37,2% giáo viên gặp vấn đề về tâm lý khi dạy học trực tuyến

Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 40% giáo viên (GV) gặp khó khăn về thiết bị và đường truyền Internet; 35 % GV thiếu học liệu dạy học trực tuyến; 42,6% GV gặp các vấn đề sức khoẻ và 37,2% GV gặp vấn đề về tâm lý; 43% GV gặp khó khăn khi học sinh không hợp tác trong quá trình học trực tuyến và 35,5% GV gặp khó khăn khi cha mẹ học sinh (CMHS) không hỗ trợ, hợp tác.

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Đánh giá về quá trình dạy – học trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp thời gian qua, bản báo cáo nêu rõ, khó khăn nhiều nhất mà các trường gặp phải là thiếu thiết bị cho dạy học trực tuyến (31,6%) và thiếu sự hỗ trợ kịp thời từ các tổ chức, ban ngành (29,4%).

Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 40% giáo viên (GV) gặp khó khăn về thiết bị và đường truyền Internet; 35 % GV thiếu học liệu dạy học trực tuyến; 42,6% GV gặp các vấn đề sức khoẻ và 37,2% GV gặp vấn đề về tâm lý; 43% GV gặp khó khăn khi học sinh không hợp tác trong quá trình học trực tuyến và 35,5% GV gặp khó khăn khi cha mẹ học sinh (CMHS) không hỗ trợ, hợp tác.

37,2% giáo viên gặp vấn đề về tâm lý khi dạy học trực tuyến ảnh 1 Một học sinh đang học trực tuyến
Về phần mình, học sinh (HS) cũng gặp một số khó khăn trong quá trình học tập trực tuyến. 44,9% HS được hỏi cho rằng các bạn hay nhắn tin trao đổi trong khi học; 35,5% HS không có phòng học riêng và 38,4% HS bị ảnh hưởng tiếng ồn xung quanh khi học trực tuyến; 35,5% HS thường xuyên nghe không rõ tiếng thầy/cô giảng bài vì nhiều lý do.

Bên cạnh đó, còn khoảng 20% HS cho rằng mình không nhận được sự hỗ trợ học tập khi cần; 23,4% HS phải tham gia một số việc khác của gia đình trong lúc học và 26,5% HS gặp khó khăn trong việc giao tiếp với thầy/cô dưới hình thức trực tuyến.

Kết quả khảo sát đối với HS cũng cho thấy, có 45% HS gặp vấn đề sức khoẻ khi học trực tuyến như mỏi mắt, đau cổ, ù tai,…

Các GV cho rằng học tập trực tuyến có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm lý, tình cảm, khả năng phát triển các kỹ năng xã hội của học sinh là khá cao từ 62 - 77%, với mức độ ảnh hưởng tăng dần từ cấp Tiểu học lên đến THPT.

GV ở các cấp học đều cho rằng dạy học trực tuyến chỉ tương đối hiệu quả đối với HS (tỷ lệ GV các cấp Tiểu học, THCS, THPT đồng ý với mức độ này lần lượt là 64,4%; 65,5%; 65,1%), trong khi tỷ lệ GV các cấp Tiểu học, THCS, THPT cho rằng dạy học trực tuyến không hiệu quả lần lượt là 20,9%; 19,8% và 21,2%.

Với việc học qua truyền hình, tỷ lệ HS bỏ trống không có nhận định gì lên tới 71,8% (đối với HS Tiểu học); 72,3% (đối với HS THCS) và 71,8% (đối với HS THPT). Điều này có thể được lý giải bởi tỷ lệ HS học qua truyền hình tương đối thấp. Ở các cấp học, tỷ lệ HS tự đánh giá việc học qua truyền hình từ tương đối hiệu quả đến rất hiệu quả là 81,4% (Tiểu học); 80,6% (THCS); 74,6% (THPT). Tỷ lệ này cho thấy việc học qua truyền hình vẫn là một giải pháp hiệu quả trong bối cảnh đại dịch, đặc biệt đối với những nơi không có đủ điều kiện dạy học trực tuyến.

Tin cùng chuyên mục