nghề, các trường mỹ thuật ứng dụng, các khoa mỹ thuật truyền thống, có quy mô thích hợp, với nội dung chương trình được bổ sung, cập nhật có hiệu quả… để đào tạo về nghệ thuật dân gian, nghệ thuật thủ công cho đến các loại trường thiết kế với những trang thiết bị hiện đại… Những nơi này phải là môi trường nghiên cứu sáng tạo nên các sản phẩm  mỹ thuật ứng dụng phong phú, có hàm lượng văn hóa dân tộc cao, độc đáo. Phải tìm mọi cách mời gọi cho được sự tham gia của lực lượng nghệ nhân, nghệ sĩ giỏi và phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng trên tinh thần thật sự tôn trọng tài năng, hiệu quả đóng góp của họ.

 

Dân chơi đồ cổ ở Việt Nam có một câu cửa miệng: “Xã hội càng phát triển, đồ mỹ nghệ càng xấu”. Nghe mà chua chát nhưng tiếc thay lại đúng nhiều phần. Không nói đâu xa, cứ nhìn những chiếc bình, đĩa, thủy trì... bằng gốm của các làng nghề, như: Chu Đậu (Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội), Biên Hòa (Đồng Nai), Lái Thiêu (Bình Dương)... thì rõ. Xưa kia các cụ làm đẹp bao nhiêu, nay con cháu làm xấu bấy nhiêu. Mà kỹ thuật nung ngày một phát triển, người làm gốm làm chủ hoàn toàn nhiệt độ. Đi lại dễ dàng, điều kiện giao lưu, học hỏi ngày một mở rộng.

Mấu chốt của vấn đề nằm ở sự đam mê. Ngày xưa các cụ đam mê, làm để thỏa chí mình nên làm đi làm lại đến khi đạt mới thôi. Còn nay con cháu của họ tay nắn đất mà đầu đã tính toán xem sản phẩm bán được bao nhiêu tiền mà biết đường bỏ thời gian, công sức.

Người ta cũng đang lo ngại về trình độ văn hóa và nhiệt huyết của những người thợ thủ công ở các làng nghề Việt Nam. Thời các cụ khăn gói quả mướp bôn ba mấy năm trời đi tìm thầy, phục dịch thầy để mong được truyền bí quyết nghề nghiệp… đã qua lâu lắm rồi.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn làm nghề buôn đồ pha trà bằng tử sa từ Trung Quốc về bán tại Việt Nam từ 14 năm nay, chua chát với chuyện này lắm. Muốn góp phần hỗ trợ làng nghề gốm sứ Bát Tràng nên anh mang mẫu mã và những trải nghiệm ở xứ người về, bay ra Hà Nội, đến gặp một số chủ nhân lò gốm ở Bát Tràng để chia sẻ kinh nghiệm, thế nhưng: “Nhiều người ra vẻ ta đây, bảo bao đời nay làng này làm thế rồi, cần gì phải học đâu xa. Người thì lý sự cùn bảo, bán được có vài trăm ngàn đồng/bộ, cải tiến cải lùi chi cho mệt. Khi tôi bảo, mình phải đầu tư thay đổi mẫu mã, sản phẩm mới tăng giá trị, mới thu hút được khách hàng… thì người ta lại bài xích. Tư duy như thế chả trách đến bây giờ bộ trà Bát Tràng vẫn dày, thô và chỉ bán được vài ba trăm ngàn đồng, trong khi một cái ấm tử sa Nghi Hưng trung bình có giá gấp từ vài chục lần đến… cả triệu lần”.  Tuy nhiên cũng không thể trách hoàn toàn người dân…

Gần đây, Bộ VH-TT-DL phát động phong trào dẹp linh vật ngoại lai ở các di tích, trong đó phần lớn là những con sư tử đá được người ta bê nguyên từ Trung Quốc về hoặc mang mẫu mã về đặt thợ điêu khắc ở các làng nghề Ninh Bình, Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… chế tác.

Nghệ nhân làng nghề điêu khắc đá Non Nước (Đà Nẵng) bê nguyên mẫu sư tử đá ngoại lai về chế tác.

Theo chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL, các nhà nghiên cứu văn hóa đang tập hợp những mẫu linh vật phù hợp để giới thiệu cho toàn dân tham khảo, thay thế những sư tử đá phải loại bỏ khỏi các di tích. Tuy nhiên, việc này nếu chỉ hướng vào các đối tượng quản lý những cơ sở tự viện, di tích thì chưa đủ. Thông thường, những người quản lý di tích, hay người dân khi muốn công đức linh vật vào chùa, họ thường tìm đến các làng nghề.

Vì thế, chúng ta cần có các biện pháp ngăn chặn từ người thợ, các cơ sở sản xuất, chế tác. Muốn thay đổi tình trạng bất hợp lý về linh vật trong di tích, cần hướng vào các làng nghề điêu khắc. Khi đã tập hợp được mẫu linh vật rồi, các nhà chức trách phải chế tác ra những sản phẩm mẫu, rồi đem đến các làng nghề cho người thợ họ biết. Rồi tuyên truyền, mở lớp tập huấn cho người thợ thủ công nắm được kỹ thuật chế tác những linh vật truyền thống.

Mặt khác, Nhà nước cần phải xây dựng một đề án tổng thể về chấn hưng văn hóa vật thể. Trong đó, nghiên cứu tập hợp tất cả các mẫu di vật, cổ vật, hoa văn họa tiết truyền thống; xây dựng bộ quy định cho mọi khía cạnh liên quan, như: kiến trúc từng loại công trình đình, chùa, miếu, quán, phủ…; quy định mẫu linh vật, di vật, tượng và cách thức bài trí chuẩn mực trong di tích.

Hiện nay, cả nước ta có hơn 3.400 làng nghề truyền thống, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ mỗi năm đem về ngót 2 tỷ USD, thế nhưng khâu thiết kế mẫu mã cực kỳ kém, không được đầu tư. Người thợ làm nghề thủ công ở Việt Nam nhái mẫu thì nhanh lắm, nhưng sáng tác lại khó và lười. Thế nên khách hàng mang mẫu đến đặt gì người ta làm nấy, chứ ít có tư duy sáng tạo.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục