Ngày 11-10, tại TPHCM, Anphabe và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị Nguồn nhân lực hạnh phúc, năm 2018. Hội nghị nhằm tối ưu hóa tiềm năng nhân tài và hướng đến tăng trưởng bền vững. Hơn 600 CEO và giám đốc nhân sự ở các doanh nghiệp trong cả nước tham dự.
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và truyền cảm hứng Hạnh phúc của Anphabe cho hay, trung bình một công ty sẽ bị thất thoát đến 95% nhân tài mục tiêu ngay trước khi họ gia nhập công ty. Trong đó, có 25% nhân tài mục tiêu không hề biết tới sự tồn tại của công ty, trong đó có lý do tên công ty và tên sản phẩm chính của công ty không phải lúc nào cũng giống nhau, dễ nhận diện. 75% nhân tài còn lại, dù đã nhận biết đến công ty tuyển dụng, nhưng chỉ có một phần nhỏ thực sự quan tâm đến cơ hội việc làm từ công ty.
“Đừng nghĩ nhân tài vào công ty mà nghỉ việc mới là thất thoát, thật ra, rất nhiều sự thất thoát đã diễn ra từ trước khi nhân tài vào công ty”, bà Thanh Nguyễn cảnh báo và lý giải tại sao các công ty luôn trong tình trạng “đỏ mắt” tìm nhân sự giỏi.
Không dừng lại ở đó, sau khi vào làm việc tại các doanh nghiệp, những sự thất thoát tài năng lại tiếp tục diễn ra. Trung bình, một công ty sẽ thất thoát 51% nhân tài sau khi họ vào công ty làm việc. Trong đó, dự báo năm 2018, tỷ lệ nghỉ việc lên đến 20% - cao nhất trong các năm qua.
Nguy hiểm hơn, có đến 31% nguồn nhân lực dù không hề gắn kết với doanh nghiệp nhưng lại không có ý định nghỉ việc. Đây là nhóm người lao động đi làm nhưng mất động lực, thiếu nỗ lực tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Như vậy, đội ngũ người lao động nòng cốt (những người vừa gắn kết vừa trung thành làm việc với công ty) trung bình tại một công ty chỉ còn 49% nguồn nhân lực. So với con số 51% thất thoát, thì đây là một bài toán nhân sự đáng lo ngại với các doanh nghiệp.
Làm sao giữ chân nhân tài để họ gắn kết với doanh nghiệp chứ không phải là những “xác sống công sở”? Bà Thanh Nguyễn cho rằng, thay vì chỉ chú trọng vào động lực bên ngoài như tiền thưởng, các doanh nghiệp cần quan tâm kích thích những yếu tố tự thân, thúc đẩy động lực nội tại có sẵn trong mỗi con người. Bởi, những cách tác động bên ngoài như tiền thưởng dễ làm “hư nhân tài”, khiến họ chỉ tập trung vào các yếu tố bên ngoài mà dần mất đi động lực tự thân, mất đi tính sáng tạo cũng như khả năng tư duy.
Cùng ngày, Anphabe và VCCI trao giải thưởng Phát triển nguồn nhân lực châu Á (The Asia HRD Awards 2018) - giải thưởng quốc tế trao cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp cho sự phát triển của con người, cho doanh nghiệp, cho cộng đồng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai lễ vinh danh trao giải.
Giải thưởng gồm 4 hạng mục: cống hiến cho xã hội, cống hiến cho tổ chức, cống hiến cho cộng đồng nhân sự, người dẫn đầu và thay đổi. Năm nay, 22 cá nhân, tổ chức từ Việt Nam và các nước châu Á đã được trao giải.