Hãng tin Reuters ngày 31-1 đưa tin ông Mohamed ElBaradei - nhà lãnh đạo của Mặt trận cứu quốc (NSF), phe đối lập chính tại Ai Cập - đã bất ngờ kêu gọi tổ chức cuộc họp khẩn cấp với Tổng thống Mohamed Morsi, chỉ vài ngày sau khi họ từ chối tham gia đối thoại dân tộc do ông Morsi đề xuất. Một số chuyên gia cho rằng động thái trên của ông ElBaradei đánh dấu bước chuyển biến trong thái độ và lập trường của phe đối lập, đồng thời mở ra triển vọng cải thiện chính trị tại quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến nhận định còn quá sớm khi nói đó là một tín hiệu tích cực cho cuộc xung đột tại Ai Cập.
Bất đồng sâu sắc
Ông M.ElBaradei kêu gọi tổ chức một cuộc gặp khẩn cấp giữa NSF và Tổng thống Morsi, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Nội vụ, đảng Tự do và công bằng (FJP) của tổ chức Anh em Hồi giáo cùng lãnh đạo các đảng Salafist nhằm thảo luận về các diễn biến bạo lực đang gia tăng từng ngày trên khắp các đường phố. Saeed al-Lawindy, chuyên gia chính trị thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính trị al-Ahram, đánh giá lời kêu gọi của ông ElBaradei là sự thay đổi quan điểm, đề cao các lợi ích chung hơn là tính đảng phái và tư lợi cá nhân.
Tuy nhiên, Ali Hassan, Phó Giám đốc Hãng thông tấn Ai Cập MENA, cho rằng có thể phe đối lập đã nhận thức được nếu không có đối thoại và thỏa hiệp, Ai Cập sẽ bị đẩy tới gần hơn tới bất ổn và NSF có thể sẽ bị chỉ trích là đã góp phần hủy hoại sự ổn định của Ai Cập do tẩy chay đối thoại.
Rất nhiều người cho rằng cuộc đối thoại mà NSF đề xuất sẽ rất khó diễn ra khi phe đối lập và Chính phủ Ai Cập còn bất đồng cơ bản. Karima al-Hifnawi, một thành viên của NSF, cho hay lời kêu gọi tổ chức các cuộc gặp khẩn cấp với Tổng thống Morsi của thủ lĩnh ElBaradei vừa qua không đồng nghĩa với việc NSF đã từ bỏ các điều kiện tiên quyết tham gia đối thoại đó là thành lập một chính phủ mới và tiến hành sửa đổi hiến pháp. Điều này hoàn toàn không thể thành hiện thực khi trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 30-1, Tổng thống Morsi đã khẳng định không có chuyện thành lập một chính phủ thống nhất mới trước khi bầu cử quốc hội.
Theo Tổng thống Ai Cập, chính quyền nước này đang làm mọi thứ vì lợi ích của người dân Ai Cập và sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mà ông tin rằng sẽ giúp tương lai Ai Cập tươi sáng hơn trong thời gian tới.
Kịch bản kiểu Mubarak lặp lại?
Trong bài phát biểu ngày 29-1, người đứng đầu quân đội Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cảnh báo, tình trạng bất ổn chính trị đang đẩy quốc gia này tới bờ vực của sự sụp đổ.
Elijah Zarwan, một nhà phân tích chính trị tại Cairo, nhận định quân đội đang phản ánh những mối lo ngại của dân chúng. Mỹ và các nước phương Tây, những lực lượng tham gia tích cực trong việc lật đổ chính quyền Tổng thống Hosni Mubarak, từng tung hô rằng lịch sử Ai Cập sẽ sang trang dưới thời của một vị Tổng thống do dân bầu ra sau 30 năm. Mỹ và các đồng minh tin tưởng Tổng thống Morsi lên nắm quyền sẽ giúp họ duy trì được ảnh hưởng tại khu vực và đảm bảo được các lợi ích tại quốc gia có tiếng nói quan trọng trong khu vực.
Tuy nhiên, những tính toán của Mỹ và phương Tây đã không thành hiện thực khi Tổng thống Morsi không hề có ý muốn thân Mỹ. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Morsi chọn điểm công du nước ngoài đầu tiên là Trung Quốc và Iran thay vì Mỹ. Động thái này đã được tờ Asia Times nhận định: Ai Cập không coi trọng Mỹ.
Không ít chuyên gia cho rằng, Mỹ sẽ không chịu khoanh tay để ông Morsi “cướp” những thành quả mà Washington đã xây dựng tại Ai Cập. Chính vì vậy, rất có thể một kịch bản tương tự như Hosni Mubarak sẽ xảy ra và như vậy, đất nước kim tự tháp sẽ còn tiếp tục phải đắm chìm trong bất ổn.
ĐỖ CAO (tổng hợp)