Phản hồi loạt bài Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia - Báo SGGP giúp chúng tôi làm trong sạch nội bộ

Ông LÊ THÀNH TÂM:
Phản hồi loạt bài Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia - Báo SGGP giúp chúng tôi làm trong sạch nội bộ

Báo SGGP số ra từ ngày 29-11 đến 1-12 đăng loạt bài điều tra 3 kỳ về việc thâm nhập, điều tra và triệt phá đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia xảy ra tại Trung tâm hỗ trợ xã hội (HTXH) TPHCM. 4 đối tượng đã bị cơ quan điều tra bắt tạm giam, một số cán bộ liên quan bị triệu tập. Ngày 1-12, PV Báo SGGP đã phỏng vấn ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM và ông Nguyễn Trung Trực, Giám đốc Trung tâm HTXH, về trách nhiệm cũng như những vấn đề liên quan đến vụ việc này.

  • Giám đốc Sở LĐTB-XH Lê Thành Tâm: Đây là bài học lớn cho chúng tôi!

Giám đốc Sở Lao động Thương binh - Xã hội Lê Thành Tâm

Giám đốc Sở Lao động Thương binh - Xã hội Lê Thành Tâm

- PV: Dư luận từ lâu đã râm ran chuyện tiêu cực, nhận tiền để bảo lãnh hồi gia trái quy định tại Trung tâm HTXH. Bản thân là giám đốc sở chủ quản, ông có biết việc này?

Ông LÊ THÀNH TÂM: Chuyện tiêu cực tại đây, bản thân tôi có biết và đã rất nhiều lần chỉ đạo kiểm tra nhưng không bắt được tận tay nên chưa thể xử lý. Trong các cuộc họp giao ban gần đây, tôi cũng đề cập dư luận về tiêu cực tại một số đơn vị trực thuộc và yêu cầu người đứng đầu các đơn vị đó tăng cường công tác kiểm tra và có biện pháp xử lý, chấn chỉnh. Tuy nhiên, do các thủ đoạn tinh vi, có hệ thống, bao che lẫn nhau nên chưa tìm được chứng cứ cụ thể.

- Để xử lý tiêu cực tại Trung tâm HTXH, ông đã chỉ đạo những gì?

Bản thân tôi cũng như Ban Giám đốc sở, sau khi nghe dư luận râm ran đã yêu cầu giám đốc Trung tâm HTXH báo cáo tình hình tiêu cực, nhận tiền lo lót cho trại viên hồi gia không đúng quy định.

Tại Trung tâm HTXH trước đó cũng do tiêu cực dẫn đến mất đoàn kết nội bộ kéo dài nên Ban giám đốc Sở LĐTB-XH quyết định điều chuyển một giám đốc từ đơn vị khác thay thế và kiên quyết xử lý tiêu cực. Một phó giám đốc trung tâm cũng bị xử lý kỷ luật và điều chuyển đi nơi khác.

Riêng trường hợp Phan Ngọc Anh, trước đây khi còn công tác ở Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội cũng có dư luận về tiêu cực khi tham gia đoàn kiểm tra liên ngành 814. Tuy nhiên, do không có bằng chứng cụ thể nên chỉ điều chuyển công tác để ngăn chặn. Nhưng gần đây dư luận cho rằng Ngọc Anh lại tiêu cực tại Trung tâm HTXH. Ban Giám đốc sở đã chỉ đạo giám đốc Trung tâm HTXH điều tra tiêu cực nhưng không tìm ra chứng cứ. Đến khi PV Báo SGGP điều tra và đề nghị cung cấp thông tin, lãnh đạo trung tâm có báo cáo tôi và tôi yêu cầu phải cung cấp thông tin trung thực và hợp tác cùng với Báo SGGP và công an điều tra làm rõ.

- Ông đánh giá thế nào về loạt bài điều tra đăng trên Báo SGGP?

Trước hết chúng tôi hoan nghênh các phóng viên Báo SGGP đã có loạt bài điều tra và phối hợp với công an phá án thành công. Tôi không thể tưởng tượng được những hành vi tiêu cực lại quy mô và nghiêm trọng đến như vậy. Những người lang thang, xin ăn họ đã là kẻ cùng cực nhất trong xã hội rồi mà còn ép họ đến bước đường cùng. Một chủ trương đúng đắn, đầy nhân văn của TPHCM đã bị những cán bộ biến chất làm cho méo mó. Đối với những đối tượng này, tôi đề nghị điều tra và xử lý thật nghiêm để răn đe.

Về phía nội bộ ngành, tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tra làm rõ sai phạm. những đối tượng bị xử lý hình sự thì đã có chế tài pháp luật xử lý. Riêng những trường hợp liên quan chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì nội bộ ngành cũng sẽ kỷ luật nặng.

- Sau vụ việc này, ông sẽ có biện pháp gì để hạn chế tiêu cực?

Chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết hồi gia, chấn chỉnh và làm trong sạch đội ngũ, không chỉ riêng Trung tâm HTXH mà ở tất cả các đơn vị trực thuộc. Đây là bài học lớn cho chúng tôi trong công tác quản lý cán bộ, cũng là dịp để chúng tôi chấn chỉnh kỷ luật làm việc trong toàn ngành…

  • Giám đốc Trung tâm HTXH Nguyễn Trung Trực: Tôi đã khéo léo từ chối!
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội Nguyễn Trung Trực

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội Nguyễn Trung Trực

- Ông có nghe dư luận phản ánh về đường dây này? Ông đã xử lý như thế nào?

Ông NGUYỄN TRUNG TRỰC: Dư luận về đường dây hoặc cá nhân nhận tiền để chạy hồ sơ cho trại viên hồi gia, tôi đã được nghe từ khi nhận nhiệm vụ tại trung tâm (tháng 4-2010), nhưng để phát hiện thì rất khó. Nay nhờ có sự kết hợp với báo chí và ngành công an nên sự việc mới được phơi bày. Riêng bản thân tôi rất buồn với vai trò lãnh đạo trung tâm lại để sự việc này xảy ra trong một thời gian. Tuy nhiên, tôi cảm thấy yên tâm khi vụ việc được phát hiện và đây cũng là dịp để làm trong sạch đội ngũ cán bộ công chức viên chức của trung tâm.

- Xin hỏi thẳng thắn, có bao giờ cấp dưới “đặt vấn đề” trong chuyện tổ chức hồi gia cho trại viên với ông? Lúc đó ông đã xử lý như thế nào?

Tôi mới về trung tâm được khoảng 1 năm rưỡi, chưa có ai đặt vấn đề trực tiếp với tôi, nhưng cũng có vài lần đánh tiếng. Thế nhưng, tôi đã khéo léo từ chối. Và luôn khuyên mọi người là đã vào làm việc tại trung tâm này thì phải chấp nhận sự khó khăn và luôn giữ tâm cho tốt.

- Theo ông, các đối tượng đã lợi dụng những sơ hở nào để “chạy” bảo lãnh hồi gia?

Theo tôi, sơ hở đầu tiên là để các nhân viên tiêu cực tiếp cận trại viên rồi hỏi số điện thoại, sau đó liên hệ với người nhà đòi hỏi tiền để trại viên được bảo lãnh. Sơ hở thứ 2 là các nhân viên kết hợp với các đối tượng bên ngoài móc nối người thân trại viên để đòi hỏi tiền. Một sơ hở nữa là ở bộ phận xét duyệt hồ sơ, do thời gian xem xét và xác nhận hồ sơ quá ngắn, không đủ thời gian để phát hiện, phân biệt hồ sơ giả hay không giả.

- Hội đồng xét duyệt hồ sơ bảo lãnh hồi gia gồm những thành phần nào? Ai là người quyết định, thưa ông?

Tổ xét duyệt hồ sơ bảo lãnh của trung tâm hiện nay gồm: Ban Giám đốc, Phòng Quản lý - giáo dục - hồ sơ, Phòng phối hợp kiểm tra, Phòng tổ chức và nhân viên tổ hồ sơ làm thư ký. Nguyên tắc biểu quyết theo đa số nhưng với trách nhiệm của mỗi thành viên trong tổ xét duyệt đều có quyền đề nghị xem xét lại khi hồ sơ có vấn đề không rõ ràng.

* Theo ông Nguyễn Trung Trực, quy trình chuẩn trong việc giải quyết thủ tục hồi gia cho trại viện như sau:

Sau khi tiếp nhận trại viên, trong vòng 4 ngày, hồ sơ sẽ được phân loại và làm các thủ tục: kê khai lại lý lịch bổ sung và chụp hình đối tượng, lập danh chỉ bản.

Trong thời gian này, tổ tiếp nhận hồ sơ sắp xếp cho đối tượng được phép gọi điện thoại về gia đình. Nếu không có số điện thoại để liên lạc, trung tâm sẽ gửi thư thông báo cho gia đình trại viên được biết để đến làm thủ tục bảo lãnh hồi gia cho trại viên.

Về hồ sơ bảo lãnh gồm: đơn xin bảo lãnh có xác nhận của địa phương; hộ khẩu hoặc KT3, CMND có thị thực. Trong trường hợp người bảo lãnh không cùng chung hộ khẩu với trại viên thì người bảo lãnh cần có thêm giấy tờ chứng minh có mối quan hệ ruột thịt…

- Tại sao có những hồ sơ còn nhiều điểm mơ hồ, khó hiểu như Báo SGGP đề cập, cụ thể là trường hợp của K.T.K.P.?

Hôm đó tôi nghỉ phép nên không có mặt trong buổi xét duyệt hồ sơ K.T.K.P. mà Báo SGGP nêu. Khi trao đổi với nhân viên tổ hồ sơ, các nhân viên này báo cáo lại việc nhận thấy hồ sơ trường hợp này không đúng quy định và đã được nhân viên hồ sơ cảnh báo, nhưng hôm đó tổ xét duyệt vẫn thông qua.

- Hai bảo vệ bị bắt là người của trung tâm hay người thuê dịch vụ bên ngoài? Họ có được tiếp xúc với trại viên không?

Bảo vệ là người của trung tâm. Nhiệm vụ của họ là bảo đảm an toàn trật tự bên trong trung tâm và phối hợp với lực lượng chức năng địa phương để bảo đảm an toàn trật tự xung quanh trung tâm. Bảo vệ chỉ có chức năng kiểm tra hồ sơ và trại viên đã được bảo lãnh trước khi trại viên bước ra khỏi trung tâm và đôi khi trong những ngày thăm gặp, sẽ được tăng cường vào khu vực của trại viên để hỗ trợ, quan sát quá trình thăm gặp giữa thân nhân và trại viên.

- Chúng tôi được biết, Tâm từng nghiện ma túy, Thành nhiều lần bị kỷ luật?

Tâm vào làm việc tại trung tâm cũng có sự bảo lãnh của 1 trưởng phòng nhưng đạo đức, lối sống kém. Phòng tổ chức và bản thân tôi cũng đã gặp Tâm nhiều lần để trao đổi, giáo dục. Riêng Tấn Thành, ý thức kỷ luật kém, cuối năm 2010, đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng vẫn không tiến triển.

- Sau khi đường dây này bị triệt phá, ông sẽ xử lý cán bộ của mình như thế nào?

Sau khi sự việc này xảy ra, tôi đã báo cáo với lãnh đạo Sở LĐTB-XH. Tại trung tâm, tôi đã tổ chức họp toàn thể công chức viên chức để thông báo sự việc cho anh em biết và động viên mọi người cố gắng tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, coi đây là một bài học của tất cả CBCNV. Riêng các CBCNV vi phạm, ngoài những đối tượng đã xử lý hình sự, những người liên quan khác sẽ xem xét kỷ luật theo nội quy cơ quan.

Qua đây, tôi cũng gửi lời cảm ơn đến Báo SGGP, C45 đã giúp chúng tôi làm trong sạch nội bộ, tạo niềm tin cho nhân dân.

H.Thu – Đ.Loan – K.Nhung


Lợi dụng uy tín Đoàn TNCS HCM để trục lợi cá nhân

Liên quan đến hình ảnh Nguyễn Thanh Tâm, đối tượng bị C45 bắt quả tang khi đang nhận tiền để “chạy” bảo lãnh hồi gia, Ban Thường vụ Đoàn Sở LĐTB-XH TPHCM vừa có văn bản gửi Báo SGGP khẳng định: “Thanh niên Nguyễn Thanh Tâm không phải Đoàn viên TNCS HCM. Việc Tâm mặc áo Thanh niên Việt Nam khi bị bắt là sự lợi dụng vào tổ chức Đoàn TNCS HCM để trục lợi cá nhân bất hợp pháp”.

Được biết, thanh niên Nguyễn Thanh Tâm (SN 1989) được ký hợp đồng làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội (Sở LĐTB-XH TPHCM) vào ngày 1-5-2011 với công việc chuyên môn là nhân viên bảo vệ. 

V.Anh

Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia

- Bài 1: Sáng đưa tiền, chiều về nhà 

- Bài 2: Phá án

- Bài 3: Làm tiền bằng mọi cách

Tin cùng chuyên mục