Trong ngày 11-9, Tổng thống Joe Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden đi thăm 3 địa điểm bị tấn công: New York, Lầu Năm Góc và một cánh đồng ở bang Pennsylvania. Phát biểu tại Nhà Trắng trước khi thực hiện chuyến thăm, Tổng thống Joe Biden kêu gọi người dân thể hiện tình đoàn kết, điều mà ông cho là sức mạnh lớn nhất của nước này. Tại thành phố New York, Đài tưởng niệm và Bảo tàng 11-9 tổ chức một buổi lễ, trong đó tên của tất cả nạn nhân được xướng lên.
Sự kiện 11-9 là cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhất trên đất Mỹ, châm ngòi cho các cuộc chiến tranh quốc tế ở Afghanistan và Iraq. Nước Mỹ cũng thành lập Bộ An ninh nội địa Mỹ và từ đó theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố dai dẳng tại Afghanistan để truy lùng các chiến binh Al-Qaeda. 20 năm sau sự kiện 11-9, cuộc chiến mới kết thúc. Vào ngày 31-8-2021, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden hoàn tất việc rút toàn bộ quân khỏi khu vực.
Một trong những “di sản” đáng buồn nhất của sự kiện 11-9 là ngày càng có nhiều người bị bệnh và tử vong vì tiếp xúc với bụi và các chất ô nhiễm độc hại ở Ground Zero (khu vực hai tòa tháp sập) và các khu vực lân cận phía Nam Manhattan.
Ít nhất 80.000 người tại Ground Zero và khoảng 400.000 người đang sống, làm việc và học tập ở phía Nam Manhattan, đã hít thở bầu không khí độc hại này. John Feal, một công nhân xây dựng tham gia dọn dẹp Ground Zero, cho biết đã dự hơn 180 đám tang kể từ ngày 11-9, một phần nhỏ trong số hơn 2.000 người và có thể tới 5.000 người đã chết vì ung thư gan, đại trực tràng và các bệnh liên quan khác. Cho đến tận ngày hôm nay, hơn 13.300 người cũng đang được điều trị ung thư do ảnh hưởng từ vụ tấn công.
Trong khi đó, theo Washing ton Post, việc xác minh danh tính của các nạn nhân vẫn chưa hoàn tất. Khoảng 40% (hơn 1.000 người) vẫn chưa được xác nhận danh tính vì ADN của họ không khớp với hài cốt tìm thấy tại hiện trường.