Ấm áp tết quê hương

Tối 17-1, tại hội trường TPHCM đã diễn ra chương trình họp mặt kiều bào mừng xuân Nhâm Thìn với sự góp mặt của gần 700 kiều bào trở về từ hơn 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM cùng dự.
Ấm áp tết quê hương

Tối 17-1, tại hội trường TPHCM đã diễn ra chương trình họp mặt kiều bào mừng xuân Nhâm Thìn với sự góp mặt của gần 700 kiều bào trở về từ hơn 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM cùng dự.

“Về Việt Nam mới thấy mình được ăn tết thật. Ở nước ngoài bây giờ muốn mua nước mắm, gạo nếp, bánh tráng để làm món Việt… không quá khó, nhưng kiếm làm sao ra không khí ấm cúng của quê hương!” - ông Trương Đình Thanh, kiều bào Nhật cười lớn.

Sang Nhật học rồi định cư tại đó gần 40 năm, hơn ai hết, ông Thanh cảm nhận cái tết lạnh và buồn nơi xứ người. Người Nhật ăn tết tây là chủ yếu, tết ta chỉ có những người dân sống ở vùng nông thôn mới tổ chức ăn uống, cúng bái thôi. Tết âm lịch, trong khu ông ở, chỉ có gia đình ông tự tổ chức nấu nướng để nhớ về quê hương. Chuẩn bị sẵn cái nồi nho nhỏ, ông đi khắp mấy siêu thị tìm mua nguyên liệu về gói bánh chưng. Tết xa quê, gia đình ông cũng chỉ gói chừng 5 - 6 chiếc bánh chưng, đủ để cha con, chồng vợ ăn với nhau cho đỡ nhớ nhà.

Từ năm 2008, ông Thanh quyết định trở về Việt Nam, hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, làm việc tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ông tâm sự: “Tết năm ngoái, tôi về Phú Yên. Năm nay tôi ăn tết TPHCM. Thật vui mừng khi thấy đất nước ngày một phát triển”. Xa quê gần nửa đời người nhưng ông Thanh tự hào cho hay ông vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam chứ không nhập quốc tịch nước ngoài, vẫn nhớ như in những bài văn, bài thơ Việt được học từ ngày còn thơ ấu.

Niềm vui của kiều bào trong buổi họp mặt. Ảnh: V.DŨNG

Niềm vui của kiều bào trong buổi họp mặt. Ảnh: V.DŨNG

Dẫn theo đứa cháu ngoại, cô Huỳnh Thị Tuyết Vân, kiều bào Mỹ, đến dự buổi họp mặt với tâm trạng vui. Cô Vân về nước đã được 12 ngày, chuẩn bị ăn một cái tết ấm cúng với con cháu. Từ năm 2001 đến nay, cô Vân thường xuyên về nước để đầu tư kinh doanh. Cô khoe đã đi du lịch nhiều nơi như vịnh Hạ Long, Cát Bà.. “Năm nào về cũng thấy ngạc nhiên, cũng thấy TP đổi mới. Ở đây là xứ của mình. Về ăn tết tại xứ mình thì không ở đâu bằng” - cô Vân chia sẻ.

Năm 2011, dù tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, lượng kiều hối chuyển về nước thông qua hoạt động đầu tư của kiều bào đạt 5 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Số kiều bào về nước làm từ thiện, cấp học bổng cho học trò nghèo, xây cầu cho bà con vùng nông thôn cũng không ngừng tăng lên.

“Điều đó là vô cùng đáng quý, thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng, mật thiết với quê hương của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” - Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhận xét.

Thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch Lê Hoàng Quân bày tỏ mong muốn người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục là cầu nối về văn hóa, kinh tế, thương mại, góp phần xây dựng TP, xây dựng quê hương, giúp thiết lập những mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung với các nước trên thế giới.

Dịp này, Bí Thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã trao Huân chương Lao động hạng nhì cho ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương. Ông David Trung Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam và Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam cùng được nhận Huân chương Lao động hạng ba. Ông Huỳnh Trí Chánh, nguyên Chủ tịch Tổng hội Người Việt Nam tại Nhật Bản nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, UBND TPHCM cũng trao bằng khen cho 4 tập thể và 7 cá nhân.

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục