* 15 năm nữa, du lịch Việt Nam đuổi kịp du lịch Thái Lan
ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nêu vấn đề: Kỳ Quốc hội trước, có ĐBQH đã chất vấn Bộ trưởng Bô VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh rằng bao giờ du lịch Việt Nam theo kịp Thái Lan và các nước trong khu vực, Bộ trưởng đã nói câu hỏi này xin chuyển Bộ trưởng kế nhiệm trả lời. Nay Bộ trưởng đã có thể trả lời chưa?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, ông luôn trăn trở để trả lời câu hỏi này thế nào. Khoảng cách khách du khác quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan, còn khá xa. Nhưng đáng mừng là lượng khách đến Việt Nam đã tăng cao hơn, cùng với đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách để đẩy nhanh phát triển du lịch.
Bộ trưởng cho biết, Thái Lan hơn ta về hạ tầng du lịch, chính sách ưu tiên cho du lịch, nhưng ta mạnh hơn về bảo đảm an ninh... Xét về tổng thể thì khả năng phát triển du lịch của Việt Nam và Thái Lan là tương đương. Nếu trong những năm tới, Việt Nam có thể tăng 20-25% và Thái Lan thì vẫn tăng 7% như hiện nay thì khoảng 15 năm nữa, Việt Nam và Thái Lan sẽ “gặp nhau”. Như vậy, Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều, từ 10-15 năm nữa mới đuổi kịp du lịch Thái Lan, Malsaysia.
Theo chương trình kỳ, nửa đầu buổi sáng ngày 14-6, Bộ trưởng Bộ VH-TT và DL Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Dự kiến, Bộ trưởng tiếp tục trả lời đến 10 giờ.
ĐB Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) chất vấn: Những vụ việc vừa qua liên quan đến cán bộ của bộ, Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm, nhưng Bộ trưởng đã có thanh kiểm tra năng lực của các cán bộ này chưa? Khi Thủ tướng điện thoại yêu cầu cho thôi chức Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn, Bộ trưởng đã cho điều chuyển về Văn phòng bộ, đó là do Bộ trưởng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng hay do bản thân vị Cục trưởng này có vi phạm, khuyết điểm?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện không đi vào trực tiếp câu hỏi mà chỉ cho biết, bộ đã rà soát lại để ai sai đến đâu xử lý đến đó. Tinh thần của bộ là rất cầu thị, xử lý nghiêm, tiếp thu ý kiến xã hội để chấn chỉnh những sai sót.
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng cho rằng, dư luận rất quan tâm đến những vụ việc vừa qua của ngành VH-TT&DL. Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo, như Thủ tướng chỉ đạo về vụ Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo vụ ở Tổng Cục Du lịch, chấn chỉnh tour du lịch 0 đồng...
Bộ trưởng thừa nhận đúng là có chậm. “Chúng tôi xin tiếp thu, thời gian tới sẽ rút kinh nghiệm, phản ứng nhanh hơn đối với các vụ việc nóng”, ông Thiện nói.
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) chất vấn về việc cấm các dịch vụ sau 0 giờ, phải chăng vẫn tư duy không quản được thì cấm? Về vấn đề này Bộ trưởng xin “khất”, hẹn trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, ĐB Tuấn đề nghị: chỉ cần Bộ trưởng trả lời là có hay không?. Đáp lời, Bộ trưởng khẳng định không phải không quản được thì cấm, mà luôn tìm ra cách quản lý cho phù hợp với thực tiễn.
* ĐBQH "truy" Bộ trưởng về cách quản lý các bài hát trước 1975
Bộ trưởng cho biết, sau những vụ việc xảy ra vừa qua liên quan đến việc cấp phép, bộ đã cho rà soát lại tất cả những thủ tục cấp phép, những quy định của pháp luật trong vấn đề này. Tinh thần giảm, hạn chế, chấm dứt việc xin-cho, tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Bộ sẽ phải tìm một cách quản lý phù hợp với thực tế hiện nay cũng như hòa nhập quốc tế. Còn cách nào thì bộ sẽ thống nhất và báo cáo ĐB sau.
Tuy nhiên, ĐB Trương Trọng Nghĩa tranh luận lại: Chúng ta đã hòa bình, thống nhất đất nước hơn 40 năm rồi. Việc quản lý các bài hát trước năm 1975 là rất quan trọng, để đáp ứng nhu cầu văn hóa văn nghệ của người dân. Đến nay Bộ trưởng mới nói "đang tìm giải pháp".
“Tôi thông cảm Bộ trưởng mới nhậm chức, nhưng đề nghị Bộ trưởng lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các văn nghệ sĩ để sớm tìm ra cách quản lý hợp lý nhất”, ông Nghĩa nói.
ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cũng đồng ý với ý kiến của ĐB Trương Trọng Nghĩa, thay vì cấp phép thì chỉ cần lên danh mục những bài hát bị cấm lưu hành. “Chứ Bộ trưởng vẫn mới chỉ nói sẽ rà soát, không rõ giải pháp thế nào cả. Nghị định của Chính phủ quy định trách nhiệm của nghệ sĩ là chỉ biểu diễn những tác phẩm đã được cấp phép, như vậy là không khả thi. Phải sửa. Vì không thể nào cứ loay hoay mãi chuyện cấp phép, mà Bộ cũng không thể cấp phép hàng ngàn hàng ngàn tác phẩm được”, ĐB Thân thẳng thắn.
ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) cũng cho rằng, việc cấp phép các bài hát vừa qua gây phản ứng trong dư luận được Bộ trưởng lý giải là có sự nhầm lẫn trong việc cập nhật lên trang web. Nhưng Chính phủ đã có 2 nghị định liên quan đến việc cấp phép các tác phẩm, trong đó có các tác phẩm trước năm 1975 và do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác.
* Không có chuyện thi người đẹp trong hang động Quảng Bình
Đáng chú ý, chiều 13-6, ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) chất vấn Bộ trưởng về thông tin thi người đẹp trong hang Sơn Đoòng (Quảng Bình). Bộ trưởng cho biết thông tin này đã lâu và UBND tỉnh Quảng Bình đã không đồng ý. Chuyện này đến nay Bộ trưởng chưa nghe lại.
Sáng 14-6, ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trường đoàn ĐBQH Quảng Bình đã giơ bảng tranh luận lại ý kiến của ĐB Vũ Thị Nguyệt. ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho biết, cách đây vài tháng, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới đến Quảng Bình đặt vấn đề tổ chức, một doanh nghiệp đặt vấn đề thi người đẹp ở hang Thiên Đường nhưng tỉnh không đồng ý.
* Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chính phủ không để Đà Nẵng tự quyết về Sơn Trà
Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã điều hành dành 3 phút cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời tranh luận của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) về quy hoạch Sơn Trà.
Theo đó, chiều 13-6, sau phần giải trình của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói: Sơn Trà không phải chỉ là vấn đề của người dân Đà Nẵng, vì thế khi có vấn đề thì Chính phủ phải vào cuộc. Không thể đặt vấn đề giao cho Đà Nẵng quyết. Cần thì phải lấy ý kiến rộng rãi hơn.
"Sơn Trà cũng như Sơn Đoòng, Cát Bà, Hạ Long, Phú Quốc... là di sản chung của cả nước, cha ông chúng ta đã mất bao nhiêu xương máu để bảo vệ, chúng ta cũng phải bảo vệ để cho con cháu mai sau. Cá nhân tôi cho rằng 300 phòng ở Sơn Trà đã là nhiều, vì thành phố Đà Nẵng hiện nay có quá nhiều cơ sở lưu trú, từ trung tâm thành phố Đà Nẵng lên Sơn Trà mất rất ít thời gian", ĐB Nghĩa nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa: "Cá nhân tôi cho rằng 300 phòng ở Sơn Trà đã là nhiều, vì thành phố Đà Nẵng hiện nay có quá nhiều cơ sở lưu trú". | Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Nếu thế thì đã không có chuyện làm quy hoạch Sơn Trà hay bàn con số 300 hay 1.600 phòng mà sẽ để cho Đà Nẵng làm”. |
"Sơn Trà là của Đà Nẵng, nên Đà Nẵng cần chủ động hơn, cần có sự thống nhất trong Đảng bộ chính quyền Đà Nẵng, sự đồng thuận của Nhân dân Đà Nẵng. Tất cả chúng ta, người dân Việt Nam đều yêu mến, hy sinh để bảo vệ Sơn Trà, nhân dân Đà Nẵng cũng thế. Nhân dân Đà Nẵng có đầy đủ trí tuệ để đóng góp với Chính phủ bảo vệ Sơn Trà tốt hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Vẫn theo Phó Thủ tướng, trước đây chưa có quy hoạch thì Đà Nẵng đã theo thẩm quyền để cấp phép dự án, nhưng nay có quy hoạch rồi thì việc thực hiện quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư. Như vậy thì Đà Nẵng phải chủ động để làm việc với các nhà đầu tư. Bây giờ giữ quy mô ở mức nào, 300 phòng hay mức bao nhiêu thì Đà Nẵng cũng cần làm việc với các nhà đầu tư, bởi các quyết định sau này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thì chúng ta phải có giải pháp bảo đảm quyền lợi của họ.
“Dù với quyết định thế nào thì chúng ta vẫn phải bảo đảm phát riển bền vững, bảo vệ Sơn Trà”, Phó Thủ tướng chốt lại.