Nguy cơ đông dược thành độc dược

Mặc dù có một nguồn dược liệu, cây thuốc thiên nhiên rất phong phú, nhưng hàng năm cả nước vẫn phải nhập khẩu hàng chục ngàn tấn dược liệu thô và cao dược liệu. Tuy nhiên phần lớn dược liệu được nhập từ Trung Quốc không chính ngạch, khiến chất lượng không thể kiểm soát được. Thực trạng này cũng đã khiến thị trường dược liệu trong nước trở nên hỗn loạn.
Nguy cơ đông dược thành độc dược

Mặc dù có một nguồn dược liệu, cây thuốc thiên nhiên rất phong phú, nhưng hàng năm cả nước vẫn phải nhập khẩu hàng chục ngàn tấn dược liệu thô và cao dược liệu. Tuy nhiên phần lớn dược liệu được nhập từ Trung Quốc không chính ngạch, khiến chất lượng không thể kiểm soát được. Thực trạng này cũng đã khiến thị trường dược liệu trong nước trở nên hỗn loạn.

  • Khai thác vô tội vạ

Từ thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, Cao Bằng theo tỉnh lộ 229, ngoằn ngoèo qua những dãy núi đá sừng sững, với nhiều vạt rừng bị chặt phá nham nhở, chúng tôi tới xã Đức Xuân, một trong những “điểm nóng” về khai thác dược liệu ở Cao Bằng.

Chị Đàm Thị Phượng, Trưởng trạm Y tế xã Đức Xuân cho biết, cả xã trên 2.000 dân chủ yếu là người Tày và Nùng nên bao đời nay người dân đã có tập quán vào rừng để lấy thuốc. Tuy nhiên, người biết dùng cây thuốc để chữa bệnh rất ít mà chủ yếu là đi rừng lấy cây thuốc, dược liệu về bán lại kiếm sống.

Theo khảo sát của chúng tôi, không chỉ có ở Đức Xuân mà rất nhiều nơi khác ở Cao Bằng từ Bảo Lạc, Bảo Lâm cho tới Trùng Khánh, Trà Lĩnh… hàng ngày có rất nhiều người lên rừng chặt phá lấy cây, củ, rễ để buôn bán cho đầu nậu mà không hề biết rõ tác dụng của từng loại.

Ông Hoàng Văn Bé, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Cao Bằng lo ngại, cả tỉnh có 13 huyện thị, huyện nào cũng có 5-10 điểm thu mua dược liệu với quy mô lớn vài trăm tấn một năm và hàng chục điểm thu mua nhỏ lẻ len lỏi tới tận các bản làng heo hút.

Một đại lý thu gom dược liệu để bán sang biên giới ở Cao Bằng.

Một đại lý thu gom dược liệu để bán sang biên giới ở Cao Bằng.

Không riêng ở Cao Bằng mà nhiều cánh rừng miền núi phía Bắc từ Bắc Giang, Lạng Sơn cho tới Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Lào Cai cũng đang phải gánh chịu cảnh “rút ruột” tràn lan nguồn dược liệu. Thậm chí, ngay cả những rừng đầu nguồn hay vườn quốc gia như Ba Vì, Hoàng Liên cũng bị nhiều người tìm tới để khai thác dược liệu vô tội vạ.

Một cán bộ của vườn quốc gia Hoàng Liên cho biết, vườn quốc gia Hoàng Liên được ví như là kho thuốc quý của Việt Nam, nhưng kho thuốc này lại ngày một cạn kiệt vì tình trạng khai thác không thương tiếc. Hiện nay ở vườn quốc gia Hoàng Liên có 11 loài thực vật làm thuốc. Trong đó, các loài như bách xanh, thiết sam, thông tre, thông đỏ, đinh tùng, dẻ tùng… chỉ còn đếm trên đầu ngón tay; các loài khác như hoàng liên gai, tam thất hoang, tế tân nam, thất diệp nhất chi hoa… cũng đang mấp mé bờ vực tuyệt chủng.

Cửa khẩu Chi Ma (Lộc Bình, Lạng Sơn) ngày cũng như đêm luôn tấp nập những chuyến xe tải chở dược liệu về xuôi. Một cán bộ hải quan ở Chi Ma cho biết, ngoài những mặt hàng tiêu dùng thông thường tại cửa khẩu này, các loại dược liệu, thuốc nam, thuốc bắc là mặt hàng được nhập khẩu chủ lực, với khối lượng hàng chục tấn mỗi ngày.

Dược liệu thô được thu gom ở Lào Cai.

Dược liệu thô được thu gom ở Lào Cai.

Ngay phía bên kia cửa khẩu Chi Ma là cửa khẩu Ái Điểm (Trung Quốc) với khu chợ dược liệu rộng hàng chục hécta nằm sát biên giới. Đây cũng chính là nơi tập kết đến 80% lượng đông dược, dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam. Ông Long, chủ một đại lý dược liệu tại Ái Điểm, nói tiếng Việt khá sõi, cho biết, mỗi ngày chỉ riêng đại lý của ông cũng xuất tới 1-2 tấn dược liệu đủ loại sang Việt Nam theo đơn đặt hàng của các đại lý ở Ninh Hiệp hay Lãn Ông (Hà Nội).

Trong khi đó, tại Ninh Hiệp (Hà Nội), ông Hùng - chủ một đại lý dược liệu ở Ninh Hiệp cho biết thuốc nam, thuốc bắc ở đây loại nào cũng có, từ hàng cao cấp tới hàng loại 2-3 nhưng hầu hết toàn hàng Trung Quốc vì nhiều loại quá nên chỉ bảo quản bằng cách phơi khô, xao tẩm hoặc xông lưu huỳnh để chống ẩm mốc.

  • Tiềm ẩn nguy hại

TS Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn thực vật, Đại học Dược Hà Nội, cho biết qua điều tra nghiên cứu, hiện có khoảng 45 loại dược liệu từng là thế mạnh của Việt Nam đang phải nhập khẩu trở lại như: bạch biển đậu, binh lang, hoắc hương, xạ can, hồng hoa, bồ công anh… để phục vụ sản xuất đông dược trong nước.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, mỗi năm cả nước tiêu thụ tới hơn 50.000 tấn dược liệu, trong đó dược liệu trong nước chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20%, số còn lại thường được nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch chiếm tới 80%, khiến việc quản lý chất lượng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng dược liệu nhập không rõ nguồn gốc, không rõ tiêu chuẩn, không có phiếu kiểm nghiệm làm ảnh hưởng tới chất lượng thuốc y học cổ truyền. Đau xót hơn, cơ quan chức năng đã phát hiện có không ít loại dược liệu nhập khẩu đã bị chiết xuất hút hết hàm lượng tinh chất chỉ còn là… củi rác.

Lý giải cho thực trạng này, một số chuyên gia của Hội Đông y Việt Nam cho biết, ngoài việc hiện nay phần lớn dược liệu là nhập khẩu theo đường tiểu ngạch khó kiểm soát chất lượng thì việc trồng trọt dược liệu trong nước còn tự phát, chưa có quy hoạch. Nhiều cơ sở trồng trọt còn sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định làm ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu. Dược liệu khai thác tự nhiên không có kế hoạch, chưa đảm bảo chất lượng, có nguy cơ cạn kiệt; điều kiện bảo quản dược liệu chưa đạt yêu cầu, việc mua bán dược liệu trên thị trường còn mang tính tự phát, chưa được quản lý.

Đáng lo ngại hơn, thông tin về dược liệu, thuốc y học dân tộc còn ít và chưa được cập nhật thường xuyên cùng với quy trình chế biến, bào chế dược liệu chưa thống nhất và ổn định, chưa tiêu chuẩn hóa các vị thuốc sau chế biến sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lớn đối với sức khỏe người dân.

TS Trần Thị Hồng Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền, Bộ Y tế, cho biết, mới đây qua kiểm tra 400 mẫu dược liệu tại nhiều cơ sở sản xuất và khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, cơ quan chức năng đã phát hiện có tới 60% mẫu chưa đạt chất lượng theo Dược điển Việt Nam và 20% vị thuốc có sự nhầm lẫn giữa các loại, trộn lẫn hóa chất độc hại và hàm lượng hoạt chất đạt thấp như: đảng sâm, hoàng cầm, khương hoạt, hà thủ ô đỏ, hoàng bá, đan sâm, ngưu tất, nhục thung dung.

Đặc biệt, có 3 loại dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc là bạch linh, thỏ ty tử và hồng hoa bị làm giả rất nhiều. Kết quả xét nghiệm mẫu bạch linh cho thấy, 80% được làm từ cacbonnat, thỏ ty tử được trộn bằng xi măng và hồng hoa phát hiện chất gây ung thư.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục