90% doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa

Riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp nhưng có đến gần 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa (có quy mô sản xuất 300 lao động trở xuống).

Ngày 28-2, Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” do Bộ Công thương phối hợp với Sở Công thương TPHCM và Báo Tuổi Trẻ tổ chức, có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp và bộ ngành liên quan. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu tại hội thảo, bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành NC Network Việt Nam cho biết, ngành chế biến chế tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có dư địa thị trường nhiều nhưng năng lực cung ứng của doanh nghiệp trong nước còn thấp. Hiện tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP chiếm 23,9%, còn thấp so với các nước công nghiệp. Riêng lĩnh vực sản xuất CNHT, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp nhưng có đến gần 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa (có quy mô sản xuất 300 lao động trở xuống).

Bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành NC Network Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HỮU HẠNH

Bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành NC Network Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HỮU HẠNH

Lý giải vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp ngành CNHT nói riêng và chế biến chế tạo nói chung đang vướng nhiều bất cập. Có thể kể đến là còn phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu, vật liệu từ nước ngoài, tính tự chủ về nguyên vật liệu còn thấp nên năng lực cạnh tranh không cao.

Cho đến nay, ngành công nghiệp trong nước chưa có doanh nghiệp công nghiệp có quy mô toàn cầu, đóng vai trò dẫn dắt để hình thành chuỗi cung ứng trong nước. Ở chiều ngược lại, hệ thống chính sách chưa thực sự hỗ trợ ngành phát triển, thiếu căn cứ pháp lý và nguồn lực triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp; chính sách tài chính (thuế, tín dụng) chưa tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp. Công tác quản lý nhà nước về công nghiệp còn nhiều bất cập...

Phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

"Do vậy, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc, phát triển, cần có tiêu chí sàng lọc, lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài, tránh thu hút nhà đầu tư có tính chất đối kháng với doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, các cơ quan chức năng liên quan cần tăng khả năng kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Đồng thời, cần có chính sách vay vốn với lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thiết bị, nghiên cứu phát triển, đổi mới khoa học công nghệ... xây dựng năng lực giúp doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI”, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế CIEM nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho biết thêm, TPHCM đã xác định đây là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển. Hiện thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển CNHT; Trung tâm phát triển CNHT; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp. Phải kể đến như xây dựng chương trình phát triển CNHT; tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm CNHT; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực... Các giải pháp trên đã góp phần thúc đẩy phát triển CNHT cũng như tạo điều kiện tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu chủ trì hội thảo. Ảnh: HỮU HẠNH

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu chủ trì hội thảo. Ảnh: HỮU HẠNH

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thành phố mong muốn lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các hội ngành nghề, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp, chính sách phát triển các ngành CNHT, qua đó thúc đẩy công nghiệp thành phố nói riêng và công nghiệp cả nước nói chung phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục