6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

• Luật hóa tập đoàn kinh tế tư nhân
6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

• Luật hóa tập đoàn kinh tế tư nhân

(SGGPO).- Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên họp sáng nay, 26-11, với tỷ lệ tán thành 84,91% trên tổng số ĐBQH.

Dự thảo Luật Đầu tư có 7 chương, 76 điều, có có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.

Đại biểu Trần Văn Minh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lã Anh

Trong số các nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài” đã được điều chỉnh căn cứ vào quốc tịch của tổ chức, cá nhân nước ngoài phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, “nhà đầu tư nước ngoài” là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Về các ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và thống nhất với các bộ, ngành hữu quan thu hẹp từ 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ xuống còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật.

Tất cả 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều này đều đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhưng được tổng hợp trong Luật Đầu tư để làm rõ hơn quy định về quyền tự do kinh doanh của công dân.

Về ý kiến đề nghị bổ sung Amiang trắng (Chrysotil thuộc nhóm Serpentine) vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu và sớm có kết luận chính thức đồng thời xây dựng Đề án một cách toàn diện xử lý Amiang trắng. Trước mắt, bổ sung lĩnh vực này vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Sau khi Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả nghiên cứu và có Đề án xử lý cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định bổ sung ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 8 dự thảo Luật.

Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, căn cứ vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại Luật này, Chính phủ sẽ tập hợp và công bố công khai trên cổng thông tin doanh nghiệp các điều kiện đầu tư áp dụng đối với cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Về ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết thủ tục thực hiện thẩm định về điều kiện của nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 34 dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, quy trình thực hiện thẩm định dự án do Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư như quy định tại Điều 34 và Điều 35 dự thảo Luật.

Về ý kiến đề nghị quy định cụ thể về tỷ lệ ký quỹ và quy trình giải ngân ký quỹ; Luật cũng đã hoàn thiện thêm quy định về bảo đảm thực hiện dự án đầu tư như quy định tại Điều 42 của dự thảo Luật.

Tôn trọng tối đa quyền tự quyết của doanh nghiệp

Cũng trong sáng nay, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành 85,51% trên tổng số ĐBQH. Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có 10 chương, 213 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015. Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp số 37/2013/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2013 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật mới có hiệu lực, trừ một số trường hợp.

Ghi nhận sự tồn tại của doanh nghiệp xã hội

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, doanh nghiệp xã hội (DNXH) không phải là một loại hình doanh nghiệp đặc thù mà chỉ khác biệt ở mục đích phân phối và sử dụng lợi nhuận. Các tiêu chí xác định DNXH là căn cứ quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí; nội dung này gắn liền với quyền và nghĩa vụ của DNXH. Dự án Luật trình Quốc hội quy định những nội dung mang tính nguyên tắc về DNXH để ghi nhận về mặt pháp lý sự tồn tại của DNXH, làm cơ sở để ban hành các văn bản quy định chi tiết, sau quá trình hoạt động thực tiễn ổn định sẽ quy định cụ thể hơn trong Luật.

Luật trình Quốc hội thông qua đã bổ sung làm rõ hơn tại Điều 10 về tiêu chí của DNXH, cụ thể: DNXH là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật, có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn với nông dân, nông thôn mới đáp ứng các tiêu chí trên đây là DNXH, sẽ được hưởng ưu đãi, khuyến khích theo quy định.

Tuy nhiên, để tránh lợi dụng khi DNXH nhận được ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, Luật quy định rõ: “Trong trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hàng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp”.

Công ty có quyền quyết định một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật

Liên quan đến hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, một số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng yêu cầu bổ sung Phiếu lý lịch tư pháp vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp với tất cả các trường hợp sẽ làm tăng thêm thời gian thành lập doanh nghiệp, tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ rất lớn cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, sẽ có tác động không thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta. Do vậy, phiếu lý lịch tư pháp không phải là tài liệu bắt buộc trong Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có căn cứ kiểm soát một số trường hợp không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, dự Luật đã bổ sung quy định trong trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp phiếu lý lịch tư pháp.

Một nội dung cũng nhận được nhiều góp ý là về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị không nên quy định công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật, vì có nhiều người đại diện theo pháp luật sẽ khó xác định người đại diện cho công ty khi có tranh chấp, khởi kiện, truy cứu trách nhiệm hình sự, dân sự…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích thêm rằng, theo quy định tại dự Luật, công ty hoàn toàn có thể tự quyết định, chỉ định một người đại diện theo pháp luật. Trường hợp cần thiết thì có quyền tự chủ quyết định việc có nhiều người đại diện theo pháp luật; phạm vi quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện phải được ghi rõ trong Điều lệ công ty. Tùy từng nội dung giao dịch, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp với thẩm quyền tương ứng được quy định trong Điều lệ sẽ thực hiện giao dịch với các đối tác. Điều lệ công ty được đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nên các đối tác đều có thể biết và xác nhận những nội dung này, trên cơ sở đó, để quyết định ký kết hợp đồng, thực hiện giao dịch.

Cụ thể, khoản 2 Điều 13 của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được thiết kế như sau: “Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nhiệm vụ, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”.

Cũng trên tinh thần tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp, Luật quy định theo hướng doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, nội dung và việc quản lý, sử dụng con dấu; đồng thời, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Khi tham gia các hoạt động kinh doanh, bên đối tác đương nhiên có các biện pháp kiểm tra toàn diện về doanh nghiệp, kể cả tính xác thực của con dấu để hai bên có thể tin tưởng, ký kết, thực hiện giao dịch.  Một cách ngắn gọn, việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.

Luật hóa tập đoàn kinh tế tư nhân

Về khái niệm doanh nghiệp nhà nước (khoản 8 Điều 4) và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Chương IV), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để tạo sự thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước và tăng hiệu quả kinh tế sau cổ phần hóa, Luật thể hiện theo hướng doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn nhà nước.

Đáng lưu ý, liên quan đến kiến nghị xác định rõ tiêu chí của tập đoàn kinh tế tư nhân để giúp chuẩn hóa công tác quản lý nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân và tạo động lực cho các tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển, Điều 188 của dự án Luật đã bổ sung quy định: “Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác”. 

 Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp số 37/2013/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2013 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực, trừ một số trường hợp:

a) Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực, thời hạn góp vốn thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty;

b) Các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ phải thực hiện tái cơ cấu để bảo đảm tuân thủ đúng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 189 của Luật này trước ngày 01 tháng 7 năm 2017;

c) Các công ty không có cổ phần hoặc phần vốn góp do Nhà nước nắm giữ thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 không phải thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 189 của Luật này nhưng không được tăng tỷ lệ sở hữu chéo.

2. Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật này. Hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ.

3. Căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh.


(Trích Điều 212 Luật Doanh nghiệp sửa đổi)

Anh Phương

Tin cùng chuyên mục