1. Năm 2012 được xem là năm đại bầu cử vì hàng loạt nước từ Tây sang Đông, trong đó có các nước lớn, tiến hành bầu cử nguyên thủ quốc gia cũng như quốc hội.
Bộ đôi quyền lực Putin - Medvedev của Nga (ảnh) đã đổi chỗ cho nhau trong cuộc bầu cử tháng 4 và ông Putin trở lại làm tổng thống nhiệm kỳ thứ 3. Tổng thống Mỹ Barack Obama tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2, trong một cuộc bầu cử tổng thống gay cấn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh dấu một cuộc chuyển giao thế hệ theo chu kỳ 10 năm, với việc ông Tập Cận Bình lên thay ông Hồ Cẩm Đào làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
2. Ngày 29-11, với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng, Đại hội đồng LHQ đã thông qua quy chế nhà nước quan sát viên của Palestine. Đây là một bước tiến của Chính phủ và nhân dân Palestine trên con đường đấu tranh lâu dài và gian khổ giành độc lập khỏi ách chiếm đóng của Israel cũng như khẳng định tên Nhà nước Palestine trên bản đồ thế giới. Đây cũng là một thất bại về mặt ngoại giao của Mỹ và Israel nhằm buộc Palestine phải chấp nhận những điều kiện của họ trước khi tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gọi đây là “giấy chứng thực cho sự tồn tại của Nhà nước Palestine”.
3. Tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã đẩy quan hệ 2 nước lên mức căng thẳng nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Triều Tiên. Với quyết định của Chính phủ Nhật Bản mua lại một số đảo trong quần đảo Senkaku, hàng loạt cuộc biểu tình chống Nhật đã diễn ra ở Trung Quốc, kèm theo cả bạo động nhắm vào các cơ sở của Nhật và tẩy chay hàng hóa Nhật. Chính phủ Trung Quốc đã trả đũa bằng cách liên tục cho tàu tuần tra và cả máy bay vào vùng biển và vùng trời tại khu vực tranh chấp với Nhật Bản. Cùng lúc, Trung Quốc cũng có nhiều hành động leo thang gây căng thẳng vùng biển Đông với ý đồ biến biển Đông thành vùng biển của riêng Trung Quốc, làm cho quan hệ ASEAN- Trung Quốc xấu đi.
4. Sau khi Trung Quốc có nhiều hành động gây căng thẳng ở vùng biển Đông Á, Mỹ chính thức tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược đối ngoại, kinh tế và quân sự về khu vực này. Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta vào tháng 6 khẳng định đến năm 2020 Mỹ sẽ đưa 60% sức mạnh quân sự đến châu Á - Thái Bình Dương.
5. Kinh tế châu Âu kết thúc một năm 2012 với một số tín hiệu tích cực khi các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận về giám sát ngân hàng và một gói cứu trợ kinh tế cho Hy Lạp. Đây được xem là những thỏa thuận hết sức quan trọng góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Giám sát các ngân hàng giúp tái thiết hệ thống ngân hàng yếu kém của EU, tránh không để xảy ra rối loạn tài chính trong tương lai, trong khi nguy cơ Hy Lạp rời khỏi khối đang giảm đi rõ rệt.
6. Sau nhiều năm đàm phán tìm kiếm một thỏa thuận cắt giảm khí thải gây biến đổi khí hậu để thay Nghị định thư Kyoto không thành, gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị khí hậu LHQ tổ chức tại Doha tháng 12 đã quyết định tiếp tục gia hạn Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đến hết năm 2020 thay vì hết năm nay như dự kiến. Kết quả trên dù được xem là bước đi quan trọng nhưng cũng chỉ nhằm mục đích kéo dài thời gian đàm phán về một thỏa thuận quốc tế mới của LHQ, hy vọng sẽ được thông qua vào năm 2015 để cứu ngôi nhà chung của nhân loại.
7. Đầu tháng 9, cơn thịnh nộ của thế giới Hồi giáo đối với nước Mỹ đã lan nhanh trên toàn thế giới sau khi bộ phim Sự ngây thơ của người Hồi giáo của một đạo diễn người Mỹ được công chiếu, trong đó mô tả đạo Hồi như căn bệnh ung thư. Các cuộc biểu tình, bạo loạn chống Mỹ (ảnh) diễn ra từ Libya đến Ai Cập, Sudan, Ấn Độ, Indonesia, Australia dẫn đến vụ tấn công cơ quan lãnh sự Mỹ tại thành phố Benghazi của Libya và giết chết đại sứ Mỹ tại nước này… Trước đó, vụ phát hiện một bản kinh Koran bị đốt cháy vứt trong thùng rác tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Bagram, Afghanistan đã thổi bùng lên làn sóng bạo lực chống Mỹ chưa từng thấy ở Afghanistan, Pakistan và Indonesia.
8. Nước Mỹ đã từng phóng tàu thăm dò lên sao Hỏa, nhưng chưa một dự án nào có quy mô lớn và tham vọng bằng Curiosity, một con tàu có kích cỡ chỉ bằng chiếc xe SUV nhưng trị giá tới 2,5 tỷ USD (ảnh). Curiosity đã hạ cánh thành công xuống hố sâu khổng lồ Gale Crater trên sao Hỏa hồi tháng 8 và đã chụp được nhiều bức hình đáng giá về sao Hỏa, lấy được mẫu đất đầu tiên để phân tích, di chuyển tự hành và sắp tới sẽ khoan đá sao Hỏa để nghiên cứu. Dự án này có thời hạn chính thức trong 2 năm và kỳ vọng sẽ tìm ra dấu vết của sự sống vi sinh trên hành tinh Đỏ.
9. Sau thảm họa động đất gây sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, năm 2012, thế giới lại phải chứng kiến những mất mát đau thương khi siêu bão Sandy đổ vào các nước Trung Mỹ và các bang miền Đông nước Mỹ vào cuối tháng 10 cướp sinh mạng gần 170 người; Bopha tàn phá Philippines và đầu tháng 12 làm hơn 1.000 người thiệt mạng hay trận động đất tại Iran (tháng 8) với 180 nạn nhân. Ngoài thiệt hại về người, Sandy khiến kinh tế Mỹ mất khoảng 50 tỷ USD, trong khi 80 triệu USD của Philippines trôi theo bão Bopha.
10. CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên thực hiện thành công vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 thế hệ thứ hai lên quỹ đạo từ Trung tâm không gian Sohae vào ngày 12-12. Dù bị nhiều quốc gia chỉ trích vi phạm nghị quyết của LHQ nhưng thành công này là cột mốc quan trọng trong bối cảnh Triều Tiên đang nỗ lực phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế đất nước, củng cố mục tiêu trở thành một cường quốc vũ trụ. Trước đó, vụ phóng tên lửa tầm xa hồi tháng 4 của Triều Tiên đã thất bại.