1. Bài này viết vào sáng ngày thứ sáu, lúc trận đấu giữa Việt Nam và Lào vẫn chưa diễn ra. Nhưng dù kết quả trận đấu đó có xảy ra theo chiều hướng nào thì những nhận định và tinh thần của bài viết này có lẽ cũng không thay đổi.
Bởi vì giả như Việt Nam sẽ thắng Lào, thậm chí thắng đậm (điều mà người Mã đã làm được) thì điều đó cũng không khỏa lấp được một điều hổ thẹn: lần đầu tiên Việt Nam tự đặt mình vào thế phải “quyết đấu” với Lào. “Quyết đấu” với Lào, cũng chẳng khác hơn là mấy ta phải quyết đấu với Campuchia, Philippines hay Brunei - những nền bóng đá yếu kém nhất thế giới.
Dĩ nhiên Lào có tiến bộ, nhưng họ không hề đi hia bảy dặm, nghĩa là không thể tiến bộ đến mức mà thầy trò ông Riedl phải “hạ quyết tâm”, phải “quyết thắng”, phải “không được phép thua”. Nói Việt Nam e ngại không biết có thắng nổi Lào hay không cũng giống như nói tuyển Brazil sợ thất trận trước đội tuyển Síp. Thế mà điều không tin được đó lại xảy ra, chắc chắn không phải vì Lào mạnh quá nhanh mà vì Việt Nam yếu quá lẹ.
2. Không phải cho đến bây giờ, Riedl mới xứng danh là “chuyên gia đổ thừa”. Từ lâu ông đã than phiền rằng cầu thủ Việt Nam vóc dáng thấp bé nên không thể đá bóng hay. Ông quên rằng nhiệm vụ của ông là tìm ra lối chơi tương thích với vóc dáng thấp bé của cầu thủ vùng Đông Nam Á chứ không phải luôn miệng than vãn về điều đó sau mỗi lần bại trận. Đó là thái độ không nên có ở một nhà cầm quân. Bởi vấn đề đặt ra là ông phải thiết kế cho được lối chơi phù hợp với tố chất của người Việt Nam chứ không phải là thay đổi cả dân tộc Việt Nam bằng dân Úc, dân Anh hay dân Thụy Điển cao to để phù hợp với chiến thuật của ông. Đó là chưa kể, ông quên mất người Mexico cũng chẳng to cao gì hơn người Việt nhưng họ vẫn chơi bóng rất giỏi đó thôi.
Đổ thừa cho thể hình của dân tộc Việt là đổ thừa cho cái chung. Trong từng trận đấu cụ thể thì ông đổ thừa cho cái riêng, cho cầu thủ. Nào là trạng thái tâm lý căng thẳng, yếu kém. Quá nhiều sai sót cá nhân. Đại loại như vậy. Nhưng ở đây, ông lại quên rằng chuẩn bị tinh thần, tâm lý cho cầu thủ trước mỗi giải đấu là nhiệm vụ quan trọng của ban huấn luyện. Một huấn luyện viên tài ba là người biết truyền lửa cho học trò, giúp các cầu thủ tự tin, hưng phấn trước những trận đánh lớn. Cầu thủ rơi vào trạng thái xấu, lỗi cầu thủ chỉ 10%, lỗi của những ông thầy chiếm tới 90%. Những sai sót cá nhân cũng vậy.
Tất nhiên sai sót cá nhân là điều không thể tránh trong môn chơi căng thẳng và có tính đối kháng cao như bóng đá và ngay cả các siêu sao thế giới thỉnh thoảng vẫn mắc sai lầm. Nhưng nếu những sai sót cá nhân lặp đi lặp lại có tính hệ thống, hết trận này đến trận khác thì có nghĩa công tác huấn luyện có vấn đề. Hàng loạt sai sót trong trận gặp Malaysia tới vô số sai sót trong trận gặp Singapore, những yếu kém đó đã không còn là hiện tượng có tính chất cá nhân nữa. Nếu ông Riedl vẫn dứt khoát bảo đó chẳng qua chỉ là những sai sót cá nhân thì người ta có thể nói ngay nếu thế thì đó là sai sót của các cá nhân trong ban huấn luyện.
3. Về tình cảm cá nhân, tôi vẫn rất quý ông Riedl, người đã gắn bó với bóng đá Việt Nam suốt mười năm trời, đã dẫn dắt nhiều thế hệ cầu thủ từ Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Quốc Vượng, Văn Quyến đến Công Vinh, Thanh Bình, Vũ Phong... và đã gặt hái được không ít thành tích cho bóng đá Việt Nam. Nhưng dù sao thì cũng phải thừa nhận trình độ của ông chỉ có hạn. Chúng ta cảm ơn ông vì ông đã làm hết sức mình nhưng chúng ta cũng thấy rằng sức của ông đã tới ngưỡng. Nếu tài năng thực sự, ông đã không để tuột cả hai chiếc huy chương vàng trên sân nhà trước người Sing và người Thái tại Tiger Cup 1998 và SEA Games 2003.
Nếu có tài nhìn người, ông đã không bỏ rơi những cầu thủ xứng đáng chơi ở SEA Games và tin dùng những cầu thủ không xứng đáng chơi ở SEA Games. Ông cũng chưa bao giờ tìm ra những viên “ngọc trong đá” như HLV Calisto đã làm với Tài Em, Trường Giang, Xuân Thành. Và điều rõ nhất, vì có lẽ ai cũng nhìn thấy: ông không có khả năng đọc trận đấu và điều chỉnh chiến thuật trên sân.
Tình cảm của Riedl đối với Việt Nam là có thật. Ông đã gắn bó quá lâu rồi còn gì, và tôi hoàn toàn tin ông khi ông bảo Việt Nam là quê hương thứ hai của ông. Ông xứng đáng được nhận Huân chương Hữu Nghị, thậm chí được coi là công dân danh dự của Việt Nam vì tình yêu và sự gắn bó của ông với mảnh đất này. Nhưng chiếc ghế HLV trưởng bóng đá Việt Nam nên trao cho người khác, tài năng hơn, giỏi giang hơn, người có thể ít yêu Việt Nam hơn Riedl nhưng làm cho bóng đá Việt Nam được nhiều điều hơn ông.
Cuối cùng, ngay cả khi tuyển Olympic Việt Nam may mắn đoạt huy chương vàng SEA Games lần này (lạy trời!) thì điều đó cũng không cho thấy Riedl đã tài năng hơn vì thực sự bóng đá SEA Games đã không còn ở trình độ đội tuyển quốc gia: Đã từ lâu một số nền bóng đá vùng trũng như Thái Lan hay Singapore cũng không còn xem trọng giải này.
Chu Đình Ngạn