Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, phát triển hạ tầng giao thông, giảm ách tắc giao thông ở các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khơi dậy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, hợp tác xã kiểu mới trở thành những động lực quan trọng của nền kinh tế.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các địa phương đề ra giải pháp tối ưu trong phân loại, xử lý rác thải cho các địa phương, cơ sở, nhất là ở nơi đông dân cư, các thành phố lớn; có mô hình, giải pháp thống nhất, đồng bộ và thực hiện xã hội hóa việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong xử lý rác thải; tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân bằng những hành động, việc làm thiết thực để bảo vệ môi trường; quan tâm đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, có các giải pháp kiên quyết, kịp thời đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến ma túy, vi phạm trật tự an toàn giao thông, an ninh mạng, băng nhóm “xã hội đen”. Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương xử lý nghiêm minh các vụ việc và hành vi vi phạm pháp luật đã và đang gây bức xúc trong xã hội. Đề nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường giám sát về việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng, chống ma túy, tội phạm.
Thứ tư, đề nghị các cơ quan tư pháp hướng dẫn thực hiện và thống nhất áp dụng pháp luật về một số hành vi, tội phạm liên quan đến ma túy, dâm ô với trẻ em, vi phạm an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm sử dụng mạng xã hội để xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, ngừa tội phạm.
Thứ năm, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, kịp thời có sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, bảo đảm sự hợp lý, liên thông từ Trung ương đến địa phương; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về quản lý, giám sát cán bộ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, cơ sở; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, trong cơ chế thị trường, chính quyền không thể làm thay doanh nghiệp. Cộng đồng kinh doanh cần chuẩn bị bồi bổ sức khoẻ để ứng phó với những biến động trên thị trường. Muốn vậy, tinh thần lao động sáng tạo cần được phát huy. “Có một tình trạng là các lễ hội bây giờ rất dềnh dàng, ngày một to. Suốt quý 1 nhảy múa hát ca; lãng phí thời gian, tiền của xã hội vô cùng”, ông Phùng Quốc Hiển trăn trở và cho rằng tình trạng này khiến cho nền kinh tế kém hiệu quả, kém sức cạnh tranh.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tiếp tục bày tỏ băn khoăn về việc giải quyết chính sách cho người có công còn tồn đọng, người bị ảnh hưởng chất độc da cam. Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Cử tri mong muốn bóc gỡ những đường dây làm giả hồ sơ chất độc da cam. Nhiều dân công hoả tuyến cũng chưa được giải quyết chế độ”. Tổng thư ký Quốc hội dẫn chứng một trường hợp cụ thể: “Thủ tục hành chính phức tạp đã khiến một người bị sai tên từ Nguyễn Ngọc Năm sang Nguyễn Văn Năm, người thực việc thực, nhân chứng còn cả, giấy tờ đã có tới 13 con dấu mà kéo dài đến mấy năm vẫn không giải quyết xong”.