2.153 tỷ phú có tài sản nhiều hơn 4,6 tỷ người cộng lại

Nếu tất cả mọi người quy số tài sản của mình thành các tờ 100 USD và ngồi lên đó, thì phần lớn nhân loại sẽ ngồi trên sàn nhà. Một người thuộc giai cấp trung lưu ở một đất nước giàu có sẽ ngồi ở độ cao tương đương với chiếc ghế. Hai người giàu nhất thế giới sẽ ngồi ở ngoài vũ trụ.

Trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sĩ), Oxfam đã công bố báo cáo toàn cầu mang tên “Ngưng thờ ơ”, chỉ ra tình trạng bất bình đẳng kinh tế đang vượt ngoài tầm kiểm soát.

Một khoảng cách lớn ngoài sức tưởng tượng

Oxfam cho hay, giữa giới siêu giàu và những người khác trong xã hội là một khoảng cách lớn ngoài sức tưởng tượng. Năm 2019, chỉ riêng 2.153 tỷ phú trên thế giới đã sở hữu khối tài sản nhiều hơn của 4,6 tỷ người cộng lại. 22 người đàn ông giàu nhất thế giới sở hữu nhiều tài sản hơn tất cả phụ nữ Châu Phi cộng lại.

Những người giàu nhất vốn chỉ chiếm 1% dân số thế giới nhưng lại sở hữu lượng tài sản gấp hơn 2 lần 6,9 tỷ người còn lại. Nếu bạn tiết kiệm 10.000 USD mỗi ngày từ thời người ta xây các kim tự tháp Ai Cập, thì đến nay bạn cũng chỉ có 1/5 lượng tài sản trung bình của 5 tỷ phú giàu nhất thế giới. Nếu tất cả mọi người quy số tài sản của mình thành các tờ 100 USD và ngồi lên đó, thì phần lớn nhân loại sẽ ngồi trên sàn nhà; Một người thuộc giai cấp trung lưu ở một đất nước giàu có sẽ ngồi ở độ cao tương đương với chiếc ghế; Hai người giàu nhất thế giới sẽ ngồi ở ngoài vũ trụ.

2.153 tỷ phú có tài sản nhiều hơn 4,6 tỷ người cộng lại ảnh 1 Một người phụ nữ trên chiếc xe gắn máy đi trong khu nhà trọ của những người thu nhập thấp, xung quanh là những tòa cao ốc phát triển ở ngoại thành TPHCM. Ảnh: Sam Tarling/Oxfam

Sự giàu có tột đỉnh tồn tại song hành với tình trạng nghèo đói cùng cực. Ước tính mới của Ngân hàng Thế giới cho thấy, gần một nửa dân số thế giới có mức sống dưới 5,5 USD/ngày, và tốc độ xóa nghèo đã chậm lại một nửa so với năm 2013.

Thất bại của hệ thống thuế và bất bình đẳng nam – nữ

Theo Oxfam, sự chênh lệch khổng lồ này xuất phát từ một hệ thống kinh tế bất cập và mang màu sắc phân biệt giới tính. Đứng trên đỉnh của nền kinh tế toàn cầu là một tầng lớp thượng lưu tuy nhỏ nhưng giàu ngoài sức tưởng tượng. Tài sản của họ tăng gấp bội theo thời gian.

Trong khi đó, ở dưới đáy của nền kinh tế, phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những người nghèo và thuộc các nhóm bị lề hoá, đang dành tổng cộng 12,5 tỷ giờ mỗi ngày để làm công việc chăm sóc không lương, và vô số những công việc khác với đồng lương còm cõi.

2.153 tỷ phú có tài sản nhiều hơn 4,6 tỷ người cộng lại ảnh 2 Khoảng cách giàu nghèo đang vượt ngoài sức tưởng tượng

Một trong những nguyên nhân khiến giới siêu giàu có được mức lợi nhuận khổng lồ là do thất bại của hệ thống thuế: giới siêu giàu và các tập đoàn lớn chỉ phải chịu thuế suất thấp, và bản thân họ còn chủ định tránh thuế. Chỉ 4% tiền thuế thu được trên toàn cầu đến từ thuế tài sản. Các nghiên cứu còn cho thấy giới siêu giàu tránh được tới 30% nghĩa vụ thuế của họ. Thuế doanh nghiệp cực thấp giúp họ thu được lợi nhuận từ các công ty nơi họ là cổ đông chính.

Ngày nay, những khối tài sản khổng lồ còn được hình thành từ sự bất bình đẳng giới. Chính những người đàn ông giàu có và đầy quyền lực đã xây dựng nên hệ thống kinh tế, rồi họ lại tiếp tục thiết lập các quy tắc và giành lấy phần lớn lợi nhuận. Tính trên toàn thế giới, nam giới sở hữu tài sản nhiều hơn 50% so với phụ nữ. Đàn ông cũng thống lĩnh các vị trí nắm giữ quyền lực chính trị và kinh tế; chỉ có 18% bộ trưởng và 24% nghị sĩ trên toàn cầu là phụ nữ, chiếm khoảng 34% vị trí quản lý tại các quốc gia có số liệu thống kê.

2.153 tỷ phú có tài sản nhiều hơn 4,6 tỷ người cộng lại ảnh 3 Theo Oxfam, nhiều phụ nữ đang làm việc không công, còn tài sản tập trung vào nam giới

Phụ nữ đang đóng góp sức lao động giá rẻ hoặc miễn phí cho nền kinh tế thị trường, và họ cũng đang giúp đỡ nhà nước bằng cách đảm nhiệm những công việc chăm sóc mà lẽ ra phải được cung cấp bằng dịch vụ công. Chăm sóc người thân, nấu ăn, lau dọn, gánh nước, kiếm củi là những công việc đơn giản thường nhật nhưng lại không thể thiếu đối với sự thịnh vượng của các xã hội, cộng đồng và sự vận hành của nền kinh tế.

Oxfam tính toán, giá trị tiền tệ của công việc chăm sóc không lương do phụ nữ từ 15 tuổi trở lên đảm nhiệm trên toàn cầu ít nhất là 10.800 tỷ USD mỗi năm – gấp 3 lần quy mô của ngành công nghệ thế giới. Việc chăm sóc cũng khiến phụ nữ và trẻ em gái lâm vào cảnh "nghèo thời gian", không thể đáp ứng các nhu cầu căn bản hay tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội. Mặc dù đặt nền móng cho sự phát triển của xã hội, nhưng công việc chăm sóc không lương hoặc lương thấp về cơ bản là vô hình. Nó vừa là hệ quả, vừa là tác nhân kéo dài tình trạng bất bình đẳng giới và kinh tế.

Oxfam chỉ ra rằng, trách nhiệm chăm sóc nặng nề và thiên lệch đã khắc sâu tình trạng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế. Phần lớn lợi nhuận tài chính lại được tích lũy cho những người giàu nhất, trong đó chủ yếu là nam giới. Hệ thống bất công này đang bóc lột và đẩy những phụ nữ, trẻ em gái nghèo nhất ra bên lề, trong khi đó lại làm gia tăng tài sản và quyền lực của một tầng lớp thượng lưu giàu có. Tình trạng này cần phải được thay đổi.

Hành động để thu hẹp khoảng cách

Theo Oxfam, nếu không có những hành động quyết liệt, tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nhiều. Dân số già hóa, chính sách cắt giảm chi tiêu công và biến đổi khí hậu có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế, gây ra một vòng xoáy khủng hoảng đối với những người làm công việc chăm sóc cũng như cho toàn bộ lĩnh vực này. Giới thượng lưu giàu có và quyền lực có thể dùng tiền làm lá chắn trước những hậu quả nghiêm trọng nhất của các cuộc khủng hoảng này, nhưng những người nghèo, yếu thế thì không.

2.153 tỷ phú có tài sản nhiều hơn 4,6 tỷ người cộng lại ảnh 4 Khoảng cách giàu - nghèo tại TPHCM. Ảnh: Đường Loan

Oxfam đề xuất 6 hành động để góp phần thúc đẩy quyền của lao động chăm sóc và bắt đầu thu hẹp khoảng cách giữa những lao động chăm sóc lương thấp hoặc không lương và giới thượng lưu giàu có, những người hưởng lợi nhiều nhất từ sức lao động của họ.

Cụ thể: Cần đầu tư vào hệ thống chăm sóc quốc gia để giải quyết tình trạng mất cân đối trong trách nhiệm chăm sóc do phụ nữ và trẻ em gái đảm nhiệm. Hệ thống chăm sóc quốc gia phải đảm bảo việc cung cấp nước sạch, vệ sinh và năng lượng cho tất cả mọi người, đồng thời đầu tư xây dựng, phát triển các chương trình, dịch vụ chăm sóc người già, trẻ em và người khuyết tật trên cả nước. Hệ thống này cũng cần đảm bảo mọi công dân đều được tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế chất lượng, cũng như được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội như lương hưu và trợ cấp cho trẻ em.

Các quốc gia cần chú trọng chấm dứt "giàu cực đoan" để chấm dứt "nghèo cùng cực": Sự giàu có cực đoan là dấu hiệu của một hệ thống kinh tế thất bại. Các chính phủ phải hành động để thu hẹp triệt để khoảng cách giữa người giàu và những người khác trong xã hội, đặt phúc lợi của mọi công dân lên trên lợi nhuận và tăng trưởng không bền vững, để thế giới này không phục vụ cho một số ít người có đặc quyền và phó mặc hàng triệu người khác sống trong nghèo đói. Các chính phủ phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán như đánh thuế vào tài sản và các khoản thu nhập cao, xóa bỏ những kẽ hở và các luật thuế bất cập hiện đang tạo điều kiện cho các tập đoàn và cá nhân giàu có trốn tránh trách nhiệm thuế của họ.

Đánh giá đúng giá trị của chăm sóc trong các chính sách và thực hành của doanh nghiệp: Doanh nghiệp phải công nhận giá trị của việc chăm sóc và đảm bảo phúc lợi của nhân viên. Hơn nữa, họ nên ủng hộ việc tái phân bổ nhiệm vụ chăm sóc bằng cách cung cấp các chế độ hỗ trợ và dịch vụ như nhà trẻ, phiếu chăm sóc trẻ, và đảm bảo mức lương đủ sống cho các lao động chăm sóc. Hơn nữa, nam giới cần tích cực hoàn thành trách nhiệm chăm sóc của mình để giải quyết tình trạng phụ nữ đang phải đảm nhiệm phần lớn công việc chăm sóc một cách bất cân xứng trong gia đình và cộng đồng của mình.

Tin cùng chuyên mục