Theo đó, với các nhãn hiệu như Fahasa, Vĩnh Tiến, Tập Việt, Tân Thuận Tiến (tập học sinh); Mr.Vui, Lila Miti, Hami, Cao Gia Khánh (cặp, ba lô, túi xách); Sanding (đồng phục học sinh), Saigon Co.op (đồng phục, tập học sinh), Công ty cổ phần Văn hóa Nhân Văn (tập học sinh, cặp, ba-lô, túi xách), Công ty TNHH Giày Tuấn Việt và Việt Á Châu (giày học sinh)…, người tiêu dùng có thể chọn mua hàng tại hệ thống cửa hàng riêng hoặc tại các siêu thị, nhà sách, trên khắp các quận, huyện nội ngoại thành và khu vực vùng xa của TPHCM như huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi. Tổng số điểm phục vụ bán sản phẩm mùa khai giảng bình ổn giá đã lên đến 824. Trong đó, có 168 siêu thị, 318 cửa hàng chuyên doanh và 338 điểm bán trong khu dân cư.
Song song đó, các doanh nghiệp cũng tập trung tổ chức các ngày hội bán hàng bình ổn tại các quận, huyện, bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa của TP và các tỉnh, thành khác nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người tiêu dùng có thể mua sắm quần áo, tập vở, cặp sách và các loại học cụ cho học sinh, sinh viên vào năm học mới.
Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng niên học 2018-2019 chiếm 35% - 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn TP, với tổng cộng 103 loại sản phẩm (tăng 22 sản phẩm so với năm trước). Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối đã chuẩn bị kỹ nguồn hàng, giá bán. Do nguồn nguyên liệu được dự trữ từ khá sớm và đầy đủ nên giá bán tương đối ổn định so với năm ngoái.
Cụ thể, số lượng tập học sinh là 9,68 triệu quyển; đồng phục học sinh 570.000 bộ; giày dép 920.000 đôi; cặp, ba lô, túi xách 865.000 cái… Không dừng lại đó, tiến độ sản xuất và cung ứng hàng hóa cho thị trường của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường mặt hàng phục vụ mùa khai giảng hiện đã đạt 50% - 70% so kế hoạch.
Như vậy, dự kiến đến cuối tháng 8-2018, các doanh nghiệp bình ổn sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu và hoàn thành kế hoạch.