Ám ảnh điểm đen tai nạn giao thông đèo Bảo Lộc

Đèo Bảo Lộc nằm trên quốc lộ 20 - tuyến giao thông đường bộ huyết mạch nối Lâm Đồng và các tỉnh phía Nam. Thời gian gần đây, dù đường được mở rộng nhưng đèo Bảo Lộc trở thành “điểm đen” tai nạn giao thông, mà nguyên nhân chính là do tài xế phóng nhanh, vượt ẩu.
Do là tuyến huyết mạch nên mỗi khi xảy ra tai nạn, giao thông tại đèo Bảo Lộc thường bị tê liệt
Do là tuyến huyết mạch nên mỗi khi xảy ra tai nạn, giao thông tại đèo Bảo Lộc thường bị tê liệt

Những khúc cua “tử thần”

Chỉ chưa đầy 10 ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3-2021, trên quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc liên tiếp xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông khiến ít nhất 1 người chết, nhiều người khác bị thương. Gần đây nhất, khoảng 18 giờ ngày 2-3, tại Km101 đoạn qua tượng đài Đức Mẹ (trên đèo Bảo Lộc) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải đang lên đèo và xe container theo chiều ngược lại. Vụ tai nạn khiến xe container lao xuống vực hơn 20m bị hư hỏng nặng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do tài xế N.C.T. (ngụ tỉnh Đồng Nai) điều khiển xe tải lên đèo Bảo Lộc vượt lấn đường, va chạm với xe container. Ngày hôm sau, cơ quan chức năng nhiều lần buộc ngừng phương tiện lưu thông qua lại trên đèo để phục vụ cứu hộ, khiến giao thông ùn ứ kéo dài nhiều giờ.

Trước đó, khoảng 18 giờ 40 phút ngày 26-2, một xe container khác đổ đèo Bảo Lộc theo hướng Đà Lạt đi TPHCM với tốc độ cao, khi đến Km96 thuộc địa phận thị trấn Đạ M’ri (huyện Đạ Huoai) bất ngờ lấn qua phần đường bên trái tông vào xe khách 16 chỗ đang lên đèo, rồi tiếp tục tông vào 1 xe ô tô bán tải. Cú tông mạnh khiến chiếc xe 16 chỗ quay ngược chiều. Ngoài ra, xe container này còn va chạm với 2 xe ô tô 7 chỗ, 1 xe khách 24 chỗ và 1 xe máy rồi mới dừng lại cách hiện trường vụ tai nạn hơn 100m. Vụ tai nạn liên hoàn xảy ra vào giờ cao điểm khiến đèo Bảo Lộc bị ùn ứ, ách tắc cả 2 chiều. Phần lớn nguyên nhân là do một số phương tiện lấn làn khi vượt xe cùng chiều, hoặc lấn hẳn sang phần đường còn lại khi vào đoạn cua gấp, sau đó gây tai nạn. Một số vụ do lái xe phóng nhanh, không làm chủ được phương tiện dẫn đến tự gây tai nạn,như vụ tai nạn chiều 24-2-2021 khiến 4 người trong 1 gia đình thương vong.

Là lái xe thường xuyên di chuyển qua các cung đường đèo, anh Hoàng Nam chia sẻ kinh nghiệm: “Nguyên tắc cơ bản khi đi đèo là bám đuôi, việc chạy sau một chiếc xe khác trên những đoạn đèo dài và hẹp là điều rất thuận lợi. Xe chạy ngay phía trước như một “hoa tiêu” dẫn đường, giúp lái xe nhìn thấy trước được độ dốc, góc cua, chướng ngại vật… qua đó xử lý tình huống bằng cách sử dụng ga, phanh phù hợp. Nhiều người sốt ruột vì tốc độ của người phía trước rồi mạnh dạn vượt, điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn. Bản thân mỗi lái xe cần lưu ý là không nên chạy quá sát xe phía trước mà vẫn phải có khoảng cách an toàn, phòng trường hợp chiếc xe này phanh gấp”.

Tăng cường tuần tra, xử lý

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2013 đến nay, ít nhất có 8 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đèo Bảo Lộc làm 15 người chết, hàng chục người bị thương. Các vị trí khúc cua tại Km97, Km98, Km101 và Km103 được coi là những “điểm đen” thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Nếu nhẹ thì va chạm, lật xe làm người bị thương, phương tiện hư hỏng; nặng thì xe lao xuống vực (bên trái theo hướng từ Đà Lạt đi TPHCM), tông vào vách núi, tai nạn liên hoàn… Còn theo Ban An toàn giao thông tỉnh Lâm Đồng, trong 2 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông, làm 25 người chết, 21 người bị thương, tăng 89,47% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên quốc lộ 20, đèo Bảo Lộc.

Mới đây, trong Hội nghị đột xuất về an toàn giao thông 2 tháng đầu năm 2021, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nêu nguyên nhân khiến tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tăng đột biến thời gian qua là do công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng chưa được thường xuyên, liên tục, khép kín địa bàn; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông như chạy quá tốc độ, đi sai làn đường, phần đường… Ông Phạm S cũng yêu cầu các đơn vị liên quan kịp thời rà soát nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn để sớm có biện pháp khắc phục.

Hiện nay, ngoài lực lượng thanh tra, CSGT quản lý ở hai đầu đèo, trên đèo Bảo Lộc đã thành lập một chốt kiểm soát do 12 cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng CSGT, Công an tỉnh Lâm Đồng phụ trách trực 24/24. Trung tá Đoàn Mạnh Toàn, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Khó khăn hiện nay của lực lượng CSGT tại đèo Bảo Lộc là không được lập chốt xử lý ngay tại đèo mà chỉ được phép tuần lưu, khi phát hiện phương tiện vi phạm luật giao thông mới lai dắt lên hoặc xuống đèo để xử lý. Trong thời gian chờ đề án triển khai phạt nguội thông qua camera trên đèo Bảo Lộc đi vào hoạt động, sắp tới lực lượng CSGT sẽ liên tục mở đợt cao điểm tăng cường tuần lưu bằng mô tô, ô tô, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khác cương quyết xử lý nghiêm các hành vi lấn làn, phóng nhanh vượt ẩu nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trên đèo”.

Đèo Bảo Lộc nối thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai và xã Đại Lào, TP Bảo Lộc trên tuyến quốc lộ 20 (thuộc tỉnh Lâm Đồng).

Do chênh lệch độ cao lớn từ hơn 400m (dưới chân đèo) lên 980m (đỉnh đèo) và có hơn 100 khúc cua ngoằn ngoèo, chiều dài khoảng 10km khiến đèo Bảo Lộc là thử thách lớn với mỗi lái xe, nhất là những người ít có kinh nghiệm leo đèo.

Sau nhiều lần cải tạo, mặt đường đèo Bảo Lộc đã được mở rộng đáng kể và nhất là sau khi dự án xây dựng hệ thống chiếu sáng đèo Bảo Lộc đưa vào sử dụng từ đầu năm 2019, đã giúp các phương tiện thuận tiện hơn trong di chuyển vào ban đêm.

Tin cùng chuyên mục