17/18 ủy viên Bộ Chính trị tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Danh sách chính thức 205 người của các cơ quan Trung ương ứng cử ĐBQH vừa được thông qua không có gì thay đổi so với danh sách lập sơ bộ sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai.

Trưa 16-4, tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, các đại biểu đã biểu quyết đồng ý danh sách 205 người của các cơ quan Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XV.

Như vậy, danh sách chính thức 205 người của các cơ quan Trung ương ứng cử ĐBQH vừa được thông qua không có gì thay đổi so với danh sách lập sơ bộ sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai.

205 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH ở Trung ương có 46 người là nữ (22,43%); dân tộc thiểu số có 20 người (9,7%); ngoài Đảng có 4 người (1,9%); tái cử có 100 người (48,78%); trẻ tuổi có 5 người (2,43%); giáo sư, phó giáo sư có 16 người (7,8%); tiến sĩ có 63 người (30,7%); thạc sĩ có 94 người (45,85%); đại học và tương đương đại học có 32 người  (15,6%).

17/18 ủy viên Bộ Chính trị tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ảnh 1 Biếu quyết đồng ý thông qua danh sách 205 người của các cơ quan Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XV. Ảnh: VIẾT CHUNG

Cơ cấu, thành phần, số lượng người được phân bổ ở từng cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương cụ thể là: các cơ quan Đảng có 11 đại biểu; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước có 3 đại biểu; các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương) có 130 đại biểu; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) có 15 đại biểu; Lực lượng vũ trang có 14 đại biểu; Tòa án nhân dân tối cao có 1 đại biểu; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có 1 đại biểu; Kiểm toán Nhà nước có 1 đại biểu; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có 29 đại biểu.

Cụ thể:     

- Khối các cơ quan Đảng có 11 đồng chí ứng cử gồm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Chánh Văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.

- Khối cơ quan Chủ tịch nước có 3 ứng cử viên, gồm: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải.

- Khối Quốc hội có 130 người ứng cử, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Phó Chủ tịch Quốc hội: Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Khắc Định Nguyễn Đức Hải.

Đáng chú ý, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đương nhiệm, Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến không tái cử; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt ứng cử ở khối Mặt trận.

Khối Quốc hội có các ứng cử viên mới như Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Thượng tướng Trần Quang Phương; Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Trung tướng Trần Hồng Minh; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường.

Khối Quốc hội có 61 ĐBQH tái cử, 27 ứng cử viên được giới thiệu từ các cơ quan của Quốc hội, gần 20 ứng cử viên từ các bộ, ngành chuyển sang, số còn lại là từ các đoàn thể, cơ quan Đảng và địa phương.
17/18 ủy viên Bộ Chính trị tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ảnh 2 Biểu quyết đồng ý thông qua danh sách 205 người của các cơ quan Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XV. Ảnh: VIẾT CHUNG

- Khối Chính phủ có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; các Bộ trưởng: Nguyễn Hồng Diên (Bộ Công thương), Đào Ngọc Dung (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Nguyễn Chí Dũng (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), Phan Văn Giang (Bộ Quốc phòng), Lê Minh Hoan (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Nguyễn Văn Hùng (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Tô Lâm (Bộ Công an), Lê Thành Long (Bộ Tư pháp), Nguyễn Thanh Long (Bộ Y tế), Hồ Đức Phớc (Bộ Tài chính), Bùi Thanh Sơn (Bộ Ngoại giao), Nguyễn Kim Sơn (Bộ Giáo dục - Đào tạo), Phạm Thị Thanh Trà (Bộ Nội vụ).

Có 17/18 ủy viên Bộ Chính trị tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV (chỉ có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên không tham gia ứng cử ĐBQH khóa mới).

- Khối Mặt trận có 29 ứng cử viên, trong đó có một số thành viên Đoàn Chủ tịch, lãnh đạo các đoàn thể, hiệp hội và cá nhân tiêu biểu; có nhiều ĐBQH khóa XIV tái cử như: Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), Vũ Trọng Kim (Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong), Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch VCCI), Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa), Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam); 2 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV ứng cử khối mặt trận là Phan Xuân Dũng (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Võ Trọng Việt (Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam).

Trong số 205 người được các cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử có 4 người ngoài Đảng, là các ông: Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa); Nguyễn Tiến Thiện (Thượng tọa Thích Đức Thiện, Hội đồng Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam); Nguyễn Văn Riễn (linh mục, Nhà thờ Thánh Giuse, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương); Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

Sau khi kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, theo số liệu của Hội đồng Bầu cử quốc gia, tổng số người được lập danh sách sơ bộ ứng cử ĐBQH cả Trung ương và địa phương là 1.093 (trong đó Trung ương là 205 người, địa phương là 888 người, trong đó có 75 người tự ứng cử), đạt tỷ lệ 2,19 người ứng cử/1 đại biểu được bầu (khóa XIV tỷ lệ là 2,29, khóa XIII tỷ lệ là 2,17).

Tin cùng chuyên mục