Đây cũng là năm ghi dấu sự tăng tốc và bứt phá của Agribank trong giai đoạn tái cơ cấu 2016- 2020, hoạt động kinh doanh của Agribank tiếp tục tăng trưởng. Các chỉ số về hiệu quả kinh doanh tăng cao. Hoàn thành vượt mức kế hoạch về chỉ tiêu lợi nhuận. Agribank tự tin tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong hoạt động kinh doanh đối ngoại.
Đi đầu trong phát triển sản phẩm dịch vụ
Chủ động, tích cực làm việc các ngân hàng nước ngoài, Agribank không ngừng nghiên cứu và cải thiện các sản phẩm dịch vụ, theo đó, một số sản phẩm thanh toán quốc tế của Agribank có tính năng vượt trội so với các ngân hàng khác như: thanh toán biên giới Việt – Lào qua CBPS, thanh toán biên giới Việt – Trung, dịch vụ chuyển tiền đa tệ, chuyển tiền Campuchia – Việt Nam qua kênh KO, sản phẩm UPAS L/C (Thư tín dụng trả chậm có điều khoản thanh toán trả ngay) trong đó phát triển sản phẩm UPAS L/C với Deutsche Bank, Cobank, DBS Singapore….
Đặc biệt, để phục vụ nhu cầu chuyển nhận tiền kiều hối từ khắp các quốc gia trên thế giới về Việt Nam, Agribank đã phát triển và cung cấp Hệ thống thanh toán kiều hối tập trung (ARS) thống nhất, có khả năng tích hợp cao với các hệ thống, quy trình nghiệp vụ thanh toán quốc tế chuẩn trên thị trường nhằm cung ứng dịch vụ chuyển nhận tiền kiều hối nhiều tiện ích cho khách hàng của mình. Hệ thống/dịch vụ ARS của Agribank đã đạt Danh hiệu Sao Khuê 2019 cho dịch vụ, hệ thống Công nghệ thông tin xuất sắc trong lĩnh vực ngân hàng.
Bên cạnh đó, Agribank hiện cung cấp dịch vụ TTQT tới 164 quốc gia, trải rộng khắp năm châu lục, với mạng lưới ngân hàng đại lý 86 quốc gia và vùng lãnh thổ, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thanh toán xuất nhập khẩu của khách hàng. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường thanh toán chiếm thị phần lớn nhất qua Agribank, doanh số thanh toán năm 2019 qua thị trường Mỹ đạt 1,65 tỷ USD, chiếm 16% thị phần tổng các thị trường. Các nước chấu Á cũng là thị trường thanh toán xuất nhập khẩu lớn qua Agribank, đạt doanh số thanh toán 6,7 tỷ USD trong năm 2019.
Đến 31-12-2019, Agribank đang duy trì và sử dụng hiệu quả 40 sản phẩm dịch vụ từ các ngân hàng đại lý góp phần hỗ trợ chi nhánh nguồn sản phẩm dịch vụ đa dạng đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, tăng thu phí dịch vụ. Do đó, hoạt động TTQT của Agribank trong năm 2019 phát triển ổn định, thu phí TTQT toàn hệ thống đạt 297,2 tỷ VND, tăng 6,76% so với năm ngoái; đặc biệt hoạt động thanh toán thương mại biên giới (TTBG) của Agribank tăng trưởng đáng kể; doanh số xuất, nhập khẩu TTBG năm 2019 tăng 37% so với năm ngoái,duy trì ưu thế cạnh tranh so với các ngân hàng thương mại khác tại khu vực biên giới. Đặc biệt, TTBG với thị trường Trung Quốc đạt 27.856 tỷ VNĐ, tăng 41% so với năm 2018.
Đạt được những thành quả trên là nhờ những chủ trương, chính sách điều hành đúng đắn của NHNN, của Agribank và sự nỗ lực của các chi nhánh trong toàn hệ thống. Cụ thể, trong năm vừa qua, Agribank đã triển khai được một số công việc tạo tiền đề cho phát triển hoạt động TTBG, quản lý hoạt động TTBG an toàn, hiệu quả như: đàm phán, mở rộng ký kết Thỏa thuận hợp tác TTBG với một số Ngân hàng thương mại Trung Quốc, Ngân hàng Lào và thực hiện triển khai hoạt động TTBG cho Chi nhánh biên giới, cụ thể: hoàn thành triển khai ký kết Thỏa thuận hợp tác TTBG giữa chi nhánh Cao Bằng với Ngân hàng Quế Lâm, Biên bản ghi nhớ hợp tác về phòng chống tiền giả giữa chi nhánh Lạng Sơn với Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Kiến thiết (Quảng Tây, Trung QUốc); thỏa thuận TTBG của chi nhánh Lào Cai với Ngân hàng BOC và Ngân hàng CCB (Vân Nam, Trung Quốc).
Tích cực, chủ động làm việc với các nhà tài trợ quốc tế
Năm 2019 tiếp tục đánh dấu sự nỗ lực của Agribank trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hoạt động đối ngoại để nâng cao vị thế và uy tín thương hiệu theo hướng NHTM hiện đại. Hoạt động hợp tác quốc tế khởi sắc, đạt được mục tiêu đặt ra với nhiều sự kiện, kết quả nổi bật, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu Agribank với nhiều quốc gia, đối tác trong nước và quốc tế như: tham dự Hội nghị song phương giữa NHNN Việt Nam và Ngân hàng Quốc gia Campuchia, Hội nghị song phương giữa NHNN Việt Nam và Ngân hàng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (NHCHDCND); tham gia điều hành Hội nghị về kết quả đầu tư trồng cây cao su tại Campuchia…
Hiện nay, Agribank đang triển khai 25 Dự án tín dụng quốc tế thông qua Chính phủ với tổng giá trị hơn 11.500 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn Dự án đến 31-12-2019 đạt 6.512,4 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay từ nguồn vốn Dự án đạt 5.788,9 tỷ đồng. Agribank luôn chủ động làm việc với NHNN, bộ, ban, ngành liên quan để tiếp cận và thu hút về Agribank thêm 3 Dự án ngân hàng phục vụ, đạt tổng trị giá tương đương 36 triệu USD, tăng thu phí cho chi nhánh và tận dụng được nguồn ngoại tệ của Dự án. Đến thời điểm hiện tại, Agribank đang thực hiện vai trò ngân hàng phục vụ cho 50 dự án với tổng giá trị 2.890 triệu USD.
Mở rộng tìm kiếm đối tác, tăng cường uy tín, thương hiệu của Agribank
Năm 2019, Agribank đã thực hiện thành công chương trình hỗ trợ xuất nhập khẩu nông sản của Bộ Nông nghiệp Mỹ thông qua chương trình GSM-102 của Ngân hàng Cobank. Thực hiện đàm phán với Woori Bank và Kookmin Bank về giảm phí chuyển tiền đối với tài khoản Nostro đồng KRW, triển khai thanh toán trực tiếp ngoại tệ đồng KRW qua tài khoản Nostro đồng KRW của Agribank tại Woori Bank và Kookmin Hàn Quốc và đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, hỗ trợ các chi nhánh chủ động và thuận lợi hơn trong giao dịch với khách hàng; góp phần tăng doanh số thanh toán KRW đáng kể so với doanh số chuyển tiền đa tệ các năm trước.
Tại thị trường Nhật Bản, Agribank đã hoàn thành phương án nhằm tăng cường giao dịch bằng Yên Nhật để thúc đẩy thanh toán song phương và thu hút đối tác Nhật Bản; đàm phán với các ngân hàng Nhật Bản giữ tài khoản Nostro đồng JPY về việc giảm phí chuyển tiền.
Trong năm, Agribank đã ký kết 4 thỏa thuận hợp tác trong hoạt động kinh doanh ngoại hối, bao gồm: Thỏa thuận với Ngân hàng Mizuho, Nhật Bản về dịch vụ thu hộ, chi hộ; Thỏa thuận với Wells Fargo, Mỹ về điều chỉnh các hợp đồng đủ tiêu chuẩn với ngân hàng này để phục vụ cho hoạt động mua, bán ngoại tệ với các Ngân hàng tại thị trường Mỹ về tiền Chuyển qua hệ thống Euro; Thỏa thuận với CIMB, Singapore về Xuất nhập khẩu ngoại tệ mặt; Thỏa thuận với IBEC Nga về Các dịch vụ Ngân hàng đại lý và Tài trợ ngân hàng.
Hiện nay, Agribank đang triển khai 43 thỏa thuận, biên bản ghi nhớ về hợp tác toàn diện, tài trợ thương mại, sản phẩm dịch vụ, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ phí với các định chế tài chính trong nước và đối tác nước ngoài.
Tiếp tục chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Trong năm 2019, Agribank đã tổ chức thành công chương trình đào tạo nghiệp vụ tín dụng và quản lý rủi ro cho 15 đoàn cán bộ sang khảo sát, học tập kinh nghiệm tại ngân hàng Nonghyup, Hàn Quốc; tổ chức 2 Hội nghị tập huấn cho 60 cán bộ ngân hàng Nonghyup, Hàn Quốc. Chú trọng tập huấn, nâng cao trình độ cán bộ nghiệp vụ thanh toán quốc tế (TTQT), kinh doanh ngoại tệ của Agribank, xây dựng nội dung, tài liệu và câu hỏi, đáp án, liên hệ chuyên gia quốc tế và trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm cho các chi nhánh để nâng cao trình độ ngoại ngữ và chuyên môn. Tổ chức 7 lớp TTQT cơ bản, 2 Hội thảo TTQT chuyên sâu nghiệp vụ TTQT, 1 Hội thảo Thanh toán biên mậu, 1 Hội thảo phòng chống rửa tiền, khủng bố quốc tế, lừa đảo thương mại. Thường xuyên phối hợp với các định chế tài chính nước ngoài tổ chức tập huấn, đào tạo, khảo sát học tập kinh nghiệm về chứng chỉ và thi CDCS, kỹ năng đàm phán, hợp tác quốc tế, phòng chống rửa tiền, xu hương thương mại quốc tế, swift GPI.
Kết quả hoạt động kinh doanh đối ngoại năm 2019 tiếp tục được khẳng định khi Agribank được Công ty Brand Finance xếp hạng 190 trong top 500 Thương hiệu Ngân hàng giá trị lớn nhất toàn cầu (Brand Finance Banking 500); Tạp chí The Asian Banker xếp hạng 142/500 Ngân hàng lớn khu vực châu Á, giải thưởng Tỷ lệ điện đạt chuẩn tự động cao do Ngân hàng BNY Mellon và Citibank trao tặng và Chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc từ ngân hàng Wells Fargo góp phần khẳng định uy tín, hình ảnh, thương hiệu Agribank trên trường quốc tế.
Bước sang năm 2020, năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, Đại hội Đảng bộ Agribank lần thứ X nhiệm kỳ 2020- 2025, đồng thời là “chặng nước rút” để Agribank hoàn thành toàn diện các mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2, chuẩn bị sẵn sàng triển khai cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ; Agribank sẽ bám sát các Đề án chiến lược, đề án, giải pháp phát triển hoạt động kinh doanh ngoại hối, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra nhằm nâng cao chất lượng hoạt động KDNH, tăng thị phần TTQT của Agribank. Quản lý chặt chẽ hoạt động TTBG, phòng ngừa hoạt động buôn lậu và rửa tiền trong TTBG. Tiếp tục đào tạo ngoại ngữ, chuyên sâu về TTQT. Phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược theo từng lĩnh vực trọng điểm nhằm khai thác thế mạnh của từng đối tác, hỗ trợ có hiệu quả đối với công tác đào tạo cán bộ phục vụ yêu cầu Quản trị Ngân hàng hiện đại, đặc biệt là Quản trị rủi ro theo chuẩn mực quá trình cổ phần hóa Agribank.