10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2013

Năm 2013 sắp kết thúc. Cả thế giới, mỗi châu lục đều có những biến đổi, vận động không ngừng. Có những sự việc chỉ mang tầm ảnh hưởng hạn chế trên trường quốc tế, nhưng lại cũng có những đột phá bất ngờ, những thay đổi mở ra cả hướng đi mới trong tương lai. Từ những diễn biến lớn của thế giới, Báo SGGP chọn ra 10 sự kiện quốc tế tiêu biểu trong năm.
10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2013

Năm 2013 sắp kết thúc. Cả thế giới, mỗi châu lục đều có những biến đổi, vận động không ngừng. Có những sự việc chỉ mang tầm ảnh hưởng hạn chế trên trường quốc tế, nhưng lại cũng có những đột phá bất ngờ, những thay đổi mở ra cả hướng đi mới trong tương lai. Từ những diễn biến lớn của thế giới, Báo SGGP chọn ra 10 sự kiện quốc tế tiêu biểu trong năm.

1- Năm 2013 mở đầu bằng sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 vào ngày 25-1. Không chỉ ông Obama là “người cũ” đắc cử, tháng 12, Quốc hội khóa 18 của Đức đã tái bầu tiến sĩ Angela Merkel làm Thủ tướng Chính phủ. Đây là nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp của chính trị gia 59 tuổi thuộc đảng Liên minh dân chủ cơ đốc giáo (CDU). Tại Chile, bà Michelle Bachelet giành 62% số phiếu bầu để trở thành người phụ nữ đầu tiên tại Chile 2 lần đắc cử Tổng thống.

2- 2013 là một năm đầy bất ổn đối với Đông Bắc Á khi mâu thuẫn giữa các quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực được đẩy lên những nấc thang mới mà vấn đề chủ yếu liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và hạt nhân Triều Tiên. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã nóng lên sau khi các nước thành viên HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết 2087 lên án “vụ phóng vệ tinh” của Bình Nhưỡng hồi giữa tháng 12-2012. Sau đó, HĐBA đã tiếp tục thông qua Nghị quyết 2094 về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt tài chính chống Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng đã tiến hành thử hạt nhân lần thứ 3 (12-2). Vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông cũng thu hút nhiều sự chú ý của dư luận thế giới. Đáng chú ý, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.

3- Lần đầu tiên sau 17 năm, nhiều cơ quan liên bang Mỹ phải ngừng hoạt động khi Thượng viện và Hạ viện Mỹ không thể thống nhất vấn đề ngân sách cho chính phủ. Chỉ trong 16 ngày đóng cửa (từ ngày 1-10), nước Mỹ thiệt hại đến 24 tỷ USD. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay sau đó đã ký luật nâng trần nợ công và mở cửa chính phủ. Cũng vì thiếu tiền, ngày 3-12, Detroit chính thức trở thành thành phố lớn nhất của Mỹ phá sản. Quá trình phá sản được đặt dưới sự bảo vệ theo Chương 9, Luật Liên bang về phá sản của Mỹ.

Nợ 18 tỷ USD, Detroit, một trong những thành phố công nghiệp lớn của Mỹ, phải nộp đơn phá sản.

Nợ 18 tỷ USD, Detroit, một trong những thành phố công nghiệp lớn của Mỹ, phải nộp đơn phá sản.

4- Iran phát những tín hiệu lạc quan về chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Chỉ trong vài tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và nội các đã làm thay đổi bầu không khí bao trùm Iran, một quốc gia bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tháng 9, sau khi tỏ thiện ý muốn tăng cường thảo luận về chương trình hạt nhân tại Đại hội đồng LHQ, ông Rouhani đã thực hiện cuộc điện đàm lịch sử với Tổng thống Mỹ Obama, cuộc đàm thoại trực tiếp đầu tiên giữa một lãnh đạo Mỹ và người đồng cấp Iran trong suốt 3 thập niên. Tháng 11, Iran đã đi tới một thỏa thuận sơ bộ với nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) về kiểm soát chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt hàng tỷ USD.

5- Siêu bão Haiyan được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử nhân loại, có sức di chuyển nhanh hơn tốc độ của tàu hỏa siêu tốc đã tràn vào khu vực miền Trung Philippines ngày 8-11. Theo Hội đồng quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai quốc gia Philippines (NDRRMC), có 6.100 người đã thiệt mạng, 27.665 người bị thương và 1.779 người bị mất tích do bão Hayan. Ngoài ra, hơn 3,4 triệu gia đình với hơn 16 triệu thành viên bị ảnh hưởng, hơn 1,1 triệu ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hỏng. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 36,6 tỷ peso (825 triệu USD). Trong năm 2013, tổng số người thiệt mạng do thiên tai trên thế giới là 25.000 người và thiệt hại lên đến 130 tỷ USD.

Người dân Philippines vật lộn với cuộc sống sau bão Haiyan.

Người dân Philippines vật lộn với cuộc sống sau bão Haiyan.

6- Cựu nhân viên CIA Edward Snowden trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới bằng việc công bố về chương trình giám sát toàn cầu của Mỹ, khiến chính phủ Mỹ bẽ mặt với nhiều đồng minh. Theo tiết lộ của Snowden, toàn bộ hệ thống máy chủ của các tập đoàn truyền thông lớn như Verizon, Microsoft, Google, Facebook, Apple, Yahoo, PalTalk, Skype, YouTube… đã bị Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) Mỹ trực tiếp xâm nhập, kể cả công dân Mỹ và công dân các nước khác trên thế giới. Các cuộc điện thoại bị nghe trộm, tin nhắn, fax (kể cả đã mã hóa đều được khai thác; mạng Internet và thư điện tử bị lục soát; giao dịch ngân hàng bị kiểm soát… mọi thứ đều nằm trong tầm ngắm và không điều gì thoát khỏi sự giám sát đặc biệt của các cơ quan an ninh, tình báo Mỹ.

7- Thái Lan bị đẩy vào làn sóng bất ổn chính trị do phe đối lập phát động. Với mục tiêu lật đổ nữ Thủ tướng Yingluck Sinawatra và loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng chính trị của dòng họ “Shinawatra”, phe đối lập đã phát động các cuộc biểu tình trên diện rộng và tìm mọi cách lôi kéo sự tham gia của lực lượng quân đội nắm nhiều quyền lực. Cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc khi phe đối lập lại kêu gọi hoãn cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm 2014 để thực hiện kế hoạch cải cách của họ. Các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kêu gọi tất cả các bên liên quan cần thông qua giải pháp đối thoại và tham vấn với tinh thần hòa bình và dân chủ, đồng thời nhấn mạnh ổn định chính trị tại Thái Lan là cần thiết nhằm xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Chính trường Thái Lan tiếp tục gặp sóng gió trong năm 2013.

Chính trường Thái Lan tiếp tục gặp sóng gió trong năm 2013.

8- Thế giới chứng kiến sự ra đi của hai nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới. Người thứ nhất là cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, biểu tượng của tự do, đoàn kết dân tộc và lòng vị tha, qua đời ở tuổi 95 vào ngày 5-12 tại Johannesburg, Nam Phi, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh viêm phổi. Khoảng 60 nhà lãnh đạo và các ngôi sao nổi tiếng trên thế giới đã tới Nam Phi tham dự lễ tưởng niệm vĩnh biệt ông Mandela. Nhân vật thứ hai là Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, người bạn lớn của dân tộc Việt Nam, ngọn cờ đầu của cánh tả tại Mỹ Latinh với chính sách đưa Venezuela theo con đường xã hội chủ nghĩa. Ông Chavez qua đời vào ngày 6-3 sau thời gian mắc bệnh ung thư. Sự ra đi của hai nhân vật lừng danh đã để lại niềm tiếc thương không chỉ đối với Nam Phi hay Venezuela mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới.

9- Năm 2013 được coi là “năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin”. Không phải ngẫu nhiên khi tạp chí Forbes chọn ông là nhân vật có quyền lực nhất thế giới. Chính Tổng thống Putin đã kịp thời ngăn cuộc tấn công của Mỹ vào Syria khi ông thuyết phục Damascus chấp nhận tiêu hủy vũ khí hóa học. Ông chủ điện Kremlin còn được cả thế giới chú ý khi quyết định cho phép Edwards Snowden tị nạn tại Nga, tránh được lệnh truy nã của Mỹ. Tổng thống Nga cũng đã thành công khi đưa Ukraine vào tầm ảnh hưởng của mình với việc mua lại khoản nợ của Kiev và bán dầu khí giá rẻ cho nước này. Đổi lại, Ukraine từ chối “bắt tay” với EU.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych tại Mátxcơva.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych tại Mátxcơva.

10- Châu Phi năm 2013 lại nóng lên sau một thời gian tạm lắng với hàng loạt cuộc nội chiến đẫm máu ở Mali, Trung Phi và Nam Sudan làm hàng ngàn người chết. Nổi bật lên là sự can thiệp quân sự của Pháp tại Mali và Trung Phi, của Mỹ tại Nam Sudan. Năm 2013 cũng là năm trỗi dậy của các thế lực khủng bố cực đoan khắp châu Phi, trong đó có vụ tấn công cơ sở dầu khí và bắt cóc người nước ngoài tại Algeria đã cướp đi sinh mạng của 39 nạn nhân, đỉnh điểm là vụ tấn công đẫm máu tại trung tâm thương mại ở thủ đô Nairobi ở Kenya do nhóm al-Shabab của Somalia cầm đầu làm ít nhất 68 người thiệt mạng.

BAN QUỐC TẾ

Tin cùng chuyên mục