Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, có 6 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn ứng phó thiên tai trong thời gian qua.

Thứ nhất, trong phòng chống thiên tai, vai trò của công tác dự báo, cảnh báo là đặc biệt quan trọng. Thông tin cần được cung cấp từ sớm, từ xa, kịp thời và chính xác để người dân và chính quyền chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Thứ hai, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình thực tế, có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Đây là yếu tố quyết định trong việc tổ chức ứng phó hiệu quả, nhất là với các tình huống thiên tai phức tạp, bất thường.
Thứ ba, phải đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, của Nhà nước lên trên hết, trước hết. Mọi hành động, kế hoạch phòng chống thiên tai đều cần hướng tới con người là trung tâm, bảo vệ an toàn cho cộng đồng.
Thứ tư, cần huy động tổng lực mọi nguồn lực của xã hội và Nhà nước, triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” để đảm bảo ứng phó kịp thời trong mọi tình huống khẩn cấp.
Thứ năm, phải coi trọng công tác thông tin, truyền thông. Việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cùng với phổ biến kỹ năng ứng phó sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Thứ sáu, trận lũ lịch sử sau bão số 3 (Yagi) năm 2024 là bài học cảnh tỉnh cho các địa phương trong việc khai thác, sử dụng bãi sông. Hoạt động xây dựng, canh tác, cư trú không kiểm soát tại các vùng bãi đã làm gia tăng rủi ro thiên tai, cần sớm được rà soát, điều chỉnh.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng thừa nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai. Thiệt hại về người và kinh tế còn rất lớn. Việc chấp hành cảnh báo còn lơ là ở một số nơi. Trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn thiếu thốn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Hệ thống công trình, hạ tầng như đê điều, điện, viễn thông dễ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, kế hoạch phòng chống thiên tai của nhiều địa phương chưa cập nhật, chưa sát thực tế. Công tác dự báo với các hình thái thiên tai cực đoan như mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở vẫn còn hạn chế, thiếu bản đồ cảnh báo nguy cơ chi tiết cho từng khu vực.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, thiên tai diễn ra dồn dập, cực đoan, khốc liệt trên cả nước. Tổng cộng đã xảy ra 10 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới, 240 trận mưa lớn, 278 trận dông lốc sét, 409 trận sạt lở đất, 472 trận động đất, cùng các đợt rét hại, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn…

Thiệt hại do thiên tai gây ra rất nghiêm trọng: 519 người chết, mất tích (tăng hơn 3 lần so với năm 2023), thiệt hại kinh tế hơn 91.622 tỷ đồng (gấp gần 10 lần năm trước).
Riêng bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 70 năm, gây lũ lịch sử tại Bắc bộ và Thanh Hóa, làm 345 người thiệt mạng, thiệt hại gần 84.544 tỷ đồng. Đây là tổn thất lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.