
* Chiếm 65% xuất khẩu, thêm 5 triệu việc làm
Sáng 27-3, Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đại diện các bộ ngành, địa phương; phái đoàn ngoại giao, nhà đầu tư tham dự.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thực tiễn 25 năm qua cho thấy việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Việt Nam đang nỗ lực tập trung thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển nhanh và bền vững gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thực hiện các đột phá chiến lược. Trong tiến trình này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài, tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường, cải cách thủ tục hành chính, hệ thống tài chính, ngân hàng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, khắc phục các yếu kém về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để thu hút đầu tư mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Với các bộ, ngành chức năng, chính quyền các địa phương, Thủ tướng yêu cầu tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về đầu tư theo hướng thuận lợi và có tính cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực; tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút đầu tư. Cần có chính sách ưu đãi cao, đủ sức hấp dẫn đối với một số dự án hạ tầng kinh tế, xã hội quy mô lớn, có tính lan tỏa và tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án hợp tác công - tư (PPP), bố trí nguồn vốn ngân sách đối ứng cho các dự án PPP này.
Những nhiệm vụ trọng tâm khác cũng được Thủ tướng chỉ rõ, bao gồm việc bổ sung quy định về tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao với các ưu đãi phù hợp; rà soát, bổ sung cơ chế phát triển công nghiệp hỗ trợ, thị trường vốn, thị trường tài chính; ban hành các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và giới hạn đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường; yêu cầu doanh nghiệp phải công khai một số thông tin liên quan về phát thải…
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ này, cần tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển trên các lĩnh vực và công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin về quy hoạch để xây dựng kế hoạch, dự án đầu tư… “Việt Nam cam kết cùng các nhà đầu tư nước ngoài chung tay vượt qua thách thức, khó khăn, cùng nhau chia sẻ lợi ích và chúng ta sẽ cùng thành công”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, sau 25 năm từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 2-2013, Việt Nam đã thu hút được 14.550 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 211 tỷ USD, vốn thực hiện đạt gần 100 tỷ USD. Tỷ trọng FDI đóng góp vào GDP tăng dần theo từng năm và đạt khoảng 19% vào năm 2011. FDI đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế (hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội); khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước; gia tăng kim ngạch xuất khẩu. FDI cũng đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách (14,2 tỷ USD trong giai đoạn 2001 - 2010 và riêng năm 2012 đóng góp khoảng 3,7 tỷ USD); góp phần tạo ra 2 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 3 - 4 triệu việc làm gián tiếp.
Song song với những đóng góp không thể phủ nhận, ông Bùi Quang Vinh cũng đã phân tích những tồn tại, hạn chế của khu vực FDI như hiệu quả tổng thể nguồn vốn vẫn chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam và khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp; định hướng thu hút theo ngành, đối tác còn hạn chế. Mục tiêu thu hút công nghệ, chuyển giao công nghệ cũng được coi là “chưa đạt yêu cầu” với vỏn vẹn 5% - 6% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ tiên tiến; 80% sử dụng công nghệ trung bình, một số sử dụng công nghệ lạc hậu. Đặc biệt, đời sống người lao động trong khu vực này chưa cao, tranh chấp và đình công có xu hướng gia tăng; có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế…
ANH THƯ
| |