
Đối với những ai đã tham gia cuộc Cách mạng Tháng Tám, những ai đã hiểu về cuộc Cách mạng Tháng Tám, thì ăn sâu vào tâm khảm của mình là bóng cờ chung của toàn dân Việt Nam, là cờ đỏ sao vàng, cờ của Mặt trận Việt Minh, rồi trở thành Quốc kỳ. Lá cờ sao vàng trên nền xanh đỏ là lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã ra đời ngày 20-12-1960 trong một tình thế đặc biệt và có ý nghĩa lịch sử rất đặc biệt.

Hội nghị hiệp thương giữa Mặt trận DTGPMNVN và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (1969).
Hội nghị quốc tế ở Geneve họp từ 8-5 đến 21-7-1954, đã thông qua một Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết ngày 20-7-1954 giữa đại diện Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam và đại diện Bộ Tổng Tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương, với 6 chương, 47 điều, trong đó có quy định quân Pháp rút khỏi Việt Nam, vạch giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 (sông Hiền Lương, Quảng Trị) và ấn định một cuộc tổng tuyển cử tự do được tổ chức vào tháng 7-1956 để thống nhất đất nước Việt Nam.
Sau khi Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt quân Đức và quân Nhật, cứu loài người khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít, uy tín của Liên Xô xã hội chủ nghĩa nổi bật trên thế giới. Mỹ lo sợ nên đã đề ra và thực hiện một chiến lược toàn cầu nhằm ngăn chặn làn sóng đó.
Ở Việt Nam, sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám với sự ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mà Mỹ biết rõ là sẽ tiến lên theo con đường cách mạng vô sản, nên đã giúp thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam. Nhưng Pháp đã thua.
Miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng và từng bước đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Coi Việt Nam là tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam á, đế quốc Mỹ thay chân Pháp xâm chiếm miền Nam để tiến tới xâm chiếm cả miền Bắc. Ngay từ ngày 18-6-1954, lúc Thủ tướng Mandès France lên cầm quyền ở Pháp, Mỹ đã buộc Pháp ép Bảo Đại (Quốc trưởng) đưa Ngô Đình Diệm thay Bửu Lộc làm thủ tướng (7-1954) đứng đầu một nội các thân Mỹ. Diệm đã sang Mỹ từ năm 1950, được đào tạo ở các chủng viện, ở Đại học Michigan.
Năm 1955, Mỹ đã cho thực hiện cuộc “trưng cầu dân ý” giả hiệu lật đổ Bảo Đại để Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống của chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên. Dự hội nghị ở Geneve, Mỹ đã không ký vào Bản Tuyên bố chung là để tránh không bị pháp lý quốc tế ràng buộc. Mỹ đã đánh bóng cho Diệm nổi lên như là một bậc chí sĩ.
Mỹ giúp Diệm giương chiêu bài “đả thực” (gạt Pháp) và “bài phong” (gạt bỏ Bảo Đại), khoa trương chính nghĩa quốc gia về độc lập dân chủ và chủ trương chống cộng vì cộng sản Việt Nam là tay sai của Nga Xô - Trung Cộng. Mỹ trang bị cho Diệm triết lý duy linh (gán ghép đạo Thiên Chúa với đạo Nho), lập đảng Cần Lao nhân vị để lãnh đạo một mặt trận quốc gia chống cộng. Mỹ đóng vai trò là bạn đồng minh.
Nền kinh tế miền Nam Việt Nam được Mỹ viện trợ, tăng trưởng mạnh. Đồng tiền và giá cả ổn định, sản xuất công nông nghiệp, nội ngoại thương phát triển. Mỹ cố đạt tham vọng biến miền Nam Việt Nam thành tủ kính trưng bày sự phồn vinh và tự do kiểu Mỹ ở Đông Nam á.
Sau tháng 7-1954 đến cuối năm 1956, phong trào đấu tranh chính trị đòi thực hiện tổng tuyển cử theo Hiệp định Geneve phát triển sôi nổi. Nhưng từ 1957 về sau, Mỹ Diệm đã tập trung sức đàn áp rất quyết liệt. Chúng thực hiện “tát cạn nước đế bắt cá”, gom dân vào các khu dinh điền, khu trù mật, ấp chiến lược để cho cán bộ đảng viên của Đảng không có chỗ dựa vào dân.
Chúng loại cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, coi những người yêu nước đều là cộng sản, đưa máy chém đi khắp nơi. Lực lượng Đảng và cơ sở quần chúng cách mạng bị tổn thất rất nặng nề. Số tồn tại được thì hoặc tránh chạy vào vùng rừng núi, hoặc tạo được những hình thức chiến đấu tự vệ, nghi trang bằng tổ chức chống trộm cướp, hoặc khi địch càn quét thì tản cư ngược vào vùng đô thị tố cáo việc làm sai trái với “chính nghĩa quốc gia về tự do dân chủ”.
Một số nơi đã xuất hiện những trận đánh bằng lực lượng vũ trang. Khi có Nghị quyết Trung ương 15 của Đảng thì khắp nơi ở miền Nam có những cuộc nổi dậy đồng khởi làm tan rã chính quyền xã ấp thực hiện tự quản. Vùng giải phóng mở rộng ở vùng rừng núi và nông thôn miền Nam. Phong trào chống Mỹ Diệm ở đô thị cũng sôi nổi hẳn lên.
Trong bối cảnh đặc biệt như trên, ngày 20-12-l960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã ra đời do luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một nhà yêu nước nổi tiếng làm Chủ tịch.
Mặt trận công bố chương trình 10 điểm:
1/ Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh dân tộc dân chủ.
2/ Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ.
3/ Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, thực hiện cải thiện dân sinh.
4/ Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, làm cho người cày có ruộng.
5/ Xây dựng nền văn hóa giáo dục dân tộc dân chủ.
6/ Xây dựng một quân đội bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
7/ Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, bảo hộ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều và kiều bào.
8/ Thực hiện chính sách hòa bình trung lập.
9/ Lập lại quan hệ bình thường giữa 2 miền tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
10/ Chống chiến tranh xâm lược, tích cực bảo vệ hòa bình thế giới.
Cùng với chương trình 10 điểm, Mặt trận có cờ “Sao vàng trên nền xanh đỏ”, có bài hát “Giải phóng miền Nam”, có cơ quan thông tấn xã giải phóng, đài phát thanh giải phóng, báo giải phóng… các đoàn thể giải phóng và quân giải phóng miền Nam.
Ngày 20-4-1968, Mặt trận được bổ sung mở rộng thêm với Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch.
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đã phát huy tác dụng vô cùng to lớn, có ý nghĩa lịch sử đặc biệt trên nhiều mặt.
Trước hết, Mặt trận đã phát huy và quy tụ được lòng yêu nước, khơi dậy hồn nước, trân trọng từng tấm lòng, từng hành vi có lợi cho sự nghiệp giải phóng miền Nam của từng người.
Hai là, Mặt trận ra đời tạo được thế mạnh cho việc hiệu triệu quần chúng rộng rãi đứng lên chống Mỹ và tay sai. Thế mạnh cho việc hiệu triệu không chỉ với nội dung chương trình hành động mà còn có vai trò của các vị lãnh đạo Mặt trận là những vị có uy tín lớn đối với nhân dân.
Ba là, Mặt trận đã đảm trách được chức năng quản lý nhà nước, liên kết các vùng giải phóng khắp miền Nam thành một địa bàn thống nhất làm căn cứ tại chỗ cho cách mạng miền Nam, tạo thế cho phong trào đấu tranh chính trị vũ trang binh vận của nhân dân các đô thị trong đó có thủ đô Sài Gòn.
Bốn là, Mặt trận đã mở rộng vai trò đại diện cho phong trào cách mạng miền Nam ra các nước trên thế giới, góp phần hình thành một Mặt trận của nhân dân và các chính phủ tiến bộ trên thế giới, đồng tình ủng hộ nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Năm là, Mặt trận với tổ chức Chính phủ cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, đã thành một thành viên chính trong cuộc hội đàm quốc tế ở Paris mà Mỹ không thể không công nhận.
Sáu là, cùng với cuộc tổng tiến công của quân chủ lực, cuộc nổi dậy của nhân dân miền Nam dưới ngọn cờ của Mặt trận đã đưa chiến dịch Hồ Chí Minh đến thắng lợi hoàn toàn, đã giải phóng Sài Gòn với cơ sở vật chất gần như nguyên vẹn.
Bảy là, với ngọn cờ của Mặt trận, Đảng đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng miền Nam một cách xuất sắc, vừa phát huy được sức mạnh quyết định nhất của miền Bắc, vừa phát huy được sức mạnh quyết định trực tiếp của miền Nam, vừa kết hợp được sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc với sức mạnh của thời đại để đánh thắng kẻ thù xâm lược hùng mạnh, đầy mưu lược thâm độc là Mỹ, một đế quốc siêu cường.
Với ngọn cờ của Mặt trận, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai không có lý do để cho rằng miền Bắc xâm lược miền Nam, vi phạm hiệp định quốc tế mà phải chính thức thừa nhận đó là ngọn cờ cách mạng của nhân dân miền Nam. Đối với nhân dân miền Nam thì coi ngọn cờ của Mặt trận là một dạng nghi trang cho cờ đỏ sao vàng gắn với Đảng và Bác Hồ. Sau ngày giải phóng năm 1975, cờ đỏ sao vàng, ngọn cờ của Cách mạng Tháng Tám, tiêu biểu cho khát vọng về độc lập thống nhất, tự do, hạnh phúc của dân tộc đã phất phới tung bay trong cả nước.
ôn lại 15 năm chung một bóng cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với những thắng lợi to lớn đã giành được, chúng ta rất tự hào với nhân dân ta, với Đảng ta về ý thức đại đoàn kết, về phát huy trí tuệ mưu lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đọc Tuyên ngôn tại Đại hội MTDTGPMNVN lần thứ nhất (1962).
Trần Trọng Tân