Ở Việt Nam, Internet chính thức xuất hiện năm 1996, khi đó đặt dưới sự quản lý duy nhất của một IPX là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Từ 5-3-2007, dịch vụ Internet ở Việt Nam được Nhà nước cho phép thực hiện, nhưng phải đến 19-11-1997, “cánh cổng” mở ra với thế giới mới chính thức khai trương.
Việc thử nghiệm Internet đã tiến hành rất sớm ở 4 đơn vị khác nhau:
· Mạng Sprintnet : (năm 1996) của Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) tại hai địa điểm Hà Nội và Tp.HCM qua hai cổng quốc tế 64 Kb/giây kết nối Internet Sprintlink (Mỹ).
· Mạng Varenet : (năm 1994) của Viện Công nghệ thông tin thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia được kết nối với mạng Internet qua cổng mạng AARnet của Đại học Quốc gia Australia.
· Mạng Toolnet : (năm 1994) của Trung tâm thông tin Khoa học công nghệ Quốc gia thuộc Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường kết nối với mạng Toolnet của Amsterdam (Hà Lan).
· Mạng HCMCNET : (năm 1995) của Trung tâm Khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học công nghệ và Môi trường TP HCM kết nối qua nút mạng ở Singapore.
Cùng với việc “mở cửa”, Ban điều phối quốc gia về Internet Việt Nam cũng được thành lập năm 1997 nhằm giúp Thủ tướng trong việc chỉ đạo hoạt động phối hợp giữa các cơ quan hữu quan.
3 năm sau đó, cả nước có trên 85.000 người sử dụng (tương đương 1 người dùng/1.000 dân) với khoảng 700.000 máy tính cá nhân (1 máy/100 dân) và cứ 10 PC thì có một máy kết nối Internet.
Cũng tính đến năm 2000, Việt Nam có 1 nhà cung cấp dịch vụ truy cập mạng, 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet, 14 nhà cung cấp nội dung thông tin, 9 mạng dịch vụ Internet dùng riêng. Báo điện tử có Nhân Dân (cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh), tạp chí Quê Hương, Vietnam News, Thời báo Kinh tế Việt Nam. Khi đó, phương châm được đề ra là: quản lý được đến đâu, mở tới đó. Chỉ khi đã phát triển hơn một chút, trước đòi hỏi phát triển của xã hội, phương châm này mới được thay đổi, chuyển từ: quản lý phải theo được nhu cầu.
Nhìn vào sự phát triển của Internet, người ta có thể dễ dàng nhận ra sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam. Với tốc độ phát triển từ 35-37%/năm liên tục trong nhiều năm, tỷ lệ người sử dụng Internet Việt Nam đã vượt qua mức trung bình của thế giới là 16,9%.
Theo thống kê của Bộ Bưu chính Viễn thông, đến nay, cả nước đã có 4,3 triệu thuê bao Internet quy đổi, đáp ứng nhu cầu của 15,5 triệu dân, đạt mật độ 18,64 người/100 dân, cao hơn bình quân khu vực ASEAN và thế giới; vượt xa Thái Lan (12,65%), Trung Quốc (9,41%), Philippines (9,12%)...
Bên cạnh số lượng thuê bao, dung lượng Internet hiện nay cũng đã tăng đáng kể. Việt Nam hiện đã có tổng số 3 cổng kết nối Internet đi quốc tế, đi 10 quốc gia với băng thông là 7,2G.
Sự phát triển của thị trường Internet cũng đánh dấu bước chuyển đổi từ độc quyền sang cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam. Từ duy nhất nhà cung cấp dịch vụ ban đầu là VNPT, thị trường Internet Việt Nam đã chuyển sang cạnh tranh thực sự với nhiều nhà cung cấp tên tuổi trong đó có FPT và Viettel. Thêm vào đó, EVN với thế mạnh mạng lưới rộng lớn cũng hứa hẹn trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng kể trong tương lai.
Về giá cước, Internet Việt Nam cũng đã có bước đột phá đáng kể. Ngay từ năm 2004, giá cước Internet truy nhập gián tiếp đã được xếp vào hạng thấp nhất khu vực với 40 đồng/phút cộng với cước thoại 40 đồng/phút. Ngay cả cước ADSL cũng đang ở mức thấp so với khu vực. Gói cước trung bình của ADSL hiện đang ở mức từ 200.000-320.000 đồng, giảm tới 3-4 lần so với khi nó ra đời vào năm 2003.
Cho đến nay, Internet đã trở nên quen thuộc tại các thành phố lớn, thị trấn, thị xã. Thậm chí tại một số vùng quê, nhiều gia đình nông dân đã biết sử dụng Internet để lấy thông tin về khoa học nông nghiệp, giá cả nông sản... phục vụ cho công việc của mình.
10 năm VNN/Internet
Công ty Điện toán – truyền số liệu (VDC) là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), được thành lập ngày 06/12/1989. Trong suốt những năm qua, VDC là đơn vị luôn đi đầu trong việc cung cấp các dịch vụ của mình tới các khách hàng, kể cả những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, vừa làm nhiệm vụ kinh doanh và đảm bảo lợi ích chính trị, phục vụ cộng đồng.
Năm 1991, VDC thử nghiệm thành công phương thức viễn ấn và chính thức đưa vào áp dụng, đặt nền móng cho sự định hình và phát triển của mạng truyền báo viễn ấn Việt Nam.
Năm 1993, VDC thành lập Ban quản lý công trình xây dựng tổng đài truyền số liệu, chuyển mạch gói (VIETPAC). Tổng đài này có thể kết nối với các mạng truyền số liệu quốc tế (riêng hoặc công cộng), mạng truyền số liệu trong nước (riêng) và mạng điện thoại công cộng, đa dịch vụ kỹ thuật số, telex.
Năm 1994, lần đầu tiên quyển niên giám điện thoại trong cả nước được VDC thực hiện và cho phát hành với chất lượng cao, bao gồm số điện thoại của tất cả Bưu điện các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế, tư nhân trong nước.
Cùng với bước đột phá về mạng lưới và doanh thu của hệ thống truyền số liệu, tháng 6/1996, VDC được Tổng cục Bưu điện cho phép mở dịch vụ thư điện tử VN Mail.
Năm 1997 được đánh dấu bằng sự kiện dự án mạng trục Internet quốc gia hoàn thành, góp phần đưa Việt Nam hoà nhập với mạng lưới thông tin Internet toàn cầu. Ngay khi đưa vào khai thác, mạng Internet đã phục vụ tốt cho Hội nghị cao cấp 7 các nước có sử dụng tiếng Pháp, Ban Khoa giáo Trung ương, Ban chỉ đạo IT 2000, Viện kỹ thuật hạt nhân, Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh toàn quốc, Triển lãm Telecomp 97,...
Đồng bộ và tham gia hỗ trợ sự phát triển của dịch vụ Internet là các dịch vụ gia tăng giá trị, Công ty đã triển khai có kết quả các dịch vụ Web Hosting, quảng cáo trên mạng, tin tức, siêu thị điện tử, các câu lạc bộ trên mạng...
Kể từ khi modem còn là công cụ để truyền số liệu qua kênh thoại cho tới lúc xuất hiện công nghệ mạng truyền số liệu mạch gói X25, chỉ 10 năm sau (năm 1997), VDC đã bắc nhịp và đưa Internet vào Việt Nam- bước khởi đầu cho một dịch vụ không thể thiếu, là cơ sở hạ tầng của kinh tế xã hội trong kỷ nguyên thông tin.
Sự xuất hiện và bước phát triển đột phá của Internet, sát cánh và làm trụ cột cho các mặt trận kinh doanh, dịch vụ khác đã tạo nên tốc độ tăng trưởng doanh thu đầy ấn tượng của VDC: từ 15,9 tỷ đồng năm 1996, tăng lên 23,859 tỷ năm 1997, năm 1998 là 49,098 tỷ; năm 1999 là 77,735 tỷ đồng…
Đối với mạng truyền số liệu, bên cạnh việc duy trì hoạt động ổn định, sử dụng tối đa công suất mạng X.25, lãnh đạo Công ty đã dự báo chính xác nhu cầu thị trường vẫn tiếp tục phát triển nhanh chóng, nhất là với dịch vụ Frame Relay. Công ty nhanh chóng đầu tư tăng dung lượng, khắc phục hạn chế của tầm bao phủ và chất lượng mạng cáp nội hạt ảnh hưởng đến tốc độ phát triển thuê bao.
Năm 2002, VDC đã có 17 kênh 2Mbps trong nước (tăng 08 kênh so với năm 2001). Kênh quốc tế tăng thêm các luồng đi hướng Singapore, Nhật, Hồng Kông; dung lượng băng thông tăng 535%. Năm 2003, có 60 kênh 2Mbps trong nước (tăng 43 kênh so với năm 2002). Hệ thống mạng mới với 21 tổng đài FR được triển khai lắp đặt tại 19 tỉnh, thành trong cả nước; đã có 5 kênh đi quốc tế (Mỹ, Hongkong, Singapore, úc, Đài Loan), dung lượng băng thông tăng lên trên 22Mbps (gấp 4 lần năm 2002). Với việc mở rộng thêm 5 đối tác cung cấp dịch vụ NTT, Equant, KDDI, Reach, VITC, Công ty đã tăng khả năng cung cấp dịch vụ tới 500 điểm trên toàn cầu.
Tính đến tháng tháng 10-2007, VDC đã nâng cấp tổng dung lượng đường truyền Internet quốc tế lên 6.8Gbps.
Ngoài việc đầu tư nâng cấp và tăng dung lượng các mạng truyền thống, chặng đường 2001 - 2004 cũng để lại những dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển mạng và công nghệ mới của VDC như VOIP, công nghệ Internet băng rộng (ADSL), gọi 1717, Fone VNN, Internet không dây.
Cùng với các dịch vụ trên, các dịch vụ trên mạng cũng được VDC chú trọng phát triển, góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ của người tiêu dùng và qua đó làm tăng nhu cầu sử dụng Internet của khách hàng.
VDC hiện nay có hơn 200.000 thuê bao MegaVNN-ADSL, hơn 800 nghìn thuê bao Internet trực tiếp, hơn 2.000 thuê bao FrameRelay, gần 1.000 thuê bao VPN,… VDC vẫn tiếp tục giữ vị trí là nhà cung cấp dịch vụ Internet và truyền số liệu lớn nhất Việt Nam.
Qua hơn 11 năm phát triển và cung cấp các dịch vụ Internet, VDC đã đưa ra thị trường nhiều phương thức truy cập Internet phong phú, như : VNN1260, gọi VNN1260, gọi VNN1269, VNN1260-P, VNN trực tiếp - tốc độ cao phù hợp với các tổ chức, DN có nhiều người sử dụng.
Trong thời kỳ hội nhập, nhận thức rõ được vai trò của đơn vị đi đầu trong lĩnh vực phát triển Internet ở Việt Nam, VDC đã và đang có những thay đổi để phù hợp với xu thế hội nhập, nắm bắt cơ hội để không ngừng phát triển.
Anh Dũng