70% tổng kim ngạch xuất khẩu sắp được miễn thuế

Ngày 31-12, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị tổng kết trực tuyến cùng với các điểm cầu TPHCM và Đà Nẵng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, năm 2015, sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8% - cao hơn 2 điểm phần trăm so với kế hoạch và cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 162,4 tỷ USD, tăng khoảng 8,1% so với năm 2014; cả nước có 23 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Mức tăng trưởng này là khá cao khi so sánh tương quan với các nước châu Á - Thái Bình Dương: Trung Quốc giảm 1,9%, Indonesia giảm 13,3%, Thái Lan giảm 5%... Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2014.

Năm 2015, Việt Nam đã kết thúc đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc kết thúc đàm phán các hiệp định này, Việt Nam đã khai thông được hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ và EU, mở lại thị trường truyền thống là Nga và các nước SNG, cũng như kết nối mạnh mẽ với nền kinh tế năng động Hàn Quốc. Với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và 4 hiệp định FTA, 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được miễn thuế. Các hiệp định kết thúc đàm phán trong thời gian qua cũng đảm bảo cho hàng hóa Việt Nam có lợi thế so với hàng hóa của các đối thủ cạnh tranh trên các thị trường quan trọng nhất trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích từ việc mở cửa thị trường cho nhiều đối tác thì Việt Nam cũng đối mặt với nhiều sức ép to lớn về cạnh tranh cũng như sức ép về cải cách hệ thống pháp luật và thực thi.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành công thương tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ thành quả hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Đến nay Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với 55 nước, đã có quan hệ thương mại với 17 nước trong G20, đã quan hệ với tất cả các nước G7. Đó là những lợi thế mà Việt Nam cần tận dụng và đó là điều quyết định cho tăng trưởng, công ăn việc làm. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý những khó khăn cho hoạt động xuất khẩu phải tập trung tháo gỡ, tạo mọi điều kiện để mở rộng thị trường, nhất là những mặt hàng có thế mạnh như: dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản, thủy sản… Cùng với đó là kiểm soát tốt nhập siêu, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục