Ngày 31-12 tới, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Theo giới truyền thông quốc tế, sự kiện này đang gây được sự chú ý trong giới đầu tư nước ngoài, ASEAN sẽ trở thành một trong những điểm đầu tư hấp dẫn trên thế giới.
Việt Nam thu hút đầu tư mạnh
Theo Manila Times, ông Chris Fossick, Giám đốc điều hành Jones Lang Lasalle khu vực Singapore và Đông Nam Á cho rằng, Việt Nam và Philippines là hai quốc gia trong khu vực ASEAN sẽ thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2016, bởi chất lượng nguồn nhân lực và chi phí sản xuất hợp lý. Philippines có lợi thế về lực lượng lao động, còn Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát và có nhiều cải thiện trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng.
Theo báo cáo đầu tư ASEAN, việc cải thiện môi trường đầu tư của khu vực, cũng như tiến trình hội nhập để tiến tới AEC vào cuối năm 2015 được cho là đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn của ASEAN đối với dòng vốn FDI. Ngoài ra, sức hút của ASEAN còn xuất phát từ nền tảng kinh tế vững mạnh và sức tăng trưởng của thị trường.
Dây chuyền sản xuất xe hơi tại Philippines
AEC là mô hình liên kết kinh tế khu vực dựa trên nâng cao các cơ chế liên kết kinh tế hiện có của ASEAN, có bổ sung thêm hai nội dung mới là tự do di chuyển lao động và di chuyển vốn tự do hơn. Ước tính, những tiêu chuẩn được thực thi đầy đủ dựa trên các điều khoản của AEC có thể giúp GDP của ASEAN tăng 7% vào năm 2025 và tạo ra một sự thay đổi lớn trong cấu trúc kinh tế tại châu Á. Có thể nói, AEC đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN và đưa ASEAN lên một tầm cao mới trở thành một khu vực phát triển năng động và thịnh vượng.
Nhiều cơ hội hợp tác
Theo InvestAsia, cuộc thăm dò gần đây cho thấy, hơn 500 doanh nghiệp Mỹ đang rất quan tâm đến cơ hội tăng tốc đầu tư tại ASEAN. Những lý do khiến giới đầu tư Mỹ quan tâm đến thị trường ASEAN hiện nay là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trong khu vực, sự tăng trưởng ấn tượng của các nước ASEAN so với sự tăng trưởng ở những khu vực khác, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng.
Một nhân tố không kém phần quan trọng là sự ra đời của AEC đã khiến ASEAN trở nên hấp dẫn hơn. AEC ra đời mang lại những lợi thế cho khu vực Đông Nam Á, đó là: một thị trường duy nhất; một khu vực phát triển kinh tế công bằng; một khu vực kinh tế cạnh tranh cao và một khu vực có khả năng hội nhập đầy đủ vào kinh tế toàn cầu. Theo số liệu của Nhà Trắng, ASEAN là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Mỹ. Các quốc gia ASEAN là đối tác giao thương hàng hóa lớn thứ 4 của Mỹ. Trong năm 2014, tổng kim ngạch song phương đạt 216 tỷ USD.
Tờ Japan Times nhận định, với Nhật Bản, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN và AEC là một cơ hội tốt để tiếp cận thị trường cả các nước thành viên. Cùng với số lượng doanh nghiệp lớn đang hoạt động tại khu vực, Nhật Bản có thể giúp gắn kết các nước thành viên ASEAN trong quá trình hội nhập. Nhật Bản mong muốn phát triển mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với một thị trường rộng lớn hơn 600 triệu dân và chú trọng đầu tư vào các cơ sở sản xuất cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư với từng thành viên hiệp hội.
Theo giới chuyên gia, bên cạnh những cơ hội đang mở ra, các thách thức lớn đang chờ đợi các nước ASEAN, và ASEAN phải nỗ lực rất nhiều để trụ cột quan trọng nhất là AEC có thể đạt được mục tiêu quan trọng là tạo sự tự do hơn cho việc di chuyển công nhân lành nghề, thương mại và dòng vốn tại khu vực này .
|
THANH HẰNG (tổng hợp)