Theo báo cáo của 5 tỉnh, đến 16 giờ ngày 3-3, mưa đá, dông lốc, sét đã làm 1 người thiệt mạng (anh Ly Mí Sính, sinh năm 1994, tại thôn Phóng Tủng, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, chết do bị điện giật khi mưa gió); 14 người bị thương (Yên Bái 4 người, Hà Giang 10 người). Mưa gió đã làm 348 nhà bị sập; 4.548 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 22 điểm trường và 2 công trình văn hóa bị tốc mái, hư hỏng, 26 cột điện bị đổ; 371ha lúa; 360ha hoa màu; 62ha cây trồng lâu năm, 352ha cây ăn quả, 15ha rừng keo bị thiệt hại; 106 con gia súc và 77 con gia cầm bị lũ cuốn trôi; 229 cây xanh bị gãy đổ.
Tại TP Hà Nội, mưa liên tục như trút từ đêm 2-3 đến chiều 3-3. Lúc 13 giờ đến 14 giờ ngày 3-3, bầu trời Hà Nội tối sầm, xe cộ phải bật đèn đi lại, sau đó là mưa như trút nước kèm dông lốc sét, gây ngập nhiều nơi.
Theo các chuyên gia của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, đợt mưa đá ngày 2 và 3-3 tại miền Bắc đã được cảnh báo. Đây là hiện tượng xảy ra khi có không khí lạnh tràn về đột ngột vào lúc thời tiết chuyển mùa (tháng 3 và 4). Ngày 3-3, trung tâm cảnh báo, bộ phận không khí lạnh vẫn đang di chuyển xuống phía Nam. Từ đêm 3-3, gần sáng 4-3, không khí lạnh bắt đầu ảnh hưởng đến một số nơi ở vùng núi phía Bắc, ngày 4-3 sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến Trung Trung bộ và Tây Bắc bộ.
Từ chiều tối và đêm 3-3, do kết hợp với không khí lạnh nên ở Bắc bộ tiếp tục xảy ra mưa dông trên diện rộng, riêng vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Từ trưa 4-3, ở Bắc Trung bộ có mưa dông, sau đó mưa mở rộng xuống Trung Trung bộ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 4-3, Bắc bộ và Bắc Trung bộ trời chuyển rét với nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 15-18°C, vùng núi có nơi dưới 13°C.