16 tuyến đường văn minh đô thị ở TPHCM vẫn còn ngổn ngang

Kế hoạch xây dựng 16 tuyến đường văn minh đô thị (VMĐT) tại TPHCM (giai đoạn 2013 - 2015) được Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của TPHCM tổ chức triển khai từ ngày 18-10-2013.
16 tuyến đường văn minh đô thị ở TPHCM vẫn còn ngổn ngang

Kế hoạch xây dựng 16 tuyến đường văn minh đô thị (VMĐT) tại TPHCM (giai đoạn 2013 - 2015) được Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của TPHCM tổ chức triển khai từ ngày 18-10-2013.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, TPHCM sẽ tổng kết đánh giá và nhân rộng mô­ hình này. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, vẫn chưa chuyển biến rõ về VMĐT tại các tuyến đường này.

Các quán nhậu bày bàn ghế chiếm trọn vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng (Bình Thạnh).

Đường phố vẫn bị chiếm dụng

3 nội dung được triển khai trong kế hoạch xây dựng các tuyến đường VMĐT là chấp hành pháp luật về trật tự đô thị; xây dựng mỹ quan đường phố, nếp sống văn minh đô thị; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Nhưng điểm lại 16 tuyến đường VMĐT ở 10 quận (có những tuyến đường do 2 đến 3 quận quản lý), có thể thấy 3 nội dung trên vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Tại các tuyến đường VMĐT ở quận 1 như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ, có thể nói quận 1 đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện phong trào này, dù vậy vẫn còn nhiều nơi chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh. Quận 5 đăng ký 3 đoạn đường phức tạp nhất trên địa bàn như Nguyễn Trãi (khu vực phường 2, 3, 7 và 8); Nguyễn Chí Thanh (trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy, thuộc phường 12); An Dương Vương (trước cổng ĐH Sư phạm TPHCM và ĐH Sài Gòn thuộc phường 3, 4). Tại các điểm này vẫn còn tình trạng hàng rong tràn xuống đường bày bán, gây cản trở giao thông. Đặc biệt, trên tuyến đường Nguyễn Trãi, nơi lâu nay đã biến thành “chợ đêm tự phát”, thì hàng rong vẫn bủa vây toàn bộ vỉa hè và một phần lòng đường.  

Đáng nói nhất là tuyến đường Phạm Văn Đồng (qua địa bàn các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức), dù mới được thông xe chưa lâu nhưng các quận vẫn bó tay, khó xây dựng tuyến đường VMĐT do tốc độ hình thành các quán nhậu quá nhanh. Ở tuyến đường này, khoảng 16 giờ, các quán nhậu đã bắt đầu hoạt động, đến 18 giờ thì đồng loạt bày bàn ghế ra chiếm dụng toàn bộ vỉa hè, còn xe cộ đậu xuống lòng đường khiến con đường đẹp nhất TPHCM nhanh chóng trở lên kém văn minh và thiếu an toàn. Chị Nguyễn Thị Thoa (ngụ tại đường Phạm Văn Đồng) cho biết: “Tối đến, người dân muốn dạo bộ hóng mát trên phố cũng không dám. Vỉa hè thì quán nhậu chiếm dụng bày bàn ghế, lòng đường thành chỗ đậu xe, người tỉnh ít, người say nhiều, nhậu vào lại phóng xe bạt mạng nên chúng tôi không dám đi bộ nữa. Thật là uổng khi con đường rộng rãi, đẹp đến thế mà nhìn đâu cũng thấy bất an”. Ông Vũ Tấn Tài bức xúc: “Có điều kỳ lạ là những quán nhậu này luôn biết trước thời điểm tổ công tác đi kiểm tra để thu dọn bàn ghế trước, chờ đoàn đi qua xong là dọn ra bán tiếp. Phải chăng có người thông tin trước lịch trình của đoàn kiểm tra?”.

Chưa có giải pháp căn cơ

Dù đã có chế tài là xử phạt hành chính và chính quyền các quận, phường đều xây dựng kế hoạch ra quân liên tục để chấn chỉnh những điểm thường xuyên bị người dân chiếm dụng nhưng theo lãnh đạo các quận, đây chỉ là những biện pháp tình thế. Thói quen buôn bán trên vỉa hè của người dân đã được hình thành từ nhiều năm, qua nhiều thế hệ nên rất khó thay đổi. Đó còn là kế sinh nhai chính của cả gia đình nên họ kiên quyết bám trụ, vì vậy chính quyền địa phương có tuyên truyền, nhắc nhở, phạt hành chính... cũng không có tác dụng nhiều, chỉ sơ hở là hàng rong lại kéo xuống đường.

Theo ông Tôn Văn Thêm, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 5, ngoài những đợt ra quân đồng bộ vào tháng 5, 6 và 11 vừa qua, địa phương vẫn tổ chức trực chốt theo kế hoạch tuần. Tính đến thời điểm này, các đoạn đường trên đã có chuyển biến nhưng chưa ổn định. Tuyến đường Nguyễn Trãi đã hạn chế tình trạng bày bán hàng hóa lấn chiếm lòng đường, nhiều hộ có ý thức hơn khi sắp xếp hàng hóa gọn gàng trên vỉa hè. Trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy cũng ổn định hơn trước vì quận đã quy hoạch vỉa hè thành nơi giữ xe của đội Thanh niên xung phong, vừa giảm tình trạng thiếu bãi giữ xe trong bệnh viện, vừa hạn chế hàng rong lấn chiếm buôn bán. Còn trước cổng Trường ĐH Sư phạm TPHCM và ĐH Sài Gòn, phường 3 và 4 cũng liên kết, tăng cường kiểm tra xử lý và thường xuyên trực chốt tại đây. “Để đạt được yêu cầu của TP về tuyến đường VMĐT thì phải có giải pháp căn cơ, như giải quyết nhu cầu lao động và việc làm cho người dân” - ông Thêm chia sẻ.

PV Báo SGGP đã nhiều lần liên hệ với UBND quận Bình Thạnh để xin thông tin về kế hoạch chấn chỉnh tuyến đường Phạm Văn Đồng (đoạn thuộc phường 11, 13) nhằm cung cấp thông tin cho bạn đọc, nhưng không được lãnh đạo quận tiếp. Trong suốt 2 tuần qua, chúng tôi trực tiếp tới UBND quận thì được thông báo lãnh đạo đi họp, liên hệ với Chánh văn phòng để xin sắp lịch thì được yêu cầu gửi văn bản nội dung cần trao đổi bằng thư điện tử. Cho đến nay, sau gần 2 tuần gửi văn bản, chúng tôi vẫn không nhận được hồi âm từ phía quận Bình Thạnh, tiếp tục liên hệ qua điện thoại chỉ nhận được lời hứa “sẽ xem xét để trả lời”!? Đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo quận Bình Thạnh “né” tiếp xúc phóng viên các cơ quan báo chí.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục