Sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, cùng đời sống của người dân bận rộn hơn đã kéo theo sự ra đời của hàng loạt dịch vụ đặt món trực tuyến phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng. Theo một nghiên cứu vừa được Công ty Nghiên cứu thị trường GCOMM công bố, tần suất sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến của người ở khu vực thành thị hiện khá cao; cùng theo đó, xu hướng đô thị hóa ngày càng tăng nhanh, đã mở ra tiềm năng to lớn cho thị trường dịch vụ gọi món tại Việt Nam trong thời gian tới.
Có đến 99% người tham gia khảo sát do GCOMM thực hiện cho biết, họ sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2 - 3 lần/tháng. Đáng chú ý, có đến 39% người tham gia khảo sát đặt món thông qua ứng dụng 2 -3 lần/tuần. Và dù còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 1%, nhưng thị trường đã bắt đầu hình thành nhóm khách hàng có thói quen hầu như bật ứng dụng trên điện thoại di động để đặt thức ăn mỗi ngày.
Nghiên cứu cũng đã chỉ ra 5 tiêu chí quan trọng nhất được khách hàng xem xét khi quyết định lựa chọn dịch vụ đặt món, bao gồm: Tốc độ giao hàng nhanh chóng (65%); món ăn được đóng gói gọn gàng, sạch sẽ (58%); món ăn được giao đến với chất lượng đảm bảo (56%); món ăn được giao chính xác theo đơn hàng đã đặt (50%); có nhiều món ăn với giá cả phải chăng (45%). Trong các dịch vụ giao thức ăn hiện tại, GrabFood được đánh giá cao nhất về tốc độ, với khoảng 80% khách hàng đánh giá là dịch vụ giao thức ăn “nhanh nhất Việt Nam”.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận đánh giá của khách hàng đối với các ứng dụng gọi món trực tuyến phổ biến hiện nay, xét về độ phủ thương hiệu, tần suất được sử dụng và mức độ hài lòng. Hiện trên thị trường có 5 ứng dụng được biết đến nhiều nhất là GrabFood, Foody/Now.vn, GoFood, Vietnammm và Lixi, theo thứ tự từ cao xuống thấp. Trước đó có Lala, nhưng đơn vị này vừa công bố rút khỏi thị trường bởi sự cạnh tranh hiện quá khốc liệt.
Theo thói quen của người tiêu dùng, họ sẽ dùng thường xuyên những dịch vụ mà trước đó đã từng sử dụng và nhận thấy sự hài lòng. Như khảo sát, hai lựa chọn phổ biến nhất của người dùng theo thứ tự là GrabFood và Foody/Now.vn, GoFood và Lixi lần lượt đứng vị trí thứ ba và tư. Tuy nhiên, cụ thể trong vòng một tháng trở lại đây, GrabFood, Lixi và Vietnammm là 3 ứng dụng được sử dụng nhiều nhất. Trong đó, GrabFood dẫn đầu về mức độ hài lòng chung của người dùng; theo sau là Foody/Now.vn, với điểm số trung bình lần lượt là 4,46/5 và 4,31/5. GoFood là tên tuổi được biết nhiều thời gian gần đây, nhưng vẫn còn một khoảng cách khá lớn với 2 thương hiệu dẫn đầu, với điểm số trung bình là 4,1/5.
Ông Lê Minh Phương, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường của GCOMM, nhận định việc quảng bá thương hiệu để tăng cường mức độ nhận biết của người tiêu dùng đối với các dịch vụ gọi món trực tuyến là rất quan trọng. Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng đã chỉ ra rằng, không phải dịch vụ nào được biết đến nhiều cũng là dịch vụ được nhiều người lựa chọn và hài lòng về chất lượng. Ngoài Foody/Now.vn và GrabFood đã cơ bản đạt được thành công ở cả ba phương diện, các ứng dụng khác đa phần thể hiện thế mạnh ở một vài phương diện khác nhau mà chưa có sự thành công toàn diện. Rõ ràng, tốc độ giao món là yếu tố hàng đầu để chinh phục người tiêu dùng. Dịch vụ nào có đội ngũ tài xế giao hàng đông đảo nhất sẽ phần nào chiếm lợi thế.
Thực tế cho thấy, trong vòng một năm trở lại đây, thị trường Việt Nam đã nở rộ các ứng dụng gọi món trực tuyến của các startup công nghệ. Bên cạnh Foody.vn, thị trường đã có sự tham gia của hàng loạt tên tuổi như GrabFood, Go-JEK… và gần đây là Go-Viet. Để cạnh tranh, các hãng này liên tục đưa ra các mã giảm giá, đồng thời liên tục cải thiện dịch vụ, tốc độ giao hàng để thu hút khách hàng. Chính sực khốc liệt của thị trường đang mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, cũng như hướng thị trường chuyển động theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại hơn.
Báo cáo của Euromonitor cho thấy, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam trị giá khoảng 33 triệu USD trong năm 2018 và dự báo đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường này là 11%/năm. Đáng chú ý là phần lớn “miếng bánh” nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài như: Foody với SEA của Singapore nắm quyền chi phối, Grab với ông chủ người Malaysia và sau này là GO-Viet của Indonesia… Những doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này dường như đuối sức cạnh tranh.